Những doanh nghiệp nhôm đặt mục tiêu kinh doanh vượt khó

Ngành nhôm DOANH NGHIỆP
07:39 - 22/06/2023
Doanh nghiệp nhôm đang đối mặt với thế "khó chồng khó". Ảnh: CTCP Nhôm Đô Thành
Doanh nghiệp nhôm đang đối mặt với thế "khó chồng khó". Ảnh: CTCP Nhôm Đô Thành
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh ngành nhôm gặp muôn vàn khó khăn trước tình trạng bất động sản "đóng băng", cạnh tranh từ các đối thủ..., vẫn có những doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh "ngược dòng" với mục tiêu tốt hơn so với năm trước.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, bà Lê Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA) cho biết, bất động sản đóng băng khiến ngành xây dựng “khựng” lại, vốn là ngành phụ trợ nên các doanh nghiệp của ngành nhôm cũng bị ảnh hưởng, có doanh nghiệp chỉ đạt 30 – 40% công suất nhà máy, lao động phải nghỉ luân phiên.

Mặt khác, doanh nghiệp ngành nhôm cũng đang phải chịu 3% thuế nhập khẩu và 5% thuế xuất khẩu. Điều này vô hình chung đã tác động lên sự phục hồi của doanh nghiệp ngành trong bối cảnh hiện tại.

Trong vấn đề cạnh tranh, sản phẩm nhôm Việt lại đối mặt với sản phẩm nhôm giá rẻ từ Trung Quốc. Anh Nguyễn Hoàng Nam - Chủ tịch CTCP Thương mại Thành Hiền tại Hà Nam chia sẻ: “Các sản phẩm nhôm từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam rất nhiều, giá thành sản phẩm lại tương đối rẻ nên nhôm Việt phải chịu cạnh tranh lớn”.

Trong khi đó, đến tháng 10/2024 hiệu lực chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm từ Trung Quốc sẽ hết hiệu lực. Trước đó, giai đoạn 2016 - 2018, Trung Quốc dư thừa sản lượng nhôm dẫn tới việc tràn vào Việt Nam bán phá giá khiến nhiều doanh nghiệp nhôm nội địa phải ngừng hoạt động, công nhân mất việc.

Năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2942/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc từ 2,49% đến 35,58%.

Doanh nghiệp nhôm có nguy cơ mất thị trường trong nước lần 2. Ảnh: CTCP Nhôm Đô Thành

Doanh nghiệp nhôm có nguy cơ mất thị trường trong nước lần 2. Ảnh: CTCP Nhôm Đô Thành

Ông Chu Thắng Trung – Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ tại Diễn đàn doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam 2023, trước khi thuế chống bán phá giá có hiệu lực, nhập khẩu nhôm thanh định từ Trung Quốc đạt khoảng 340.000 tấn/năm. Năm 2020, nhập khẩu nhôm từ Trung Quốc giảm xuống còn 180.000 tấn, đến 2021 còn 95.000 tấn.

Theo VAA, doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất đi thị trường trong nước lần thứ 2 như những năm 2018 – 2019 (giai đoạn trước khi áp thuế chống bán phá giá). Với những ưu thế về công nghệ sẵn có, nguồn nguyên liệu rẻ, nhôm Trung Quốc có khả năng vẫn sẽ trở thành mối cạnh tranh lớn đối với nhôm Việt ngay tại thị trường nội địa.

Doanh nghiệp nhôm đặt chỉ tiêu kinh doanh “vượt khó”

Khó khăn chồng chất khó khăn là vậy, tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại đi ngược dòng với thời cuộc khi đã đặt ra những chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng dương, thậm chí là ấn tượng trong năm nay.

Theo đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào ngày 15/6 vừa qua, CTCP Tập đoàn Nhôm Sông Hồng Shalumi (HNX: NSH) - một doanh nghiệp có tiếng trong ngành đã đặt mục tiêu đạt 1.250 tỷ đồng doanh thu thuần trong năm 2023, tương ứng tăng 9,4% so với năm 2022.

Đáng chú ý, NSH đặt chỉ tiêu lợi nhuận 8 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp từ năm 2018 đến nay, kết quả này so với thực hiện của năm trước tăng tới 134%.

CTCP Nhôm Sông Hồng được thành lập từ năm 1999. Năm 2004, doanh nghiệp chuyển sang hình thức công ty cổ phần. NSH chủ yếu sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nhôm thanh định, nhôm luyện đúc nguyên liệu billet và gia công các sản phẩm từ nhôm thanh. Ngoài tiêu thụ trong nước, các sản phẩm của doanh nghiệp đã xuất khẩu đi Mỹ và các nước EU.

Shalumi cho biết, trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay, doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị nguồn lực tự chủ, thay đổi về kênh phân phối, mạng lưới thị trường khách hàng, gia tăng kết nối kinh doanh, liên kết ngành. Từ đó góp phần tăng cường ký kết hợp đồng tiêu thụ với các đối tác.

Năm nay, NSH sẽ tập trung vào việc phát triển sản phẩm mới, cao cấp để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu đi các nước Mỹ, Canada, Đức, Ấn Độ… Đồng thời, NSH sẽ tiếp tục phát triển thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, khách hàng mới.

Một doanh nghiệp khác là CTCP Cơ khí Đông Anh Licogi (UPCoM: CKD) cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 vào cuối tháng 4 vừa qua. Theo đó, doanh thu thuần sẽ tăng 6% so với năm 2022, từ mức 1.032 tỷ đồng ghi nhận năm trước lên 1.095 tỷ đồng trong năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 102 tỷ đồng, tăng 0,9% so với năm trước.

Để đạt được chỉ tiêu này trong bối cảnh khó khăn hiện tại, Licogi cho biết sẽ ưu tiên nguồn lực trong công tác xuất khẩu sản phẩm đúc, rèn đập; tiếp cận và khai thác sản phẩm đúc, cơ khí là phụ kiện cho lĩnh vực truyền tải điện; tăng tỷ trọng hàng công nghiệp, nội thất, xuất khẩu, giảm dần sự phụ thuộc vào nhôm xây dựng; mở rộng kênh phân phối nhôm thanh xây dựng…

Tin liên quan

Đọc tiếp