Omicron cản trở các hãng ô tô Nhật tăng sản lượng nội địa

Ô TÔ NHẬT BẢN
11:59 - 21/01/2022
Nhà máy Motomachi của Toyota tại tỉnh Aichi. Hãng Toyota sẽ tạm ngừng hoạt động tại 21 dây chuyền sản xuất tại 11 nhà máy sản xuất trên khắp Nhật Bản. Ảnh: Toyota
Nhà máy Motomachi của Toyota tại tỉnh Aichi. Hãng Toyota sẽ tạm ngừng hoạt động tại 21 dây chuyền sản xuất tại 11 nhà máy sản xuất trên khắp Nhật Bản. Ảnh: Toyota
0:00 / 0:00
0:00
Làn sóng lây nhiễm biến chủng Omicron ở Nhật Bản đã tiếp tục làm gián đoạn kế hoạch sản xuất trong năm 2022 của Toyota , Honda và các nhà sản xuất ô tô khác của nước này .

Hãng Toyota hôm 20/1 thông báo sẽ tạm ngừng hoạt động tại 21 dây chuyền sản xuất tại 11 nhà máy của Nhật Bản, với thời gian ngừng hoạt động kéo dài trong bốn ngày từ ngày 20-24/1. Phía nhà sản xuất ô tô đã buộc phải đóng cửa nhà máy vì ngày càng có nhiều công nhân trong các phân xưởng sản xuất và cung cấp hàng hóa bị mắc Covid-19.

Toyota đang điều hành 14 nhà máy trên khắp Nhật Bản. Việc tạm thời đóng cửa sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất trong tháng này, khi mục tiêu năng suất bị giảm 47.000 chiếc xe. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức cắt giảm 20.000 xe trong tháng 1 – do sự thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu.

Điều này dự kiến ​​sẽ tác động đến số lượng của một loạt các mẫu xe của hãng, bao gồm cả mẫu sedan Crown và xe thể thao đa dụng Land Cruiser.

Nhà máy Tsutsumi của Toyota ở tỉnh Aichi đã bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch. Phía công ty đã báo cáo 4 ca mắc mới tại xưởng sản xuất vào ngày 20/1, nâng tổng số trường hợp dương tính lên con số 18. Các ca mắc Covid-19 của công nhân khiến nhà máy này phải hủy bỏ ca làm việc trong ngày vào hôm 19/1 và sau đó hoạt động sản xuất được nối lại từ tối 20/1.

Toyota cho biết, dự báo khối lượng sản xuất toàn cầu cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3 sẽ không đạt mục tiêu sản xuất 9 triệu xe do nguồn cung chip eo hẹp. Sản lượng trong tháng tới của hãng ô tô này đã giảm xuống còn 700.000 chiếc, tương đương với mức thấp hơn 20% so với quy mô 900.000 chiếc mà Toyota đã từng thông báo với các nhà cung cấp vào cuối tháng 12/2021.

Công ty Daihatsu Motor (công ty con của Toyota) cũng đang phải đóng cửa một phần trụ sở chính tại tỉnh Osaka, do một số vụ ca mắc Covid-19 được phát hiện tại một nhà cung cấp. Trong hôm 20/1, phía Daihatsu cho biết thời gian ngừng hoạt động sẽ được kéo dài thêm hai ngày đến hết hôm 22/1.

Ngoài ra, Daihatsu đã phải cắt giảm sản lượng sau khi khoảng 30 công nhân tại một nhà máy ở tỉnh Shiga có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Không chỉ có Toyota, làn sóng lây nhiễm do biến chủng Omicron đang quét qua hàng loạt các các hãng ô tô khác tại nước này. Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản tiếp tục một năm khó khăn khi phải chật vật để ổn định sản xuất, giữ vững mục tiêu tăng trưởng và tạo ra doanh thu.

Tập đoàn ô tô Honda buộc cắt giảm sản lượng do ảnh hưởng của dịch bệnh và sự khan hiếm của các linh kiện sản xuất. Ảnh: Reuters

Tập đoàn ô tô Honda buộc cắt giảm sản lượng do ảnh hưởng của dịch bệnh và sự khan hiếm của các linh kiện sản xuất. Ảnh: Reuters

Sự gia tăng đột biến trong các ca lây nhiễm đã khiến nguồn cung cho các thành phần khác trong sản xuất ô tô bị khan hiếm. Tập đoàn Honda Motor hôm 20/1 cho biết, họ dự kiến ​​sản lượng xe du lịch tại nhà máy Suzuka ở tỉnh Mie sẽ thấp hơn 10% so với kế hoạch ban đầu, mặc dù nhà máy đã hoạt động theo đúng tiến độ sản xuất trong tháng này.

Nhà máy Yorii của Honda ở tỉnh Saitama cũng đã giảm sản lượng 10% trong tháng 1. Cơ sở sản xuất này dự kiến ​​sẽ hoạt động bình thường trở lại vào tháng 2.

Vào tháng 11/2021, Honda từng đưa ra dự đoán sản xuất toàn cầu sẽ phục hồi về mức kế hoạch ban đầu bắt đầu từ tháng 1/2022. Tuy nhiên, những thách thức từ dịch bệnh dai dẳng ở Đông Nam Á đã khiến nguồn cung bị sụt giảm, đặc biệt là đối với các bộ phận sử dụng chất bán dẫn. Lũ lụt ở Malaysia vào tháng trước cũng đã khiến hoạt động của các nhà sản xuất phụ tùng khác bị đình trệ.

Hãng Nissan Motor cũng thông báo giảm sản lượng vào tháng 12 năm ngoái, do phải tất bật mua sắm linh kiện để khôi phục sản lượng trở lại. Suzuki Motor cho biết, công ty đang hoạt động với khoảng 70% công suất kế hoạch vào đầu năm tài chính kể từ cuối năm 2021.

Theo ước tính, tám nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã sản xuất 2,18 triệu xe vận tải hành khách trên toàn cầu vào tháng 11/2021. Mặc dù sản lượng thấp hơn so với thành tích của năm trước đó, nhưng cũng thể hiện mức tăng thặng dư 40% so với 1,53 triệu xe được ghi nhận vào tháng 8/2021.

Các chuyên gia nước này dự báo, sự gia tăng của các ca mắc Covid-19 sẽ tiếp tục gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng, làm trì hoãn tiến độ khôi phục sản xuất so với thời kỳ trước đại dịch.

Ngày 19/1, Nhật Bản ghi nhận 41.485 ca mắc Covid-19, tăng từ con số kỷ lục trước đó là 32.197 ca/ngày. Số bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng là 281, trong khi số ca tử vong là 15. Con số kỷ lục này cao gấp gần 78 lần số ca mắc Covid-19 tại Nhật Bản vào ngày đầu năm 2022 (534 ca), gây áp lực cho hệ thống y tế.

Tính đến ngày 20/1, Nhật Bản có tổng cộng 1.933.052 ca mắc Covid-19, 18.444 ca tử vong và 1.750.636 trường hợp phục hồi.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.