PCI 2022: Bà Rịa-Vũng Tàu vươn lên số 1 Đông Nam Bộ, TP HCM rớt top10

Vũng Tàu PCI 2022
15:30 - 11/04/2023
Ông Nguyễn Văn Thọ (đứng giữa), Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận chứng nhận Chỉ số PCI cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thọ (đứng giữa), Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận chứng nhận Chỉ số PCI cấp tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng trong Top 4 cả nước bảng xếp hạng PCI 2022, thì TP HCM chỉ “khiêm tốn” ở top 27, cho thấy sự thay đổi thứ hạng đáng kể của khu vực Đông Nam Bộ.

Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022 công bố ngày 11/4, ghi nhận, lần đầu tiên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp mặt trong top 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế của PCI ở vị trí thứ 4 với 70,26 điểm. Trước đó, vị trí cao nhất của tỉnh là vị trí 6/63 trong PCI 2011.

Đây là mức cao nhất Bà Rịa - Vũng Tàu đạt được trong nhiều năm qua. Kết quả này giúp tỉnh vươn lên vị trí thứ nhất trong khu vực Đông Nam Bộ. Theo báo cáo, chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm qua đã có nhiều nỗ lực thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, chú trọng thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao.

Tỉnh có một số mô hình cải cách hành chính đáng chú ý được nhân rộng sau khi áp dụng thành công ở cấp huyện, xã như mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” và “Ký số bản đồ khổ lớn”.

Trong đó, với “Ngày thứ Năm không chờ”, các cơ quan, đơn vị sẽ chọn ra những thủ tục hành chính đơn giản để tập trung giải quyết xong trong ngày, sớm hơn quy định pháp luật, nhờ đó giúp người dân và doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần làm thủ tục.

Tỉnh cũng thiết lập trang thông tin PCI và fanpage PCI trên mạng xã hội để phổ biến thông tin về các hoạt động đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.

Những nỗ lực của chính quyền tỉnh đã góp phần thăng hạng điểm số của 5/10 chỉ số thành phần của tỉnh so với kết quả PCI 2021, trong đó có những chỉ số thành phần đạt thứ hạng cao như “tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương” (12/63), “cạnh tranh bình đẳng” (7/63), “tiếp cận đất đai” (4/63) và “chi phí không chính thức” (4/63).

Tương quan giữa điểm số PCI 2022 và PCI 2021 của Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguồn: PCI 2022.
Tương quan giữa điểm số PCI 2022 và PCI 2021 của Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguồn: PCI 2022.

Trong phân tích triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp FDI theo địa phương, điều đáng chú ý là doanh nghiệp FDI hoạt động tại các trung tâm công nghiệp ở Đông Nam Bộ như Bình Dương và Đồng Nai lại tỏ ra thận trọng nhất với việc mở rộng quy mô hoạt động trong tương lai, trái ngược hoàn toàn với sự lạc quan ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tỉnh này đứng vị trí đầu tiên trong danh sách các địa phương được doanh nghiệp FDI đánh giá cao về triển vọng kinh doanh, với 54,8% doanh nghiệp FDI dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân của hiện tượng này được PCI 2022 lý giải có thể xuất phát bởi sự dịch chuyển trong cơ cấu lao động giữa các vùng miền và giữa các ngành nghề.

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được đánh giá là một trong hai địa phương duy nhất (cùng với Hà Nội) có tỷ lệ 100% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đạt chuẩn để không gây hại cho môi trường.

Trong khi đó, TP HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước lại có kết quả tụt xuống top 27 bảng xếp hạng PCI 2022 với 65,86 điểm và xếp sau Bà Rịa - Vũng Tàu trong khu vực Đông Nam Bộ. Mặc dù vậy, TP HCM vẫn được đánh giá có kết quả tốt nhất với chỉ số thành phần “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” và điểm Chỉ số cơ sở hạ tầng trong năm 2022.

Lý giải về điều này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hệ quả của đại dịch và những biến động phức tạp của bối cảnh kinh tế thế giới sẽ được cảm nhận rõ rệt nhất ở các trung tâm kinh tế lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Do đó, các tỉnh/thành này có xu hướng bị tác động lớn hơn các địa phương khác.

Bên cạnh đó, việc thay đổi thứ hạng còn do kỳ vọng của các doanh nghiệp ở các trung tâm kinh tế lớn sẽ nhiều hơn nên yêu cầu khắt khe hơn so với tỉnh/thành còn lại trên cả nước.

“Qua điều tra năm nay, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp kỳ vọng chất lượng thực thi tốt hơn. Dường như chất lượng thực thi của chính quyền địa phương đâu đó vẫn còn chậm trễ, sự chờ đợi và chưa năng động tích cực. Trong bối cảnh nhiều thách thức, nhiều khó khăn, doanh nghiệp rất cần sự vào cuộc, ráo riết hơn nữa của các trung tâm kinh tế lớn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp