Sản lượng tiêu thụ tăng mạnh nhưng Hòa Phát gặp thách thức về biên lợi nhuận

HPG HÒA PHÁT
11:22 - 08/07/2022
Hòa Phát cung cấp gần 4 triệu tấn thép cho thị trường 6 tháng đầu năm. Ảnh: Hòa Phát
Hòa Phát cung cấp gần 4 triệu tấn thép cho thị trường 6 tháng đầu năm. Ảnh: Hòa Phát
0:00 / 0:00
0:00
Trong nửa đầu năm 2022, sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát khá khả quan, trong đó riêng tháng 6 thép xây dựng tăng 51% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc giá thép liên tục giảm lại ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) công bố tình hình kinh doanh tháng 6/2022 với sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 560.000 tấn, tăng 14% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, sản lượng thép xây dựng đạt 348.000 tấn, tăng 51% so với tháng 6/2021. HRC là 202.000 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ.

Theo Hòa Phát, tiêu thụ thép xây dựng tháng vừa qua tăng trưởng tốt nhờ thị trường khu vực miền Nam và xuất khẩu tăng mạnh, lần lượt là 200% và 60% so với cùng kỳ năm 2021. Việc Chính phủ thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm trong đó có trục cao tốc Bắc Nam đã giúp nhu cầu trên thị trường vật liệu xây dựng cải thiện hơn so với năm trước.

Đối với thị trường xuất khẩu, thép Hòa Phát duy trì mức cao nhờ khai thác được một số thị trường mới như Singapore, Hồng Kông. Đơn đặt hàng từ các thị trường truyền thống như Canada, Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan… vẫn diễn ra đều đặn. Trong tháng 6, Hòa Phát còn cung cấp hơn 64.000 tấn ống thép và 27.000 tấn tôn mạ các loại cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Riêng sản phẩm ống thép tăng trưởng 57% so với cùng kỳ năm trước. Tôn mạ tăng 68% so với tháng 5/2022 nhưng giảm 25% so với tháng 6/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng là 2,38 triệu tấn, tăng 29% so với 6 tháng đầu năm 2021. Sau nửa năm, bán hàng HRC của Hòa Phát ghi nhận 1,4 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ đạt lần lượt 377.000 tấn và 180.000 tấn, tương đương mức tiêu thụ nửa đầu năm 2021.

Giá cổ phiếu giảm đã phản ánh phần nào triển vọng lợi nhuận

Mặc dù sản lượng tiêu thụ tăng trưởng nhưng việc giá thép giảm được cho là sẽ ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của Hòa Phát. Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép mới đây, Chứng khoán SSI cho biết, sau khi tăng 15% trong quý 1 do nhu cầu bị dồn nén, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và thép ống) trong tháng 4 và tháng 5 đã giảm khoảng 32% so với cùng kỳ.

Sản lượng xuất khẩu của thép thành phẩm đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ là 13% trong giai đoạn 5 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, kênh xuất khẩu vẫn có xu hướng chững lại trong những tháng gần đây, đặc biệt trong mảng tôn mạ, với sản lượng hàng tháng thấp hơn khoảng 30% so với mức đỉnh trong quý 4 năm 2021. Sự sụt giảm về sản lượng như vậy là do nhu cầu giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt (đặc biệt là Mỹ và EU), những thị trường mà trong điều kiện thuận lợi từng chiếm 60-70% sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam.

Tại Việt Nam, giá thép xây dựng đã giảm khoảng 11% so với mức đỉnh vào tháng 3, trong khi giá thép HRC cũng giảm 25% so với mức đỉnh vào đầu tháng 4, theo diễn biến của giá thép thế giới.

Mặc dù nhận định tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép trong ngắn hạn có thể được hỗ trợ bởi giá nguyên liệu đầu vào giảm nhưng SSI vẫn hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận của 3 công ty thép đầu ngành là Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG) và Nam Kim (NKG).

Tỷ suất lợi nhuận ròng của các công ty thép đầu ngành. Nguồn: SSI

Tỷ suất lợi nhuận ròng của các công ty thép đầu ngành. Nguồn: SSI

Đối với Hòa Phát, SSI giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 từ 176.000 tỷ đồng và 31.100 tỷ đồng xuống 160.000 tỷ đồng (tăng 6,9% so với cùng kỳ) và 26.500 tỷ đồng (giảm 23,1% so với cùng kỳ), chủ yếu do giả định giá thép giảm.

Ở mức giá hiện tại (22.000 đồng), cổ phiếu HPG đang giao dịch ở mức P/E 2022 là 5,2 lần – mức thấp nhất trong lịch sử. SSI giảm P/E và EV/EBITDA mục tiêu 1 năm lần lượt từ 7,5x và 5,5x xuống 6x và 4,5x, do định giá các công ty cùng ngành trong khu vực giảm, trong bối cảnh lạm phát gia tăng và triển vọng lợi nhuận suy yếu.

SSI duy trì đánh giá khả quan đối với cổ phiếu HPG nhưng giảm giá mục tiêu xuống 27.000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù giá cổ phiếu giảm đã phản ánh phần nào triển vọng lợi nhuận nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn còn, do đà đi xuống của giá thép.

Tin liên quan

Đọc tiếp