Nhiệt điện Quảng Ninh đạt sản lượng cao nhất, cổ phiếu 'nhăm nhe' vượt đỉnh

QTP quảng ninh
11:17 - 12/06/2023
Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh. Ảnh: QTP
Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh. Ảnh: QTP
0:00 / 0:00
0:00
Trước tình trạng thiếu điện, nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh đã hoạt động hết công suất giúp sản lượng đạt mức kỷ lục trong tháng 5. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của công ty này cũng đang nhăm nhe vượt đỉnh.

CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP) vừa thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, trong tháng 5/2023, sản lượng điện của QTP là 806,5 triệu kWh, vượt 34,6 triệu kWh so với kế hoạch tháng. Đây cũng là mức sản lượng sản xuất cao nhất của tháng kể từ khi nhà máy đi vào vận hành. Lũy kế 5 tháng đầu năm, công ty sản xuất 3,383 tỷ kWh điện, tăng thêm 5% so với kế hoạch.

Năm 2023, QTP đặt mục tiêu sản xuất trên 7,5 tỷ kWh, tương ứng với sản lượng điện thương phẩm 6,8 tỷ kWh. Con số thực hiện của năm 2022 lần lượt là 7,05 tỷ kWh và 6,4 tỷ kWh.

Trước hiện tượng El Nino khiến thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, hiện các tổ máy của Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh đều được huy động phát tối đa công suất 24/24. Lực lượng vận hành viên được bố trí trực theo chế độ 3 ca 5 kíp.

Nhiệt điện Quảng Ninh làm ăn ra sao?

QTP được thành lập vào tháng 2/2002, đầu tư góp vốn bởi các cổ đông lớn: Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1); Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); Tổng Công ty Điện lực TKV-CTCP (Vinacomin Power); Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC); CTCP Cơ Điện Lạnh (REE).

Nằm tại 1 trong 4 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc bao gồm Hà Nội - Bắc Giang - Quảng Ninh - Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh được hưởng lợi thế không nhỏ về vị trí để đảm bảo cho sản lượng đầu ra.

Năm 2023, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế ở mức 440 tỷ đồng, gần tương đương với kế hoạch năm 2022 nhưng giảm mạnh 42% so với mức thực hiện của năm ngoái. Năm 2022, công ty chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế ở mức gần 436 tỷ đồng nhưng thực tế thực hiện lên tới hơn 764 tỷ đồng.

Quý 1/2023, QTP mang về 2.995 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên giá vốn bán hàng tăng mạnh hơn, chiếm tới 2.817 tỷ đồng nên công ty chỉ còn 144 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 58% so với cùng kỳ. So với kế hoạch lợi nhuận năm, công ty đã hoàn thành được 32%.

Tại thời điểm cuối quý 1/2023, tổng tài sản của QTP đạt hơn 8.200 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Chiếm phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (hơn 3.000 tỷ đồng) và tài sản cố định (hơn 4.000 tỷ đồng).

Nợ phải trả của công ty ở mức 2.124 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ vay chiếm gần 1.100 tỷ đồng.

Phiên 12/6, cổ phiếu QTP giao dịch mức giá 17.300 đồng, tiến gần sát mức đỉnh từng chinh phục vào đầu năm 2022. Chỉ riêng giai đoạn ngắn từ đầu tháng 6 tới nay, mã này đã tăng hơn 10%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.