'Ông lớn' xăng dầu Saigon Petro phản hồi về việc bị tước giấy phép

Saigon Petro Việt nAM
18:13 - 06/09/2022
'Ông lớn' xăng dầu Saigon Petro phản hồi về việc bị tước giấy phép.
'Ông lớn' xăng dầu Saigon Petro phản hồi về việc bị tước giấy phép.
0:00 / 0:00
0:00
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp xăng dầu bị Bộ Công Thương tước giấy phép hoạt động trong đó có Saigon Petro. Doanh nghiệp này đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị dừng quyết định để tránh ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu.

Mới đây, trong bối cảnh nhiều trạm xăng treo biển hết hàng vì lý do khó nhập, 5 doanh nghiệp đầu mối vừa bị tước giấy phép hoạt động một tháng. Đây là quyết định của Bộ Công Thương, sau quá trình thanh tra tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu từ hồi đầu năm. Lý do tước giấy phép được cơ quan này đưa ra là vi phạm quy định, không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối.

5 doanh nghiệp bị phạt hành chính và tạm tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu, gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro), Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.

Thanh tra Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp sau khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phải ban hành văn bản gửi thông báo đến các đơn vị liên quan để giám sát, xử lý việc thực hiện quyết định xử phạt theo quy định.

Đồng thời, yêu cầu 5 doanh nghiệp vi phạm thực hiện việc bàn giao giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu cho thanh tra Bộ Công Thương tại trụ sở các cơ quan đại diện của Bộ Công Thương tại TP HCM.

Trong số các doanh nghiệp bị tước giấy phép này, ngày 5/9 Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM - Saigon Petro vừa có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương phân trần về vụ việc.

Văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương của Saigon Petro.

Văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương của Saigon Petro.

Theo kết luận của Đoàn thanh tra Bộ Công Thương, Saigon Petro có hành vi vi phạm hành chính: "Không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định", tại khoản 5 điều 7 Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu: “Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân”.

Theo Saigon Petro, năm 2021, mặc dù doanh nghiệp không có tổng đại lý và đại lý bán lẻ, song hệ thống phân phối vẫn có hơn 10 cửa hàng sở hữu, đồng sở hữu. Bên cạnh đó, một công ty cổ phần do Saigon Petro sở hữu 40% vốn điều lệ có 32 cửa hàng trực thuộc và 73 thương nhân nhận quyền bán lẻ; 47 thương nhân phân phối.

Doanh nghiệp này cho rằng, hai hình thức đại lý bán lẻ và nhượng quyền bán lẻ là tương đương nhau, đều nằm trong hệ thống phân phối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đầu mối. Từ đó, Saigon Petro khẳng định đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hệ thống phân phối, vì luôn có trên 40 thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.

Trong văn bản kiến nghị, Saigon Petro cho biết nếu bị tước giấy phép, hệ thống phân phối của doanh nghiệp sẽ bị mất nguồn cung trên 50.000 m3/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể đóng cửa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu mối cũng sẽ đối diện việc bị phạt hợp đồng với Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) và Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn (PVB) trong tháng 9, với khối lượng hợp đồng khoảng 40.000 m3 xăng dầu. Chưa kể, hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài giao hàng trong tháng 9 cũng bị phạt.

Hàng đã và đang trên đường về cảng Cát Lái của doanh nghiệp này sẽ bị phạt tàu do không thể mở tờ khai nhập hàng, thông quan hàng hoá...

Do đó, Saigon Petro kiến nghị dừng quyết định tước giấy phép nhằm tránh ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nguồn cung cho thị trường xăng dầu trong nước.

Saigon Petro là doanh nghiệp Nhà nước, do Văn phòng Thành ủy TP.HCM làm đại diện chủ đầu tư. Tiền thân là Xí nghiệp Liên doanh chế biến Dầu khí, ra đời năm 1986, tức đã có 36 năm xây dựng và phát triển.

Saigon Petro là 'ông lớn' nhập khẩu và cung cấp xăng dầu cho thị trường từ Nam Trung Bộ trở vào với sản lượng lớn, bên cạnh các sản phẩm khác như gas.

Bình quân doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Saigon Petro trong 5 năm gần nhất là trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó ở giai đoạn trước Covid-19, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đến 13.269 tỷ đồng (2017), 14.876 tỷ đồng (2018) và 12.788 tỷ đồng (2019). Trong thời gian các đợt dịch bùng phát, và nhiều tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt, doanh thu của doanh nghiệp này đã giảm mạnh xuống còn 6.110 tỷ đồng (2020) và 6.059 tỷ đồng (2021).

Về lợi nhuận, Saigon Petro báo cáo lãi sau thuế lần lượt 256 tỷ đồng (2017), 302,4 tỷ đồng (2018), 143,1 tỷ đồng (2019) và 266,7 tỷ đồng (2021). Trong năm đầu tiên ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp chịu lỗ nặng đến 314,7 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2021, tài sản của Saigon Petro đạt gần 2.960 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với hồi 2017. Vốn chủ sở hữu 1.094 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ, còn lại 1.864 tỷ đồng hình thành từ nợ phải trả. Trong đó, doanh nghiệp dư nợ vay khoảng 765 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp