Những mã khuấy đảo thị trường chứng khoán năm 2021

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
10:29 - 30/12/2021
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index “thăng hoa” trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, nguồn tiền nhàn rỗi chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán. Trong 11 tháng, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng 84 nghìn tỷ đồng. Vậy số tiền khủng này rót vào mã nào nhiều nhất?

Trong bối cảnh dịch bệnh, hầu hết các ngành kinh tế chìm vào khó khăn thì chứng khoán trở thành kênh được giới đầu tư lựa chọn “rót” tiền. Nhờ vậy mà thị trường chứng khoán đã có một năm “thăng hoa”, lập những kỷ lục chưa từng có trong lịch sử về điểm số, thanh khoản, số tài khoản mở mới... Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) thống kê, đến cuối tháng 11/2021, VN-Index tăng gần 34% so với năm 2020, nằm trong top thị trường mang lại suất sinh lời cao nhất trên thế giới.

VN-Index “thăng hoa” trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán, với số lượng tài khoản mở mới của cá nhân trong nước duy trì trên mức 100 nghìn tài khoản/tháng. Thực tế, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng hơn 84 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng, là động lực chính giúp tăng thanh khoản thị trường và VN-Index liên tục lập đỉnh mới trong năm 2021.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), các nhóm ngành ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu, xây dựng cơ bản, dịch vụ tài chính là những ngành dẫn dắt thị trường trong năm 2021, với tỉ lệ đóng góp vào mức tăng của VN-Index lần lượt là 31%, 23%, 15%, 10% và 8%.

Ngân hàng

Như vậy có thể thấy, ngân hàng chính là nhóm dẫn đầu về đà tăng trong năm nay. Ở mức đỉnh vào giữa tháng 6, VPB và SHB đều gấp hơn 2 lần so với đầu năm. MBB, TCB, ACB, STB, HDB cũng đều tăng mạnh.

So với nhóm thương mại cổ phần, các mã bank quốc doanh có phần "chậm" hơn. CTG tăng mạnh nhất nhưng chỉ đạt 16% tính từ đầu năm, trong khi VCB gần như không đổi, còn BID giảm hơn 9%.

Cố phiếu VPB trong năm 2021. (Biểu đồ: Tradingview)

Cố phiếu VPB trong năm 2021. (Biểu đồ: Tradingview)

Tuy nhiên, ngân hàng chỉ dẫn dắt thị trường trong nửa đầu năm. Tính từ mức đỉnh vào giữa tháng 6 đến tháng 12, hầu hết mã chỉ đi ngang hoặc giảm. Chỉ tới những phiên cuối năm, nhóm này mới tiếp tục có khởi sắc đáng kể. Đặc biệt EIB trở thành “siêu sao” khi liên tục tăng giá trong toàn bộ 5 phiên giao dịch với tỷ suất sinh lời lên tới 20%. Mã này đã tăng trần 6,9%, lên mức 33.350 đồng, tiệm cận mức đỉnh cao nhất kể từ khi niêm yết là 33.400 đồng/cp được xác lập vào ngày 4/6.

Lý giải về độ “hot” của chứng khoán ngân hàng, các chuyên gia đều đồng tình rằng đó là xu hướng dễ hiểu trong dịch bệnh. Vì đây là nhóm có dòng tiền dồi dào, được ví như "mạch máu" của nền kinh tế. Ngoài ra, các bank cũng đã chứng minh được hiệu quả hoạt động khi lợi nhuận vẫn tăng trưởng, bất chấp những lo ngại về ảnh hưởng của Covid-19.

Bất động sản

Trong 10 tháng đầu năm, bất động sản (BĐS) dường như “im hơi lặng tiếng”. Bởi ngành này ít nhiều chịu ảnh hưởng từ đại dịch, liên quan đến sức cầu của thị trường và việc triển khai các dự án. Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp cũng không quá nổi trội.

Tuy nhiên trong hai tháng gần đây, nhóm có sự tăng tốc mạnh mẽ. Điều đáng nói là các mã tăng mạnh nhiều phiên liên tiếp chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Như cổ phiếu CEO, tính tới phiên cuối tháng 11 chỉ giao dịch quanh ngưỡng 11.000-12.000 đồng. Nhưng đến phiên 22/12, mã này tăng lên hơn 67.000 đồng. Còn DIG khởi đầu từ vùng giá 30.000 đồng, đến nay gấp hơn ba lần.

Nhóm cổ phiếu họ Sông Đà tăng tính bằng lần chỉ trong vài tháng. Các doanh nghiệp bất động sản nhóm đầu khí cũng bật cao dù thị giá trước đó chỉ ngang "trà đá, mớ rau". Có thể điểm qua là hàng loạt cái tên như CII, VGC, CEO, DIG, FIR, ITA, HHS, LDG, QCG, FLC, ROS, HHS…

FIR tăng 50% sau 1 năm. (Biểu đồ: Tradingview)

FIR tăng 50% sau 1 năm. (Biểu đồ: Tradingview)

Danh hiệu tăng trưởng ổn định nhất trong nhóm bất động sản phải dành cho FIR của CTCP Địa ốc First Real. Chốt phiên 22/12, thị giá FIR đạt 40.200 đồng/cp, chỉnh nhẹ 4,7% so với đỉnh lịch sử 42.200 đồng/cp (phiên 13/12 vừa qua). Tuy nhiên, nếu tính từ thời điểm đầu năm 2021, thị giá mã này đã tăng tới 50% sau 1 năm. Lên sàn vào tháng 10/2018, FIR có giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên chỉ 12.000 đồng/cp.

“Sức nóng” của cổ phiếu bất động sản dịp cuối năm được cho là bắt nguồn từ việc nhà đầu tư đua hưởng ứng theo với kỳ vọng quỹ đất và cơn sốt đất ngoài thực tế hiện nay. Đặc biệt, sự kiện đấu giá đất tại Thủ Thiêm với mức giá cao ngất ngưởng lên đến 2,4 tỷ đồng/m2 càng phả thêm hơi nóng vào nhóm này. Ngoài ra giới phân tích nhận định, sức hút của doanh nghiệp bất động sản không nhìn từ kết quả kinh doanh các quý đã qua, mà kỳ vọng rằng thị trường đã chạm đáy và kết quả sẽ tích cực hơn trong các quý tới.

Nguyên vật liệu

Cổ phiếu ngành thép khiến các nhà đầu tư lo lắng trong những tháng cuối năm khi liên tục rớt giá. Nhưng thực tế, nhóm này vẫn đứng thứ ba trong danh sách tăng trưởng năm 2021 nhờ thành quả từ giao dịch tích cực 6 tháng đầu năm.

HPG của Tập đoàn Hòa Phát đạt đỉnh (55.500 đồng/cp) từ khá sớm với 2 phiên tăng mạnh liên tiếp sau khi chốt quyền cổ tức lên đến 40% hồi đầu tháng 6. Cổ phiếu này sau đó điều chỉnh đôi chút và gần như đi ngang quanh vùng 52.000 đồng/cp trong suốt 1 tháng trước khi liên tiếp giảm sâu từ đầu tháng 7. Hiện tại, cổ phiếu này ở ngưỡng 45.000 đồng.

HSG của Hoa Sen Group cũng đạt đỉnh 43.000 đồng/cp vào trung tuần tháng 6, gấp đôi thời điểm đầu năm 2021. Liên tiếp vượt đỉnh không thành, HSG quay đầu điều chỉnh vào đúng thời điểm thị trường cũng không thuận lợi. Sau nhiều phiên giảm sâu, cổ phiếu này hiện đang dừng ở mức 35.000 đồng/cp, giảm 20% từ đầu tháng 7.

NKG của Thép Nam Kim lập đỉnh vào phiên “thông sàn” ngày 5/7. Sau hơn 6 tháng, cổ phiếu này đã tăng gấp 2,5 lần lên mức 36.800 đồng/cp trước khi điều chỉnh mạnh. Sau khi rớt giá hồi giữa năm, mã này lại lập đỉnh 56.000 đồng hồi tháng 10. Hiện tại, NKG ở mức 38.000 đồng/cp.

Thép Nam Kim lập đỉnh cổ phiếu hồi tháng 10 với giá 56.000 đồng. (Biểu đồ: Tradingview)

Thép Nam Kim lập đỉnh cổ phiếu hồi tháng 10 với giá 56.000 đồng. (Biểu đồ: Tradingview)

Đà tăng của nhóm thép chủ yếu do kỳ vọng vào kết quả kinh doanh đột biến, khi giá thép thế giới và Việt Nam tăng phi mã. Thực tế, Hòa Phát, nhà sản xuất thép lớn nhất thị trường báo lãi ròng trong nửa đầu năm hơn 16.700 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ. Doanh thu của công ty này cũng tăng gần 70% lên gần 66.900 tỷ đồng.

Doanh thu của Thép Nam Kim trong 6 tháng đầu năm cũng gấp 2,5 lần năm trước, đạt trên 11.600 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.166 tỷ đồng, gấp 20 lần so với cùng kỳ và bốn lần so với cả năm ngoái. Tương tự, lợi nhuận trong niên độ tài chính 2020-2021 của Hoa Sen cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.

Cổ phiếu thép phải nhường “sân khấu” dịp cuối năm chủ yếu là do giá thép trên thị trường bình ổn trở lại. Kết quả kinh doanh của nhóm này vẫn tích cực song thị trường đánh giá rằng mức kỷ lục trong nửa đầu năm sẽ khó trở lại lần nữa.

Xây dựng cơ bản

Tương tự “người anh em” thép, trong nửa năm đầu, cổ phiếu thuộc nhóm ngành xây dựng cũng có mức tăng trưởng đáng kể. HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, CTD của CTCP Xây dựng Coteccons, FCN của CTCP Fecon, REE của CTCP Cơ điện lạnh (REE)… đều có mức tăng trung bình khoảng hơn 17%. Thậm chí, một số cái tên cá biệt như BCG của CTCP Bamboo Capital tăng 45%, HTN của CTCP Hưng Thịnh Incons tăng 21%... chỉ trong khoảng hơn 1 tháng.

Đà tăng của các cổ phiếu ngành này diễn ra trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều công bố những con số doanh thu và lợi nhuận trong quý II và 6 tháng đầu năm khá tươi sáng. Như Xây dựng Hoà Bình, trong nửa đầu năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu đạt gần 5.443 tỷ đồng, báo lãi ròng hơn 73 tỷ đồng, gấp 5,6 lần cùng kỳ năm 2020.

Fecon cũng ghi nhận kết quả 6 tháng đầu năm với doanh thu thuần đạt 1.341 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 50 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 39% so với cùng kỳ. Riêng quý II/2021, Fecon báo lãi ròng 35 tỷ đồng, tăng 66% so với quý II/2020.

Biểu đồ cổ phiếu của Xây dựng Hòa Bình. (Biểu đồ: Tradingview)

Biểu đồ cổ phiếu của Xây dựng Hòa Bình. (Biểu đồ: Tradingview)

Sau khi lên đỉnh, làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 khiến các dự án tạm ngưng kéo các cổ phiếu nhóm xây dựng xuống sâu trong quý III/2021. Tuy nhiên sang quý IV, nhóm lại tiếp tục bứt phá nhờ chính sách hồi phục kinh tế hậu giãn cách và hưởng lợi từ giá vật liệu xây dựng giảm. Tăng mạnh nhất là C4G (của Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4), từ mức 8.050 đồng/cp hồi cuối tháng 7/2021 đã lên 23.200 đồng/cp trong phiên 15/12/2021.

LCG (của Công ty cổ phần Licogi 16) từ mức đáy 8.900 đồng/cp vào ngày 12/7 cũng đã tăng lên 23.200 đồng/cp vào ngày 15/12/2021, tăng khoảng 2,6 lần.

Cùng mốc thời gian, HBC (của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình) đạt mức tăng gần gấp đôi, từ vùng 15.000 đồng/cp đạt 28.100 đồng/cp vào ngày 14/12/2021. CTD (Công ty cổ phần Coteccons) thì lập đỉnh cao nhất trong một năm qua ở vùng giá 91.200 đồng/cp…

Trước làn sóng đẩy mạnh đầu tư công, từ cả kế hoạch đầu tư trung hạn lẫn gói phục hồi kinh tế, triển vọng rõ ràng cho doanh nghiệp xây dựng là khối lượng công việc sẽ tăng lên. Vì vậy sang năm 2022, giới phân tích đánh giá cổ phiếu ngành xây dựng hứa hẹn còn hút dòng tiền hơn nữa.

Chứng khoán

Thị trường tăng trưởng, thanh khoản kỷ lục, VN-Index lập đỉnh thì hưởng lợi trực tiếp chính là các công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán thường thu phí giao dịch từ 0,15% - 0,3% trên tổng giá trị mỗi giao dịch của khách hàng. Trong khi đó, 11 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán; giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE vào tháng 11 tăng mạnh lên 32.602 tỉ đồng/phiên.

Báo cáo tài chính quý III/2021 ghi nhận hàng loạt công ty chứng khoán lãi nghìn tỉ. Đứng đầu là TCBS lãi trước thuế 2.847 tỉ đồng, tiếp sau là SSI lãi trước thuế 2.063 tỉ đồng. VND lãi trước thuế 1.822 tỉ đồng và SHS báo lãi 1.028 tỉ đồng.

Thị giá VND đã tăng gấp 8 lần trong năm 2021. (Biểu đồ: Tradingview)

Thị giá VND đã tăng gấp 8 lần trong năm 2021. (Biểu đồ: Tradingview)

Thậm chí có những CTCK lãi tính bằng lần, thậm chí chục lần so với cùng kỳ. Như CTS lãi trước thuế 9 tháng đầu năm là 245 tỉ đồng, tăng 10,2 lần so với cùng kỳ năm 2020. JSI tăng lợi nhuận từ 907 triệu lên 13 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh vượt bậc đã kéo giá cổ phiếu của nhóm chứng khoán lên vùng đỉnh lịch sử. Từ đầu năm đến nay, thị giá VND đã tăng gấp 8 lần; APS, TVS, EVS tăng gấp 5 lần; MBS tăng gấp 3 lần; SSI, VCI, VIX tăng gấp đôi...

Tuy nhiên, cổ phiếu nhóm này cũng gắn liền với sự vận động của thị trường: Bật cao vào giai đoạn những nhóm có ảnh hưởng tới chỉ số như ngân hàng và thép tăng mạnh, VN-Index phá đỉnh; giảm sâu khi thị trường chững lại, sự chú ý chuyển hướng sang nhóm mid-cap và penny. Bởi vậy nên tỉ lệ tăng trưởng của nhóm này chỉ đứng thứ 5 trong top đầu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.