PVI thực hiện chi trả cổ tức năm 2022 toàn bộ bằng tiền mặt, tỷ lệ 30%

PVI Việt nAM
07:23 - 27/04/2023
PVI thực hiện chi trả cổ tức năm 2022 toàn bộ bằng tiền mặt, tỷ lệ 30%. Nguồn: PVN.
PVI thực hiện chi trả cổ tức năm 2022 toàn bộ bằng tiền mặt, tỷ lệ 30%. Nguồn: PVN.
0:00 / 0:00
0:00
Đây là năm thứ ba PVI chi trả cổ tức ở mức cao nhất kể từ khi thành lập và cũng là năm thứ 8 liên tiếp công ty chi trả cổ tức ở mức cao hơn 20%.

Chiều ngày 26/4, CTCP PVI (HNX: PVI) đã tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Đại diện HĐQT PVI cho biết, triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh 2022 trong bối cảnh toàn cầu và Việt Nam đã trải qua 2 năm dịch bệnh Covid-19 kéo dài, còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức với áp lực phục hồi kinh tế, toàn hệ thống PVI tiếp tục hoàn thành các kế hoạch với tổng doanh thu hợp nhất năm đạt 14.364 tỷ đồng, hoàn thành 123% kế hoạch.

Trong đó, doanh thu hoạt động bảo hiểm đạt 12.832 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch và doanh thu hoạt động tài chính, cho thuê văn phòng và khác đạt 1.532 tỷ đồng, vượt 58% kế hoạch năm 2022.

Lợi nhuận sau thuế đạt 873 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch; nộp ngân sách Nhà nước 1.045 tỷ đồng, vượt 47% kế hoạch. Công ty mẹ thu đạt tổng doanh thu 1.446 tỷ đồng, vượt 38% kế hoạch năm 2022 và lợi nhuận sau thuế 816 tỷ đồng, cũng vượt 22% kế hoạch đề ra.

Về phương án chi trả cổ tức năm 2022, PVI sẽ chi trả cổ tức năm 2022 toàn bộ bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%. Con số này cao hơn kế hoạch 25% đề ra. Theo đó, đây là năm thứ ba PVI chi trả cổ tức ở mức cao nhất kể từ khi thành lập, và cũng là năm thứ 8 liên tiếp chi trả cổ tức ở mức cao hơn 20%.

Tổng giá trị cổ tức chi trả là 702 tỷ đồng. Hai cổ đông lớn nhất của PVI gồm HDI Global SE và PVN sẽ nhận về số tiền lớn nhất. Với tỷ lệ 35%, cổ đông nhà nước nhận về gần 246 tỷ đồng. Ngoài chia cổ tức, PVI còn trích 4% lợi nhuận sau thuế (32,6 tỷ đồng) vào quỹ khen thưởng phúc lợi và 0,3% lợi nhuận (2,45 tỷ đồng) để thưởng ban điều hành. Lợi nhuận để lại chưa phân phối còn 78,3 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý tại đại hội lần này là phương án kết chuyển thặng dư vốn cổ phần để tăng vốn điều lệ. Theo báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán, tại thời điểm ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của PVI là 7.149 tỷ đồng, trong đó thặng dư vốn cổ phần là 3.717 tỷ đồng, tương đương 52% vốn chủ sở hữu và gấp gần 1,6 lần quy mô vốn điều lệ (2.342 tỷ đồng). Đây là số thặng dư phát sinh từ các lần tăng vốn cho cổ đông nước ngoài trong giai đoạn 2010-2012 và từ việc mua/bán cổ phiếu quỹ trong các năm trước đây.

PVI cũng trình cổ đông thông qua chủ trương về việc kết chuyển toàn bộ nguồn thặng dư vốn cổ phần để bổ sung tăng vốn điều lệ, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2023-2027. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm này cũng trình cổ đông giao cho HĐQT PVI xây dựng phương án tăng vốn điều lệ chi tiết, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện.

Giải đáp thắc mắc của cổ đông về việc kết chuyển và tăng quy mô vốn điều lệ sẽ gây pha loãng cổ phiếu, ông Nguyễn Xuân Hoà, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVI giải thích thêm, sự chênh lệch lớn hiện tại giữa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu đang dẫn đến sự khác nhau khá lớn giữa tỷ lệ cổ tức và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE).

Ông Nguyễn Xuân Hoà, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVI trả lời các câu hỏi của cổ đông. Nguồn: PVN.

Ông Nguyễn Xuân Hoà, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVI trả lời các câu hỏi của cổ đông. Nguồn: PVN.

Lãnh đạo PVI cũng cho biết, hoạt động PVI nhắm đến sự chính xác minh bạch. Ngoài việc đưa chỉ số về cùng một mặt bằng, việc kết chuyển còn giúp tránh xảy ra điểm khác nhau dễ gây nhầm lẫn đến các cổ đông.

Bên cạnh đó, đây cũng là yêu cầu của cổ đông PVN. Theo ông Hòa, việc pha loãng cũng không phải là xấu bởi giá cổ phiếu hiện ở mức gần 50.000 đồng/cp có thể quay lại mức ban đầu. Xét ở một khía cạnh, cũng là sự thuận lợi cho cổ đông khi đầu tư cổ phiếu PVI.

Cũng theo Tổng giám đốc PVI, việc kết chuyển thực hiện một lần hay chia nhỏ từng lần sẽ được HĐQT cân nhắc. Về cam kết trước đây của PVI liên quan để tỷ lệ chi trả cổ tức trên 22%, ông Hòa cho biết ban lãnh đạo sẽ xem xét lại các cam kết và cố gắng thực hiện. Khi pha loãng cổ phiếu, tỷ lệ chi trả cổ tức đương nhiên sẽ ảnh hưởng. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, số tiền chi trả cổ tức chắc chắn sẽ giữ nguyên như cam kết.

Năm 2023 được xác định là năm khó khăn thách thức khi triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh hậu Covid-19, toàn nền kinh tế Việt Nam và các ảnh hưởng toàn cầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều biến động khi dịch bệnh vẫn chưa được ngăn chặn dứt điểm. Tuy nhiên, PVI vẫn nỗ lực thực hiện chiến lược 2021-2025 trở thành một trong những công ty bảo hiểm công nghiệp hàng đầu tại Đông Nam Á.

Theo đó, năm 2023, PVI đặt kế hoạch thu về 13.554 tỷ đồng doanh thu và 793 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt giảm 5,64% và 9,16% so với năm trước. Tỷ lệ chi cổ tức dự kiến năm 2023 là 28,5%.

Trả lời thắc mắc của cổ đông liên quan đến thứ hạng của Bảo hiểm PVI trên bảng xếp hạng thị phần mảng bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khoẻ, lãnh đạo Bảo hiểm PVI cho biết, đây là chính sách của công ty khi hướng đến tập trung hiệu quả, thay vì quy mô. Đây là hai mảng kinh doanh chiếm 60% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ nhưng hiện có hiệu quả kinh doanh phần lớn không tốt nên công ty chủ động điều chỉnh để giảm tỷ trọng.

Sau ĐHĐCĐ năm 2022 bầu mới nhân sự hội đồng quản trị và ban kiểm soát cho nhiệm kỳ 2022-2027 với 5/8 ứng viên là người nước ngoài, cuộc họp năm 2023 của PVI tiếp tục có điểm mới khi đánh dấu năm đầu tiên công ty thay đổi bộ nhận diện thương hiệu. Đầu tháng 12/2022, công ty đã quyết định dừng sử dụng nhãn hiệu PVN từ ngày 1/1/2023.

Mới đây, PVI đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với tổng doanh thu hợp nhất đạt 4.366 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 32,2% kế hoạch năm; Lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 269 tỷ đồng, hoàn thành gần 34% mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, xét riêng doanh thu phí bảo hiểm gốc, kết quả kinh doanh quý 1/2023 của PVI đi lùi.

Tin liên quan

Đọc tiếp