NHNN: Tín dụng tăng 8,15% là phù hợp với diễn biến tích cực của nền kinh tế

NGÂN HÀNG Việt nAM
16:03 - 15/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 15/6, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022. Theo lãnh đạo NHNN, đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cùng kỳ là phù hợp với những diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế hiện nay.

Tại buổi Họp báo, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong 6 tháng đầu năm, chính sách tín dụng, tiền tệ đã từng bước hòa nhập với bối cảnh bình thường mới, tập trung tạo điều kiện tăng tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế.

Lạm phát Việt Nam cuối tháng 5 mới chỉ 2,25%

Theo Phó thống đốc NHNN, thời gian qua, tốc độ luân chuyển vốn đã nhanh hơn so với 2 năm trước đó. Tuy nhiên, bên cạnh một số điều kiện thuận lợi, điều hành chính sách tiền tệ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là nguy cơ đang dần hiện hữu là lạm phát.

Trước vấn đề liên quan đến tình hình lạm phát trên thế giới thời gian gần đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết áp lực kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Tuy vậy, theo ông Đào Minh Tú, hiện nay Việt Nam vẫn đang điều hành hết sức ổn định. Lạm phát đến cuối tháng 5/2022 mới chỉ 2,25%, trong đó chủ yếu là do yếu tố giá cả (nhất là giá xăng dầu).

Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tính toán để đưa ra các phương án, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác với mục tiêu ưu tiên là kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu mong muốn để ra.

Trong 6 tháng đầu năm, dòng vốn được lưu chuyển tích cực, vòng quay đồng tiền nhanh hơn, tín dụng tăng trưởng tích cực. Tính đến giữa tháng 6/2022, tín dụng tăng khoảng 8,15%, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái (4,8%). Điều này cũng cho thấy, tốc độ khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khá tích cực.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và các mục tiêu của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội năm 2022 – 2023, Ngân hàng Nhà nước theo dõi diễn biến thị trường trong và ngoài nước, diễn biến dịch bệnh để điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường.

Đồng thời, đảm bảo tăng trưởng tín dụng hợp lý trên cơ sở kiểm soát được lạm phát, ưu tiên cung ứng vốn cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn do Covid-19 thời gian qua, tạo điều kiện nhanh khôi phục nền kinh tế.

Riêng các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao vẫn sẽ được kiểm soát chặt chẽ, Phó thống đốc NHNN khẳng định.

Quản lý room tín dụng

Về vấn đề các Ngân hàng Thương mại đang đề xuất nới room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện có ít nhất khoảng 14 quốc gia sử dụng công cụ cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng đối tượng. Có quốc gia cấp hạn mức cho doanh nghiệp, có quốc gia cấp hạn mức tăng trưởng cho từng hộ gia đình, cho những lĩnh vực đặc thù như bất động sản, có những nước cấp tăng trưởng tín dụng cho toàn bộ nền kinh tế...

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ năm 2011 đến nay đã thực hiện xét cấp tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Trong 11 năm qua, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên đánh giá, rà soát, cập nhật việc điều chỉnh, xét tăng trưởng tín dụng song song với các biện pháp quản trị vĩ mô khác.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục cập nhật, yêu cầu các Tổ chức Tín dụng tuân thủ các quy định, chuẩn an toàn như Basel II, sớm áp dụng chuẩn cao hơn là Basel III trong hoạt động quản trị của ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ: “Dù chúng ta đưa ra các chuẩn mực quản trị rủi ro như thế vào hoạt động của các Ngân hàng Thương mại nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đang rất cao. Về mặt lịch sử có thể thấy, tăng trưởng tín dụng trước khi xét room tín dụng (2011 trở về trước), bình quân mỗi năm tăng trưởng tín dụng trên 30%, có những năm trên 53%. Mức độ tăng trưởng như vậy vượt rất xa khả năng quản trị, cân đối vốn của các Ngân hàng Thương mại. Điều đó sẽ dẫn đến hệ luỵ rất lớn đó là mất khả năng thanh toán".

Qua đó, Ngân hàng Nhà nước phải đi song song, vừa quản trị các Ngân hàng Thương mại theo chuẩn mực quốc tế, vừa kiểm soát tăng trưởng tín dụng đồng thời giám sát từ sớm, từ xa, đảm bảo hoạt động của các ngân hàng nằm trong tầm kiểm soát của chính họ.

Trong năm nay, định hướng của Ngân hàng Nhà nước về tăng trưởng tín dụng là 14% nhưng sẽ điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô. Với những lĩnh vực ưu tiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những ưu tiên cho các tổ chức có mức xếp hạng, phân loại cao hơn các tổ chức có tình hình trình quản trị yếu hơn.

"Ngoài ra với những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán,... với những trường hợp tổ chức tín dụng vẫn tham gia, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét trừ hạn mức tăng trưởng tín dụng" - đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.