Phát triển đội ngũ làm báo nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế

Báo chí Việt nAM
16:05 - 13/06/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. ẢNh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. ẢNh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 13/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023).

Báo chí là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cuộc làm việc nhằm chia sẻ, lắng nghe các ý kiến để tăng cường và đổi mới quản lý Nhà nước với báo chí, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi để báo chí, đội ngũ những người làm báo hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, báo chí là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, là phương tiện thông tin thiết yếu, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội.

Hội Nhà báo Việt Nam có vai trò quan trọng trong đoàn kết, tập hợp, nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của những người làm báo, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Thủ tướng đánh giá cao kết quả, sự cống hiến của Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo trên cả nước, góp phần quan trọng vào thành tích chung của cả nước.

Theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhất là về mô hình tổ chức, công tác giám sát sinh hoạt của hội viên... Đặc biệt là những tồn tại, hạn chế như vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số cơ quan báo chí và người làm báo; tình trạng "báo hóa" tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp; biểu hiện "tư nhân hóa báo chí"; phản ánh nhiều bạo lực, chạy theo thị trường, thiếu tính định hướng, thiếu tính giáo dục và nhân văn…

Thủ tướng chia sẻ với khó khăn, thách thức mà các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, truyền thông và những người làm báo trên cả nước đang phải đối mặt, nhất là 5 vấn đề về kinh tế báo chí, biên chế, tài chính, cơ sở vật chất và cơ chế, chính sách với Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí.

Nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học và công nghệ

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam đẩy mạnh hoạt động tập hợp lực lượng, xây dựng đội ngũ những người làm báo, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho hội viên.

"Cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học và công nghệ, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì nhân dân phục vụ, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân".

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Cùng với đó, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, qua đó giúp chấn chỉnh những "lệch chuẩn" về đạo đức nghề nghiệp, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí. Bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên trong thực thi nhiệm vụ, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm, nhất là lợi dụng báo chí để đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Báo chí phải đồng hành cùng dân tộc, làm tốt hơn nữa chức năng định hướng tư tưởng, bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, cơ quan, địa phương, đơn vị để phản ánh, đồng hành, nhất là 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược.

Đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số báo chí

Thủ tướng đề nghị báo chí tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các nút thắt, điểm nghẽn đang được dư luận quan tâm, đi vào những vấn đề khó, phức tạp trong nước và quốc tế. Phản ánh sinh động, khách quan, đa chiều, toàn diện, khoa học, sâu sắc và có giải pháp cho từng vấn đề.

Tăng cường thông tin phân tích, phát huy vai trò báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp. Không né tránh những vấn đề tiêu cực, góp phần đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng đưa tin theo hướng xây dựng, tìm ra cách khắc phục, giải quyết theo hướng nhân văn, nhân đạo, theo đường lối của Đảng và quy định của pháp luật để đem lại cái nhìn và kết quả tích cực hơn cho cộng đồng.

Đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa tương xứng với tuyên truyền về kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là 6 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Thủ tướng đề nghị tăng cường chất lượng các tác phẩm báo chí, bảo đảm tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc. Đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí truyền thông; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các công nghệ mới vào hoạt động báo chí, truyền thông. Bám sát các xu hướng tất yếu trong báo chí, truyền thông thế giới để đổi mới và làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.

Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho các phóng viên, nhà báo. Quán triệt, thực hiện nghiêm Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh. Khắc phục tình trạng "báo hóa" tạp chí, biểu hiện "tư nhân hóa báo chí", chạy theo thị hiếu tầm thường.

Hoàn thiện và thực hiện nghiêm pháp luật về báo chí, bảo đảm quyền tự do báo chí mà pháp luật quy định, bảo vệ nhà báo, quyền hành nghề hợp pháp và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của người làm báo.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ rất trân trọng và mong muốn được lắng nghe ý kiến của đội ngũ nhà báo trong xây dựng, thực thi chính sách. Đồng thời, mong muốn báo chí phát huy hơn nữa tinh thần báo chí cách mạng để tiếp tục truyền tải những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đến nhân dân và phản ánh nguyện vọng, ý chí của nhân dân đối với việc xây dựng chính sách, pháp luật.

Thủ tướng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam chủ động hơn nữa trong định hướng cho đội ngũ báo chí tăng cường nghiên cứu chính sách và tích cực tham gia công tác truyền thông chính sách; thúc đẩy đổi mới sáng tạo về nội dung, cách làm truyền thông chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận. Tổng kết Giải Báo chí Quốc gia để đề xuất đổi mới, nâng tầm, nâng cao chất lượng giải thưởng.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới hoạt động báo chí như Nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, một số thông tư của các bộ; tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch báo chí hợp lý, hiệu quả hơn; triển khai các giải pháp bảo đảm hạ tầng số, đào tạo nhân lực, cơ sở vật chất cho các cơ quan báo chí; hoàn thiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ với báo chí; biên chế tổ chức Hội… phù hợp với nhu cầu phát triển của báo chí và điều kiện, hoàn cảnh đất nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp