Những điểm sáng kích hoạt tăng trưởng Đồng bằng sông Cửu Long

KINH TẾ ĐBSCL
07:18 - 17/07/2023
Dự án giao thông tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VGP
Dự án giao thông tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Thúc đẩy mạng lưới hạ tầng giao thông không chỉ giúp vùng đất Chín Rồng thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế, mà còn là yếu tố then chốt để phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Theo số liệu Mekong ASEAN thống kê từ báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân toàn khu vực ĐBSCL quý 2/2023 đạt 5,47%.

Trong đó Hậu Giang dẫn đầu khu vực và cả nước với mức tăng trưởng GRDP đạt 14,21%. Tiếp đến Cà Mau 8,61%, Bạc Liêu 6,93%. Vị trí thứ tư và thứ năm lần lượt thuộc về An Giang và Kiên Giang với mức tăng trưởng đạt 6,5% và 6,37%.

Số liệu GRDP quý khu vực cho thấy, 9/12 tỉnh thành có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trung bình cả nước 6 tháng đầu năm 2023 là 3,72%.

Riêng đối với Hậu Giang, tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội của tỉnh là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng chung của khu vực và cả nước.

Cụ thể, năm 2021 kinh tế Hậu Giang tăng trưởng 3,28% - đứng thứ 2 trong khu vực và thứ 39 cả nước. Năm 2022 tăng 13,94%, đứng đầu vùng ĐBSCL và vươn lên thứ 4 của nước. 6 tháng đầu năm 2023 tăng 14,21%, lần đầu tiên vươn lên là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, trong đó công nghiệp tăng trưởng đột phá 38,92%, xây dựng tăng 13,06%, dẫn đến tăng trưởng khu vực II tăng 34,97%.

GRDP bình quân của Hậu Giang giai đoạn 2021 đến 6 tháng 2023 tăng 8,48%/năm, cao hơn 3,22% so với mức tăng bình quân của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng của hơn 2 năm qua, dự kiến trong năm 2023, Hậu Giang hoàn thành cơ bản nhiều mục tiêu kinh tế-xã hội lớn.

Điểm sáng về du lịch của ĐBSCL

Theo số liệu công bố, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn khu vực ĐBSCL đón 28 triệu lượt khách nội địa, doanh thu hơn 28.000 tỷ đồng. Riêng các tỉnh, thành phía Tây ĐBSCL chiếm hơn 2/3 tổng lượng khách cũng như doanh thu của khu vực.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, khu vực này đã đón hơn 20,6 triệu lượt khách, doanh thu gần 22.000 tỷ đồng. Trong đó, khách quốc tế đạt 565.000 lượt người, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2022. An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ, Bạc Liêu là những địa phương có số lượng khách đông cũng như doanh thu lớn của khu vực.

Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng được chú trọng tập trung chỉ đạo; giải ngân vốn đầu tư công được triển khai tích cực, quyết liệt cũng là nguyên nhân tăng trưởng khu vực ĐBSCL đạt kết quả tích cực 6 tháng đầu năm.

Du lịch sông nước là đặc sản du lịch của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Du lịch sông nước là đặc sản du lịch của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Về thu hút FDI, ở vị trí cửa ngõ vùng ĐBSCL, Long An đứng thứ 13 cả nước và đứng thứ 3 trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và luôn dẫn đầu các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 6 tháng đầu năm tỉnh Long An đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 39 dự án, tăng 15 dự án, vốn đầu tư cấp mới trên 408 triệu USD, tăng 162 triệu USD so với cùng kỳ; điều chỉnh vốn cho 35 dự án.

Tính thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1.191 dự án FDI của nhà đầu tư đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, với vốn đăng ký trên 10,4 tỷ USD; trong đó có 588 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn giải ngân đầu tư trên 3,6 tỷ USD. Long An là địa phương nhiều năm liền giữ vị trí "quán quân" trong thu hút FDI của khu vực ĐBSCL.

Mạng lưới cao tốc kích hoạt phát triển ĐBSCL

Tuy nhiên, thực tế, ĐBSCL có tỷ lệ đường quốc lộ thấp nhất trong 7 vùng kinh tế, chiếm 10,9%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng diện tích, dân số cả nước. Đây là một trong những "điểm yếu" cản trở phát triển kinh tế cũng như thu hút đầu tư của vùng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xác định kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực thu hút đầu tư, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến đạt khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, còn khoảng 140.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư thông qua các Bộ: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng.

Các dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Các dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km, quy mô 4 - 6 làn xe. Trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang. Đây được xem là 6 tuyến cao tốc làm thay đổi hoàn toàn diện mạo hạ tầng giao thông tại ĐBSCL.

Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế cả nước. Theo ước tính từ các chuyên gia, chỉ cần tăng 10% chất lượng hạ tầng tại khu vực phía Nam, sức hút đầu tư sẽ tăng lên tới gần 25%. Do đó, nếu mạng lưới 6 tuyến cao tốc tại ĐBSCL hoàn thành đúng kế hoạch, khu vực sẽ có sự thay đổi diện mạo lớn về đô thị và kinh tế.

Liên kết vùng kinh tế hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào kết nối giao thông. Nhiều năm qua, hạ tầng giao thông là rào cản không nhỏ đến việc phát huy năng lực của vùng ĐBSCL, đặt trong bối cảnh hiện nay càng đặc biệt hơn. Các dự án hạ tầng giao thông không chỉ thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế, mà còn là yếu tố then chốt để phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Đến thời điểm này, ĐBSCL đã hoàn thành đưa vào khai thác 90 km, đang triển khai thi công và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành thêm 458 km. Như vậy, đến năm 2025, toàn vùng có khoảng 550 km đường bộ cao tốc. Đây là động lực để vùng đồng bằng phát huy tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, trở thành trung tâm kinh tế năng động và hiệu quả trong cả nước.

Đọc tiếp