Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà thăm Việt Nam

Hợp Tác Bờ Biển Ngà
11:50 - 13/06/2023
Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo
Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo
0:00 / 0:00
0:00
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước này thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13/6 - 16/6.

Đây là chuyến thăm đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà tới Việt Nam và cũng là lãnh đạo cấp cao của Nhà nước Bờ Biển Ngà thăm Việt Nam sau 48 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Bờ Biển Ngà là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại Châu Phi

Việt Nam và Bờ Biển Ngà thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 6/10/1975. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước thường xuyên phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, điển hình là việc Bờ Biển Ngà ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016, 2023 - 2025), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2020 - 2021)… Đảng Cộng sản Việt Nam đặt quan hệ với Đảng RHDP cầm quyền tại Bờ Biển Ngà và cả 2 Đảng đối lập là Đảng FPI và PDCI-RDA.

Về kinh tế, quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước phát triển theo chiều hướng tích cực. Từ năm 2015 tới nay, kim ngạch thương mại song phương phát triển nhanh chóng. Việt Nam chủ yếu nhập điều thô và bông, đồng thời xuất khẩu gạo sang Bờ Biển Ngà, với gần 1.000 tiểu thương qua lại mua bán hạt điều giữa hai nước.

Hiện nay, Bờ Biển Ngà là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại Châu Phi và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu lục này với kim ngạch thương mại năm 2022 đạt 1,04 tỷ USD.

Quan hệ hữu nghị và hợp tác nghị viện giữa hai nước chủ yếu thông qua gặp gỡ, tiếp xúc, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF). Trao đổi đoàn còn hạn chế. Quốc hội hai nước chưa có Đoàn cấp cao do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu thăm lẫn nhau.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà diễn ra trong bối cảnh hai nước đang duy trì quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp trong 48 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong những năm gần đây, hai nước tăng cường trao đổi đoàn để thúc đẩy hợp tác song phương.

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Adama Bictogo cho thấy sự coi trọng của lãnh đạo Bờ Biển Ngà trong quan hệ với Việt Nam, thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác trên kênh Quốc hội giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, giao thông vận tải, trồng lúa gạo, chế biến nông sản, giáo dục, y tế, thể thao…

Về phía Việt Nam, việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà sang thăm khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước luôn coi trọng hợp tác hữu nghị tốt đẹp với Bờ Biển Ngà và các nước châu Phi, mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ tin cậy giữa hai nước trên các lĩnh vực.

Đồng thời mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước, đưa hợp tác nghị viện song phương ngày càng hiệu quả, thực chất; tạo đà mở rộng hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa hai nước, tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, WTO, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ.

Triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo sẽ có các cuộc chào xã giao, hội đàm, hội kiến với các nhà Lãnh đạo Việt Nam.

Trong đó, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất, thông qua tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước.

Đánh giá các biện pháp thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tương xứng với tiềm năng to lớn của mỗi nước theo hướng cân bằng hơn và đa dạng hóa mặt hàng trao đổi, tạo thuận lợi tối đa cho các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước thâm nhập thị trường của nhau.

Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, xúc tiến thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối các hiệp hội, doanh nghiệp; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp, tham dự các hội chợ, triển lãm tổ chức tại mỗi nước.

Hai bên cũng sẽ bàn thảo các biện pháp đưa vào triển khai thực chất, hiệu quả các văn kiện đã ký, thúc đẩy ký kết các văn kiện quan trọng như Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định/Biên bản ghi nhớ hợp tác về thương mại; thúc đẩy giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân.

Lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi các nội dung liên quan đến tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt ở Bờ Biển Ngà; có chủ trương, biện pháp cụ thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đảm bảo môi trường an ninh, an toàn để người Việt Nam yên tâm sinh sống làm ăn ổn định, phát triển kinh tế và đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Về hợp tác nghị viện, hai bên sẽ thảo luận biện pháp tiếp tục tăng cường hợp tác trên kênh ngoại giao nghị viện; tăng cường trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao và các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội; tăng cường giao lưu nghị sĩ; trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động nghị viện nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và các cơ quan giúp việc; hợp tác giám sát việc thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận hợp tác đã ký giữa chính phủ hai nước; ủng hộ và tăng cường kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp