PAPI 2022: Tham nhũng là một trong 5 vấn đề người dân quan ngại nhất

PAPI 2022 Hành chính
12:05 - 12/04/2023
0:00 / 0:00
0:00
Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2022, công bố sáng 12/4, mặc dù 80% người dân rằng tin rằng cấp Trung ương đã nghiêm túc trong chống tham nhũng nhưng tỷ lệ này ở địa phương lại giảm sút.

Báo cáo PAPI 2022 phản ánh sự chuyển dịch của ý kiến người dân về những vấn đề hệ trọng nhất, cần Nhà nước tập trung giải quyết trong năm 2022. Theo đó, 5 vấn đề được người dân quan ngại nhất gồm: Đói nghèo, tăng trưởng kinh tế, việc làm, chất lượng đường sá và tham nhũng.

Tỷ lệ “lót tay” vẫn còn nhiều

Chia về nội dung báo cáo tại lễ công bố, TS. Paul Schuler, thành viên nhóm nghiên cứu Phó Giáo sư khoa học chính trị, Đại học Arizona, Hoa Kỳ cho biết, trong bối cảnh Chính phủ đang xác định phòng chống tham nhũng là trọng tâm trong nhiệm kỳ này, tỷ lệ người được hỏi cho rằng tham nhũng là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước tập trung giải quyết đã tăng 4,8% trong năm 2022, so với năm 2021.

TS. Paul Schuler, Thành viên nhóm nghiên cứu.
TS. Paul Schuler, Thành viên nhóm nghiên cứu.

Xu hướng này nhất quán với những phát hiện của Chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, với số người dân ghi nhận hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016. Có 42 tỉnh/thành phố, tỷ lệ số người trả lời rằng chính quyền địa phương đã nghiêm túc trong phòng, chống tham nhũng chỉ ở mức dưới 50%.

Theo khảo sát, tỷ lệ những người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chi "lót tay" đã giảm ở 34 tỉnh/thành phố, tuy nhiên vấn đề này vẫn phổ biến ở các tỉnh có kinh tế kém phát triển như Đắk Lắk, Quảng Trị và Sơn La.

Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết họ đã phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn dao động từ 40% đến 80% ở 42 tỉnh/thành phố, tương tự kết quả năm 2021.

Sự thay đổi của các vấn đề quan ngại của người dân từ 2015 - 2022. Ảnh: PAPI 2022.

Sự thay đổi của các vấn đề quan ngại của người dân từ 2015 - 2022. Ảnh: PAPI 2022.

Tuy nhiên, đại diện nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, vẫn có gần 80% số người được hỏi trên toàn quốc cho rằng chính quyền cấp Trung ương đã nghiêm túc trong phòng, chống tham nhũng, cao hơn so với tỉ lệ 78,6% năm 2021.

Đói nghèo quay trở lại là yếu tố quan ngại đầu tiên của người dân

Cũng theo ông Paul Schuler, sau đại dịch, tỷ lệ lựa chọn y tế và bảo hiểm y tế là vấn đề hệ trọng nhất giảm mạnh từ 23,8% theo khảo sát PAPI 2021 xuống 6,4% theo khảo sát PAPI 2022.

Đáng chú ý, vấn đề nghèo đói trở lại vị trí hàng đầu với 22,1% số người trả lời chọn vấn đề này năm 2022. Nghèo đói là liên tục đứng đầu danh sách các vấn đề được người dân quan tâm kể từ năm 2015, ngoại trừ năm 2021 khi Việt Nam chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19.

Tín hiệu đáng mừng là người dân đã lạc quan hơn về triển vọng kinh tế quốc gia. Năm 2022, có tới 66,1% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế quốc gia là “tốt” vào năm 2022, tăng 19,4% so với năm 2021; tỷ lệ người dân đánh giá điều kiện kinh tế của đất nước là “kém” giảm mạnh 13,7%, xuống còn 6,1% năm 2022.

Tương tự như vậy, ở cấp hộ gia đình, tỷ lệ người dân cho rằng điều kiện kinh tế hộ “kém” giảm từ 15,3% năm 2021 xuống còn 11,4% năm 2022.

Tuy cảm nhận về điều kiện kinh tế khá hơn, nhưng báo cáo chỉ ra, người dân cho rằng tác động của hai năm đại dịch vẫn còn. Mặc dù 56% số người được hỏi khẳng định điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ tốt hơn vào năm 2022, cao hơn so với năm 2021, nhưng tỷ lệ này vẫn là mức thấp nhất kể từ năm 2012.

“Những con số này cho thấy nhiều người vẫn còn nỗi lo ngại về ảnh hưởng của đại dịch, trong đó người dân tộc thiểu số và phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tỷ lệ nghèo đói và việc làm không ổn định cao hơn ở hai nhóm này”, TS. Paul Schuler phân tích.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Trước thay đổi của các chỉ số PAPI 2022, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, Chương trình nghiên cứu Chỉ số PAPI đã phản ánh đánh giá của người dân về việc thực hiện chính sách và các chương trình phát triển của Nhà nước. Từ đó đóng góp vào việc cải thiện và tăng cường khả năng đáp ứng, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền.

“Báo cáo PAPI 2022 cung cấp nguồn dữ liệu thực chứng quan trọng để các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương theo dõi hiệu quả hoạt động của mình trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước, hành chính công và cung ứng dịch vụ công”, bà Ramla Khalidi kỳ vọng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.