Nhóm dầu khí đi ngược thị trường, 'tân binh' VTP tăng trần 3 phiên liên tiếp

VTP VIX
16:15 - 14/03/2024
Giao dịch sàn HoSE thể hiện sự phân hóa của dòng tiền.
Giao dịch sàn HoSE thể hiện sự phân hóa của dòng tiền.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều cổ phiếu bluechip bị bán mạnh khiến VN-Index ngắt đà hồi phục, khối ngoại cũng giao dịch tiêu cực với việc bán ròng mạnh. Tuy nhiên vẫn có những cổ phiếu ngược dòng thu hút dòng tiền tham gia.

Kết phiên 14/3, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.264,26 điểm, giảm hơn 6 điểm so với kết phiên hôm qua. Ngược lại, HNX-Index và UPCoM đều tăng điểm. Thanh khoản tăng mạnh với gần 30.000 tỷ đồng được giao dịch trên kênh khớp lệnh. Khối ngoại cũng mua bán sôi động hơn với gần 5.500 tỷ đồng, tuy nhiên gia tăng bán ròng với giá trị hơn 900 tỷ đồng.

Hai mã bị bán ròng mạnh nhất là VHM (165 tỷ đồng) và VNM (141 tỷ đồng). FRT cũng được mua ròng hơn 100 tỷ đồng, danh sách còn có SBT 80 tỷ đồng, HPG 64 tỷ đồng, DBC 57 tỷ đồng, MWG 56 tỷ đồng, HSG 53 tỷ đồng, VCB 50 tỷ đồng, DGC 40 tỷ đồng, VPB 41 tỷ đồng, STB 40 tỷ đồng…

Ngược lại, SSI được mua ròng mạnh nhất 130 tỷ đồng, kế đến là PVD 71 tỷ đồng, KDH 50 tỷ đồng, VIX 49 tỷ đồng, PVT 40 tỷ đồng, PTB và CTD gần 30 tỷ đồng…

Thị trường hôm nay bị kéo xuống chủ yếu do tác động tiêu cực của nhóm bluechip. Chỉ số VN30 giảm gần 12 điểm, lùi về mốc 1.260,32 điểm. Các mã giảm đáng kể là MWG -2,7%, MSN -2,5%, CTG -2%, BCM -1,9%, BID -1,7%, VIB -1,6%, HPG -1,5%, SAB -1,5%... Chiều tăng chỉ có 4 mã là GAS +2,5%, GVR +1,6%, PLX +0,7%, VIC +2,1%. FPT, POW, SSB, VRE đứng tham chiếu.

Dòng tiền hôm nay chủ yếu rút ra khỏi các cổ phiếu lớn và có sự phân hóa rõ nét tại các nhóm ngành. Nhóm ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh lớn nhất, chỉ còn vài mã nhỏ giữ được sắc xanh, gồm ABB, PGB, SGB. Còn lại đa số các mã giảm 1-2%, dẫn đầu chính là CTG.

Nhóm chứng khoán ghi nhận quân số khá cân bằng giữa bên xanh và bên đỏ. Chiều tăng có ABW, APG, BMS, CSI, DSC, IVS, MBS, ORS, SHS, SBS, TVB, VCI, VDS, VFS, VIX. Trong đó tăng mạnh nhất là IVS +5,1%. VIX tăng 3,5% lên giá 20.800 đồng/cp. Đây cũng chính là vùng đỉnh mà mã chứng khoán này từng đạt được hồi đầu năm 2022. Tính từ giữa tháng 2/2024 đến nay, VIX đã tăng gần 20% giá trị.

VIX bứt phá mạnh ngay sau khi công ty công bố thông tin về kế hoạch tăng vốn. Cụ thể, HĐQT Chứng khoán VIX dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%; đồng thời phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 10%. Với vốn điều lệ hiện ở mức 6.694 tỷ đồng, nếu thực hiện thành công 2 phương án nói trên, VIX sẽ tăng vốn lên 8.033 tỷ đồng.

Chiều giảm nhóm chứng khoán ghi nhận VND -1,1%, SSI -0,3%, HCM -1,4%, EVS -3,3%, FTS -2,1%, BSI -2,3%, BVS -2,4%...

Nhóm xây dựng và bất động sản ghi nhận một số mã tăng đáng kể như VIC +2,1%, KBC +3,2%, HDG 2,1%, TIG +4,6%, FCN +4,2%, HDC +2,1%, CTD +1,7%, IJC tăng trần… Chiều giảm có VHM, DXG, PDR, NVL, BCM, PC1, HHV, SZC, VPI, DPG, HTN, TIP… tuy nhiên không mã nào chịu áp lực giảm sâu, đa số chỉ trên dưới 1%.

Nhóm bán lẻ, thép, thủy sản, công nghệ thông tin, bảo hiểm đều giảm vốn hóa do các "đầu tàu" như HPG, HSG, NKG, MWG, MSN, FRT, BVH... đều giảm giá.

Nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền mua hôm nay là dầu khí. Ngoài GAS và PLX, hầu hết các mã cũng kết phiên trong sắc xanh. BSR và OIL tăng hơn 2%. PVB tăng mạnh gần 8%, PVD và PTV tăng gần 5%, POS tăng gần 4%, PVC và PVS tăng gần 3%...

Cổ phiếu đáng chú ý là VTP của Viettel Post, tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp lên mức đỉnh mới là 89.600 đồng/cp. Đây cũng là 3 phiên đầu tiên, VTP giao dịch trên sàn HoSE. Với việc tăng hết biên độ 20% trong phiên giao dịch đầu tiên và tăng kịch trần gần 7% trong hai phiên tiếp theo, mã đã tăng 34% chỉ sau 3 phiên. Nhờ đó, vốn hóa của Viettel Post vươn lên mốc 10.570 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp