Nhập khẩu lạm phát: Tác động nhân đôi vì yếu tố tâm lý (Bài 2)

LẠM PHÁT Việt nAM
07:33 - 16/03/2022
Nhập khẩu lạm phát: Tác động nhân đôi vì yếu tố tâm lý (Bài 2)
0:00 / 0:00
0:00
TS. Cấn Văn Lực cảnh báo khi giá xăng dầu tăng, các mặt hàng khác cũng có xu hướng tăng theo phong trào, kiểu “té nước theo mưa” do tâm lý lo lạm phát của người dân.

Trong một dự báo vào tháng 1/2022, Bloomberg cho rằng lạm phát tại Việt Nam năm nay có thể tăng vọt lên 3,45%, tức mức tăng nhanh bậc nhất so với các nền kinh tế châu Á khác trong bối cảnh áp lực nhập khẩu lạm phát và tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục.

Đáng chú ý, dự báo này được đưa ra trước cả khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ gây thêm sức ép cho lạm phát và chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi sức ép từ chiến sự ở Ukraine khiến giá cả trên thị trường hàng hóa thế giới, từ dầu thô cho đến kim loại, lương thực thực phẩm tăng vọt; mục tiêu kiểm soát lạm phát tại Việt Nam đang bị đặt trước nhiều thách thức.

Giá xăng tăng tiến sát 30.000 đồng/ lít sau 7 lần liên tiếp điều chỉnh tăng (Ảnh: NLĐ)

Giá xăng tăng tiến sát 30.000 đồng/ lít sau 7 lần liên tiếp điều chỉnh tăng (Ảnh: NLĐ)

Giá xăng dầu tăng là “động cơ” chính làm tăng lạm phát

Quan điểm chung trong các dự báo lạm phát gần đây đều cho rằng giá xăng dầu trong nước tăng là yếu tố gây sức ép hàng đầu lên tình hình lạm phát.

Trong một nhận định mới đây, nhà kinh tế trưởng Michael Kokalari của VinaCapital dự báo giá dầu thế giới leo thang có thể đưa giá xăng dầu tại Việt Nam tăng khoảng 30% trong những tháng tiếp theo, từ đó thúc đẩy lạm phát trong nước tăng khoảng 1,5 điểm phần trăm.

Trong khi đó, giá lúa mì và kim loại công nghiệp thế giới tăng không ảnh hưởng quá nhiều đến lạm phát tại Việt Nam do đóng góp không đáng kể vào rổ tính CPI trong nước. Giá các kim loại công nghiệp trên thế giới dù có tăng nhưng giá thép, được coi là kim loại công nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam, lại không tăng đáng kể.

Tương tự, Dragon Capital khi tuyên bố nâng dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 từ 3,5% lên 3,58% - 4,18% cũng nhấn mạnh rằng chiến sự Nga - Ukraine không gây ảnh hưởng trực tiếp đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam vì kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nga và Việt Nam - Ukraine chiếm chưa đầy 2% tổng kim ngạch thương mại quốc gia, nhưng việc giá năng lượng thế giới tăng sẽ tác động đáng kể đến lạm phát trong nước.

Dragon Capital nâng dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 từ 3,5% lên 3,58% - 4,18% (Ảnh: Dragon Capital)

Dragon Capital nâng dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 từ 3,5% lên 3,58% - 4,18% (Ảnh: Dragon Capital)

Trong một dự báo chi tiết hơn, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định tại một tọa đàm hôm 14/3 rằng kịch bản giá xăng dầu tăng 30% trong năm 2022 (so với năm 2021) sẽ đưa lạm phát đội lên khoảng 0,8% - 1,0% so với các ước tính trước đây.

Cụ thể, theo TS. Cấn Văn Lực, có 3 tác động tiêu cực chính từ việc giá xăng dầu tăng.

Đầu tiên là chi phí nhập khẩu xăng dầu tăng làm trầm trọng thêm cán cân nhập siêu. Với kịch bản giá xăng dầu tăng bình quân 30% trong năm kết hợp giả định nhu cầu xăng dầu tăng khoảng 10% theo đà phục hồi kinh tế, dự báo nhập siêu xăng dầu khoảng 9 tỷ USD.

Bên cạnh đó là tác động tiêu cực đến sản xuất và tiêu dùng. Giá xăng dầu tăng chắc chắn tác động đến hoạt động của doanh nghiệp theo hướng làm tăng chi phí đầu vào, giảm biên lợi nhuận do chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất bình quân năm 2021. Ngoài ra, nó cũng gây áp lực đáng kể với tiêu dùng của người dân theo hướng làm giảm tổng cầu nền kinh tế, do chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình.

Cuối cùng, giá xăng tăng sẽ đưa áp lực lạm phát tăng cao do giá xăng dầu tác động trực tiếp đến nhiều nhóm hàng hóa quan trọng trong rổ hàng hóa tính CPI như nhóm giao thông, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng…, chưa kể tác động vòng 2, vòng 3… đến các nhóm hàng hóa khác.

Đặc biệt, ông Lực cảnh báo khi giá xăng dầu tăng, các mặt hàng khác cũng có xu hướng tăng theo phong trào, kiểu “té nước theo mưa” do tâm lý lo lạm phát của người dân.

Lạm phát cao, yếu tố tâm lý góp phần không nhỏ

Lạm phát là yếu tố vô cùng nhạy cảm với tâm lý người dân. Hiện tượng “té nước theo mưa” mà TS. Cấn Văn Lực cảnh báo về bản chất tương tự như hiện tượng “Giá xăng tăng là giá phở tăng liền” mà Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương từng chỉ ra.

Trong nhiều trường hợp, kỳ vọng của người dân về lạm phát trong tương lai có khả năng tác động rất nhanh và trực tiếp đến tình hình giá chung, thậm chí tạo nên mặt bằng giá mới trước cả khi lạm phát thực sự phản ánh vào giá sản xuất.

Tâm lý lo sợ lạm phát lên cao lý giải tại sao giá vàng tăng vọt trong thời gian qua, khi người dân đổ tiền vào kênh tài sản an toàn thay thế tiền VND có nguy cơ mất giá. Tại chợ dân sinh một số tỉnh thành miền Bắc như Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh, ghi nhận của PV cho thấy bên cạnh một số mặt hàng như gạo, thịt lợn, trứng vẫn giữ được mức giá bình ổn thì rau, củ, quả đã có dấu hiệu tăng đáng kể.

Chẳng hạn, rau cải 10.000 đồng/ bó nay tăng lên khoảng 12.000-15.000 đồng/ bó…, đặc biệt các loại rau gia vị như hành lá, thì mùi, thì là, rau húng… có nơi tăng mạnh từ khoảng 50.000 - 70.000 đồng/kg lên hơn 100.000 đồng/kg tùy địa phương. Nguyên nhân tăng giá được cho là do giá xăng tăng, không liên quan đến yếu tố thời tiết hay nguồn cung.

Về yếu tố cung, kiểm soát lạm phát là rất khó trong bối cảnh đa số áp lực lạm phát hiện tại đều đến từ nhập khẩu lạm phát khi giá cả thế giới tăng phi mã.

Chẳng hạn, Chính phủ dù đã vận dụng nhiều công cụ điều chỉnh giá như Quỹ bình ổn giá xăng dầu và giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, xem xét bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng RON 92 ra thị trường… thì tác dụng hạ nhiệt giá vẫn không quá đáng kể. Sau 7 kỳ điều chỉnh tăng giá liên tiếp, từ hôm 11/3, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 đã lên tới 28.985 đồng/ lít và xăng RON 95 là 29.824 đồng/ lít, tức tiến sát mốc 30.000 đồng/lít.

Về phía cầu, nếu muốn kiểm soát lạm phát, biện pháp kỹ thuật là thắt chặt tài khóa và tiền tệ. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đang hướng tới phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà nước cho đến nay vẫn kiên trì chủ trương nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trị giá 347 nghìn tỷ bao gồm rất nhiều biện pháp hỗ trợ tài khóa, tiền tệ đã và đang được thúc đẩy triển khai, kỳ vọng kích thích đầu tư và tiêu dùng, mang lại động lực mới cho nền kinh tế.

Phản ứng thường quá mức của người dân trước nỗi lo lạm phát không chỉ vô hình chung càng đẩy lạm phát lên cao nhanh hơn, mà còn dẫn tới làm giảm hiệu quả của chính sách điều hành lạm phát. Như vậy, mục tiêu kiểm soát trong năm 2022 vốn đã rất thách thức, và sẽ càng thách thức hơn nếu không thể ổn định tâm lý người tiêu dùng, để cho tâm lý lo lạm phát thổi bùng lạm phát thêm nhiều lần.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.