PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nêu bất cập khiến y tế cấp xã ngày càng 'teo tóp'

Y Tế QUỐC HỘI
14:14 - 29/05/2023
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nêu bất cập khiến y tế cấp xã ngày càng 'teo tóp'
0:00 / 0:00
0:00
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, không có lý gì mà cùng một bệnh lý nền, nếu chữa ở xã chỉ được sử dụng thuốc huyết áp giá 100 đồng, trong khi lên huyện, tỉnh được dùng thuốc đắt hơn.

Trong phiên thảo luận Nghị trường sáng 29/5 về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng , rất nhiều đại biểu trăn trở với vấn đề xây dựng hệ thống y tế cơ sở.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng, nhiệm vụ phát triển y tế dự phòng là thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Mới đây khi cùng đoàn giám sát tới các cơ sở y tế cấp xã, ông nhận thấy khó khăn nổi trội nhất vẫn là nhân lực, thu nhập và chất lượng khám chữa bệnh, cơ sở vật chất.

Tuy nhiên theo đại biểu, tăng lương, xây cơ sở đẹp, mua máy móc không giải quyết được gốc rễ vấn đề; bởi lương không thể tăng mãi. Cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân, máy móc hiện đại mà không ai biết sử dụng. Cuối cùng là lãng phí rất lớn.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, trạm y tế xã là có 2 nhiệm vụ. Một là dự phòng (tiêm chủng, phòng, chống dịch, giáo dục, tuyên truyền). Hai là điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh, quản lý các bệnh mãn tính, sơ cứu, cấp cứu tại cộng đồng. Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ hai ngày càng teo tóp, khiến cho việc hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất trở nên bội phần khó khăn so với trước.

Dự phòng là mục tiêu quan trọng nhưng điều trị cũng cần được coi là chìa khoá để y tế cơ sở tồn tại và phát triển. Sự bất hợp lý về chính sách đã ‘bóp nghẹt’ sự phát triển của y tế cấp xã. Không có lý gì mà cùng một bệnh lý nền, nếu chữa ở xã chỉ được sử dụng thuốc huyết áp giá 100 đồng, trong khi lên huyện, tỉnh được sử dụng thuốc đắt hơn. Tiền thù lao một đêm trực không đáng là bao, khám một bệnh nhân chỉ được 27.000 đồng mà còn bị trừ ngược, trừ xuôi.PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu

Đặt câu hỏi làm cách nào để một hệ thống được dày công gây dựng từ nhiều thế hệ trước không bị teo tóp và mất hoàn toàn chức năng điều trị?, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng phải thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của trung tâm y tế huyện. Các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau, cả người bệnh và nhân viên y tế.

"Các bác sĩ trung tâm y tế quận, huyện sẽ có buổi khám ngoại trú cố định ở các xã, phường. Đặc biệt các bệnh mãn tính không lây nhiễm như huyết áp, đái đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; có buổi khám về ngoại sản, nhi để tư vấn cho người bệnh đi khám chữa đúng địa chỉ….", PGS Hiếu nêu giải pháp.

Phiên thảo luận của Quốc hội sáng 29/5. Ảnh: Quochoi

Phiên thảo luận của Quốc hội sáng 29/5. Ảnh: Quochoi

Với từng địa phương, theo ông Hiếu, cần có kế hoạch chi tiết, tới từng trạm y tế, cần “may đo” phù hợp chứ không mặc đồng phục cho tất cả trạm y tế hệ thống. Ví dụ một trạm trưởng giỏi về siêu âm, cần đầu tư máy để phát huy khả năng. Một y sĩ y học cổ truyền giỏi châm cứu cần có phương tiện chuyên biệt để triển khai. Một trạm y tế vùng cao không thể trang bị như một trạm y tế chỉ cách bệnh viện huyện vài km.

Đồng thời, cần giao thêm quyền và trách nhiệm cho trưởng trạm y tế, động viên họ để phát triển thế mạnh của mình. “Khi đã vận hành trơn tru, có thể tiến lên bước nữa là phối hợp giữa các bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế quận, huyện. Các bác sĩ giỏi ở tỉnh sẽ về huyện làm định kỳ trong tuần, những bệnh nhân sau mổ sẽ được khám lại ở huyện. Thực tế, việc này đã được tiến hành, các bác sĩ đầu ngành có buổi khám tại địa phương theo lịch; tuy nhiên vẫn chỉ là cá nhân, nhỏ lẻ, chưa có hệ thống hướng dẫn cụ thể”, đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) cho biết, đến năm 2022, cả nước có trên 80% trạm y tế xã thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% đơn vị cấp huyện có trung tâm y tế và 99,6% xã, phường, thị trấn có trạm y tế. Tuy nhiên, báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy còn nhiều bất cập, vướng mắc, khó khăn trong hoạt động y tế cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy chỉ rõ, do thiếu hướng dẫn cụ thể khi thay đổi nên dẫn tới tình trạng không thống nhất, có sự khác nhau về mô hình tổ chức của trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã. Điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế tại trạm y tế xã chưa bảo đảm để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Vì lẽ đó, tỷ lệ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã trên tổng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tất cả các cấp chuyên môn kỹ thuật trên toàn quốc giảm (từ 19,8% năm 2017 xuống còn 14,6% năm 2022). “Đây là điều rất đáng phải suy nghĩ để có những giải pháp khắc phục”, đại biểu nhấn mạnh.

Để nâng cao vai trò của y tế cơ sở, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng cần phải thể chế rõ phạm vi của y tế tuyến huyện, y tế tuyến xã và y tế thôn, bản gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng tuyến. Xác định mối quan hệ giữa các tuyến y tế hiện nay được quy định tại Nghị quyết số 20 và Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Nhất là phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ tuyến y tế cơ sở với 3 cấp chuyên môn kỹ thuật: Ban đầu, cơ bản và chuyên sâu.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ bảo hiểm y tế theo hướng tăng chi cho y tế cơ sở. Đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở, nhất là nhân lực làm việc tại trạm y tế xã. Thực hiện điều động, luân phiên hợp lý bác sĩ, cán bộ y tế để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Nguyễn Văn Huy. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, giải pháp tổ chức lại hệ thống y tế thực sự là một giải pháp căn cơ nhưng cần có mô hình cụ thể, trong đó cấp khám, chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình hoạt động y học gia đình kết hợp cả khu vực tư nhân và hệ thống trạm y tế. Đặc biệt phải xây dựng được sự kết hợp giữa cách khám, chữa bệnh ban đầu và các tuyến trên, quản lý bệnh nhân theo chiều dọc về chuyên môn, hồ sơ bệnh án, đảm bảo hài hòa về nguồn thu giữa các tuyến…

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn việc củng cố, hoàn thiện đầu tư tương xứng cho hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng. Trong đó cần tổng kết, đánh giá một cách toàn diện, triển khai đề án cụ thể về củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức của hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng cho phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền, không nhất thiết chỉ tổ chức theo đơn vị hành chính.

Đồng thời cần khẩn trương rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng ở địa phương; tăng cường đưa nhiều hơn các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe từ tuyến trên về y tế tuyến huyện, tuyến xã; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị tương xứng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.