Phó Thủ tướng: Dự án khả thi, thanh khoản tốt vẫn cấp tín dụng bình thường

bđs NGÂN HÀNG
14:12 - 09/06/2022
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
0:00 / 0:00
0:00
Có hay không chủ trương siết cho vay bất động sản được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Cuối phiên, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có trả lời rõ ràng về vấn đề này.

Phải rà soát lại việc cho vay

Phát biểu trước Quốc hội khi kết thúc phần chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách, giải pháp khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả trên thế giới tăng cao.

Về việc kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, Phó thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định: Thực hiện chủ trương tại nghị quyết số 32 của Quốc hội và nghị quyết số 01 của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng đáp ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo đó, đối với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định. Đây là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ trong thời gian qua.

“Phải rà soát lại việc cho vay vừa qua có đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện hay chưa. Nếu trước đây làm chưa đúng thì phải rà soát, điều chỉnh lại cho đúng, còn nếu làm đúng rồi thì tiếp tục cho vay. Với dự án, chương trình hiệu quả thì tiếp tục cho vay, cấp vốn, đảm bảo tín dụng cho nền kinh tế", Phó thủ tướng khẳng định.

Cần xử lý thông tin không chính xác gây nhiễu loạn thị trường

Trước đó, khi trả lời đại biểu về các giải pháp về chính sách tiền tệ, để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả; tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đối với tín dụng bất động sản là sự quan tâm nhất của hoạt động ngân hàng bởi rủi ro lớn.

Theo bà Hồng, bản chất của tín dụng bất động sản thường giá trị lớn, kỳ hạn dài. Trong khi đó tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những quy định và chỉ đạo các tổ chức tín dụng là khi cho vay các khoản vay có tài sản đảm bảo thì phải thường xuyên đánh giá lại những tài sản đảm bảo để nhận diện những rủi ro của khoản vay đó.

Tham gia trả lời chất vấn cùng Thống đốc Ngân hàng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thị trường bất động sản thời gian qua đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các chủ thể tham gia thị trường; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, thị trường bất động sản đang bộc lộ hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh nổi lên. Như hệ thống pháp luật chưa thực sự hoàn thiện, khó khăn về nguồn cung bất động sản, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, giá bất động sản liên tục tăng cao hơn so với thu nhập của người dân, các sàn giao dịch bất động sản hoạt động thiếu ổn định, hoạt động môi giới thiếu kiểm soát…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng đề xuất khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản để đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý. Đồng thời tăng cường quản lý thị trường bất động sản, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân khu công nghiệp, phân khúc thu nhập thấp.

Cùng với đó là công khai hệ thống thông tin về nhà ở cho thị trường bất động sản; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; xử lý hành vi thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản…

Bình luận giữa phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản, các nhà điều hành đều nói là không siết. Nhưng thực tế mấy tháng nay, các thị trường này đều sụt giảm. Theo Chủ tịch Quốc hội, phải thanh tra, kiểm tra, giám sát từ sớm, từ xa, tránh trường hợp "mất bò rồi mới đi lo làm chuồng". Nhưng nếu để xảy ra trường hợp là "mất bò rồi mà còn không dám làm lại chuồng để nuôi bò tiếp nữa còn dở hơn".

Theo quan điểm của Chủ tịch Quốc hội, tất cả thị trường phải thông suốt. Một mặt giám sát, quản lý chặt nhưng mặt khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển. Chấn chỉnh, xử lý những méo mó, những hư hỏng của thị trường chứ không phải đóng cửa hay hạn chế phát triển.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.