Sản lượng bán hàng Hòa Phát đạt mức cao nhất kể từ đầu năm

HPG HÒA PHÁT
11:02 - 06/07/2023
Sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát đang dần phục hồi.
Sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát đang dần phục hồi.
0:00 / 0:00
0:00
Dù lượng hàng bán ra của Hòa Phát trong tháng 6/2023 vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng đã tăng trưởng so với các tháng trước. 

Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) công bố sản lượng kinh doanh tháng 6/2023 với việc sản xuất 520.000 tấn thép thô, giảm 23% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 540.000 tấn, giảm 4% so với tháng 6/2022 nhưng là mức cao nhất kể từ đầu năm nay.

Trong đó, thép xây dựng ghi nhận 286.000 tấn, giảm 18% so với tháng 6/2022 nhưng tăng nhẹ so với tháng 5 vừa qua. Kết quả này chủ yếu nhờ sản lượng bán hàng thép xây dựng Hòa Phát ở miền Trung và miền Nam tăng trưởng cao so với tháng 5, lần lượt 30% và 69%.

Với 251.000 tấn, sản phẩm HRC của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đạt mức cao nhất tính từ tháng tháng 11/2022 đến nay và tăng 24% so với tháng 6/2022. Nhu cầu của các nhà máy sản xuất ống thép, tôn mạ tại thị trường miền Bắc và miền Trung tăng đã góp phần giúp sản lượng thép cuộn cán nóng cải thiện đáng kể trong tháng vừa qua.

Sản phẩm hạ nguồn HRC gồm ống thép và tôn mạ các loại của Hòa Phát cũng tăng nhẹ so với tháng 5/2023 và cũng là mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Riêng mặt hàng tôn có mức tăng 42% so với cùng kỳ 2022.

Lũy kế 6 tháng, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 2,86 triệu tấn thép thô, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 2,9 triệu tấn, giảm 27% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Qua nửa đầu năm, thép xây dựng của Hòa Phát đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm 30%. Ngoài thép thành phẩm, Hòa Phát cũng đã cung cấp 36.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam.

Thép HRC đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước là 1,2 triệu tấn, giảm 15%. Ống thép và tôn Hòa Phát đạt sản lượng lần lượt 325.000 tấn và 175.000 tấn, giảm nhẹ so với 6 tháng đầu năm 2022.

Mở lại toàn bộ lò cao từ 1/7

Trong báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2023 phát hành ngày 5/7, VNDirect nhận định, các công ty thép đều đặt kế hoạch kinh doanh 2023 có lãi ròng trở lại, tích cực hơn rất nhiều so với việc liên tiếp báo lỗ trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ vẫn sẽ yếu trong suốt cả năm 2023 và sẽ phải rất nỗ lực thì nhóm các công ty này mới có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép trong quý 1/2023 đều ghi nhận mức giảm mạnh so với cùng kỳ, tuy nhiên đã được cải thiện đáng kể về mặt lợi nhuận so với 2 quý trước đó. Xu hướng này đến chủ yếu bởi: Tổng sản lượng tiêu thụ thép trong quý 1/2023 đã giảm mạnh 29,2% so với mức nền cao của quý 1/2022; giá bán thép quý 1/2023 mặc dù giảm mạnh so với cùng kỳ, tuy nhiên đã tăng đáng kể so với mức trung bình của quý 4/2022; giá bán thép tăng giúp nhiều doanh nghiệp ghi nhận hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong quý 1/2023.

VNDirect ước tính trung bình giá thép xây dựng và HRC Việt Nam trong quý 2/2023 lần lượt là 15,9 triệu đồng/tấn (giảm 7% so với cùng kỳ 2022; tăng 6% so với quý 1/2023) và 660 USD/tấn (giảm 20% so với cùng kỳ, tăng 18% so với quý 1/2023). Do đó, các công ty thép sẽ không còn nhiều dư địa để hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho trong quý 2/2023.

Theo VNDirect, vẫn còn quá sớm để khẳng định nhu cầu thép đã phục hồi, tuy nhiên một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện như nhiều dự án bất động sản (NovaWorld Hồ Tràm – Vũng Tàu, Bcons Polaris – Bình Dương, De La Sol – TP HCM,…) đã được khởi công trở lại; nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam – HPG mới đây đã mở lại toàn bộ lò cao từ 1/7, điều này đồng nghĩa với việc công ty đang kỳ vọng nhu cầu thép hồi phục trong thời gian tới.

Theo diễn biến của giá hàng hóa giao ngay (thép, quặng sắt, than cốc và thép phế), VNDirect ước tính trung bình biên EBITDA mảng thép của HPG trong quý 2/2023 cao hơn 1 điểm % so với quý trước đó.

Tin liên quan

Đọc tiếp