Muốn nông nghiệp bền vững, người nông dân cần được bảo hiểm rủi ro

NÔNG NGHIỆP CGIAR
14:03 - 11/12/2021
Cần có những chính sách tài chính và bảo hiểm để phát triển hệ thống thực phẩm bền vững.
Cần có những chính sách tài chính và bảo hiểm để phát triển hệ thống thực phẩm bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Ứng dụng khoa học công nghệ dẫn đến chi phí đầu tư trên đất nông nghiệp tăng lên kèm theo rủi ro cũng tăng theo, đặt ra yêu cầu cần có các giải pháp bảo hiểm để khuyến thích các hộ nông dân đổi mới sáng tạo hình thành nền nông nghiệp bền vững.

Đây là một trong những giải pháp thực hiện “Kế hoạch Hành động Quốc gia của Việt Nam về Hệ thống thực phẩm bền vững giai đoạn 2021 - 2030” với 5 lộ trình hành động, nhằm giúp Việt Nam chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm có trách nhiệm, bền vững và minh bạch, đóng góp vào 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030.

Nội dung cụ thể của 5 lộ trình đã được PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) chia sẻ tại hội nghị "Điều phối lần thứ ba giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp quốc tế - CGIAR", chiều 10/12.

Ông nhấn mạnh các lộ trình trên nhằm mục tiêu đảm bảo mọi người tiếp cận được thực phẩm an toàn và dinh dưỡng, giúp chuyển đổi sang tiêu dùng bền vững, xây dựng các chuỗi giá trị cạnh tranh, tăng cường khả năng thích ứng với tổn thương và đặc biệt là đưa nền nông nghiệp Việt Nam chuyển sang nền nông nghiệp sinh thái, bền vững.

Trong khi đó, mục tiêu của “Kế hoạch Hành động Quốc gia của Việt Nam về Hệ thống thực phẩm bền vững giai đoạn 2021 - 2030” là nhằm định hướng và phối hợp các chiến lược, kế hoạch, hoạt động của các tổ chức trong và ngoài nước phát triển hệ thống thực phẩm Việt nam có trách nhiệm, minh bạch và bền vững đến năm 2030.

Đòn bẩy để có hệ thống thực phẩm bền vững

Trao đổi với MEKONG ASEAN, PGS.TS Đào Thế Anh đã có những phân tích cụ thể về 5 đòn bẩy nhằm thúc đẩy hệ thống thực phẩm bền vững tại Việt Nam đạt hiệu quả.

5 đòn bẩy để có hệ thống thực phẩm bền vững

1. Hành động tập thể với quan hệ đối tác nhiều bên liên quan.

2. Khoa học, công nghệ.

3. Tài chính, bảo hiểm.

4. Bình đẳng giới, hòa nhập xã hội.

5. Quản trị chính sách, thể chế.

Theo đó, trước tiên cần có sự hợp tác giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị của hệ thống; giữa sản xuất và tiêu dùng; giữa các cơ quan liên bộ NN&PTNT, Y tế, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường… Đồng thời cũng cần có nhiều hoạt động truyền thông để thay đổi nhận thức, tạo ra hành động tập thể.

Nhấn mạnh chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong yếu tố khoa học công nghệ, ông Đào Thế Anh phân tích rằng chuyển đổi số sẽ là công cụ hữu ích trong những việc tính toán cụ thể như cần bao nhiêu phân bón giảm thiểu lãng phí và bảo vệ môi trường. Công cụ này cũng có thể dự báo những diễn biến của biến đổi khí hậu bảo vệ mùa màng, giúp chuyển đổi từ nền nông nghiệp thâm canh hóa chất sang nền nông nghiệp sinh thái.

Nền nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức là phải duy trì lương thực, thực phẩm đảm bảo an ninh lương thực trong nước và thực hiện tham vọng xuất khẩu, nhưng đồng thời cũng phải tiết kiệm các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu phân bón, thuốc trừ sâu.

Số liệu thống kê được PGS.TS Đào Thế Anh đưa ra cho thấy, lượng phân bón hóa học của Đồng bằng Sông Cửu Long đang cao gấp 3 lần thế giới là cảnh báo cho sản phẩm nông nghiệp nước ta. “Muốn thực hiện được định hướng ‘nông nghiệp sinh thái – nông thôn hiện đại – nông dân thông minh’, người nông dân cần ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cân bằng hệ sinh thái và tôn trọng môi trường”, ông nhận định.

Ảnh: trích xuất từ hội nghị

Ảnh: trích xuất từ hội nghị

Theo PGS.TS Đào Thế Anh, hiện nay mức đầu tư cho khoa học công nghệ của Việt Nam gần như thấp nhất khu vực, chỉ hơn Lào và Campuchia. Chúng ta chỉ chi 0,53% GDP cho nghiên cứu khoa học trong khi Thái Lan là 2% và con số này ở nước có nền nông công nghệ cao Israel là 4%. Trong thời đại cạnh tranh tri thức và khoa học công nghệ then chốt, nếu không tăng đầu tư, Việt Nam sẽ có nguy cơ tụt hậu”.

Làm rõ hơn về yếu tố tài chính và bảo hiểm, PGS.TS Đào Duy Anh nhận định, bên cạnh việc phải đảm bảo nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn công nghệ thì bảo hiểm trong sản xuất cũng là một vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới.

Ảnh tác giả

"Ứng dụng khoa học công nghệ dẫn đến đầu tư trên 1 ha đất nông nghiệp sẽ cao hơn giai đoạn trước, đồng nghĩa với việc nhà sản xuất và đầu tư cũng gặp nhiều rủi ro hơn. Do đó cần có các giải pháp tín dụng và bảo hiểm để khuyến khích các hộ nông dân và doanh nghiệp".

PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó giám đốc, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt nam

Bên cạnh đó, Phó giám đốc VAAS cũng cho rằng “Kế hoạch Hành động Quốc gia của Việt Nam về Hệ thống thực phẩm bền vững giai đoạn 2021 – 2030” và những chương trình hợp tác giữa Việt Nam và CGIAR là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp. Ông khẳng định, VAAS và CGIAR có cùng quan điểm trong xác định khách hàng của các nghiên cứu phải là người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và sẽ có các chương trình phù hợp với từng vùng miền.

“Để nắm bắt cơ hội nhất là khi nhu cầu thị trường nông sản Việt Nam và thế giới trong thời gian tới được dự báo sẽ tăng lên do tác động của dịch COVID-19, các doanh nghiệp nên chủ động tăng cường liên kết với nông dân và các hợp tác xã. Một mặt đảm bảo làm tốt khâu chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, mặt khác đầu tư công nghệ vào sản xuất của nông dân, hợp tác xã, từ đó phát triển chuỗi liên kết bền vững”, ông Đào Thế Anh nói thêm.

Vị chuyên gia này cũng đánh giá vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, minh bạch thông tin từ vùng sản xuất đến các khâu trung gian và tới tay người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt yêu cầu của thị trường về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm minh bạch, bền vững, đóng gói bao bì thân thiện với môi trường để nắm bắt được cơ hội.

Việt Nam cần nhiều hơn các hợp tác quốc tế

Hội nghị "Điều phối lần thứ ba giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp quốc tế - CGIAR", chiều 10/12

Hội nghị "Điều phối lần thứ ba giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp quốc tế - CGIAR", chiều 10/12

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 190,32 tỷ USD.

Đáng chú ý, năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt kỷ lục 41 tỷ USD. Riêng 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 43,5 tỷ USD, tăng tới 14,2% so với cùng kỳ năm trước và dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu cả năm.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Doanh, mặc dù tăng trưởng nhanh, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như tăng trưởng chưa bền vững, chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên, nhiều đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường bất ổn, vẫn còn tình trạng được mùa mất giá và ngược lại.

“Để bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều khó khăn và thách thức, Bộ NN và PTNT đánh giá cao và mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các Tổ chức nghiên cứu nông nghiệp của CGIAR”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng Hệ thống thực phẩm bền vững, TS. Jean Balié, Tổng Giám đốc One CGIAR khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho biết, trong 5 năm qua, CGIAR đã thực hiện hơn 100 dự án tại hơn 40 tỉnh thành của Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư 24 triệu USD, mang lại lợi ích cho hơn 24 triệu người.

“Trong thời gian tới, các nghiên cứu của CGIAR ở Việt Nam sẽ tiếp tục đem lại tác động trong nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi bền vững, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi hệ thống thực phẩm bền vững và cải thiện sức khỏe con người và động vật thông qua cách tiếp cận ‘Một sức khỏe’”, TS. Jean Balié khẳng định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.