Sắp có khung giá điện cho các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
10:09 - 19/11/2022
Sắp có khung giá điện cho các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Nguồn: Vũ Phong Energy Group.
Sắp có khung giá điện cho các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Nguồn: Vũ Phong Energy Group.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, cuối tháng 11/2022, Bộ này sẽ ban hành khung giá điện cho các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp, vốn là vấn đề luôn được các nhà đầu tư rất quan tâm thời gian qua.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã trình lại Chính phủ Dự thảo Quy hoạch điện VIII với những điều chỉnh thể hiện rõ hơn vai trò và lộ trình phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, theo tinh thần Nghị quyết 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045”

Đồng thời, Dự thảo mới đã hướng tới việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về cắt giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Mặc dù Dự thảo mới đã có những điều chỉnh đáng kể nhưng nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn những vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu, thảo luận làm rõ. Đặc biệt là vấn đề cơ chế giá đối với các dự án năng lượng tái tạo, vấn đề luôn được các nhà đầu tư rất quan tâm thời gian qua.

Cần có cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo

Phát biểu tại tọa đàm “Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo” sáng 18/11, TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đối với các dự án chuyển tiếp, đang triển khai hoặc đã hoàn thành nhưng không kịp hưởng giá FIT, mặc dù Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15 ngày 3/10/2022 quy định phương pháp xây dựng khung giá, nhưng đến nay vẫn chưa có các quy định, pháp lý cụ thể về việc này.

Với các dự án đã được công nhận vận hành thương mại, hưởng giá FIT, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo để có cơ sở hướng dẫn việc rà soát, xem xét lại Hợp đồng giữa EVN với các chủ đầu tư, đồng thời Bộ đề nghị Thủ tướng có quyết định bãi bỏ các Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, Quyết định số 37 và Quyết định số 39 về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió.

“Như vậy, liệu các dự án này có bị điều chỉnh về giá mua điện hay thời hạn ưu đãi hay không? Hệ lụy của việc điều chỉnh chính sách ưu đãi này sẽ như thế nào? Với các dự án năng lượng tái tạo mới trong tương lai, tham gia thị trường điện cạnh tranh cần có một cơ chế giá như thế nào là tối ưu, đặc biệt với các nguồn năng lượng yêu cầu suất đầu tư cao như điện gió ngoài khơi?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thông tin, cuối tháng 11/2022, Bộ Công Thương sẽ ban hành khung giá điện cho các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Bộ Công Thương trước đó cũng đã ban hành Thông tư 15 về nguyên tắc xây dựng khung giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Dự kiến từ ngày 25-30/ 11/2022, Bộ Công Thương sẽ thẩm định xong khung giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Trên cơ sở khung giá, EVN đàm phán với các chủ đầu tư. Hiện có khoảng 4.000 MW đối tượng chuyển tiếp điện gió và điện mặt trời.

Vẫn cần giá FIT cho những dự án nhỏ

Đánh giá về tình hình phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh, về nguồn điện, đến hết 2021, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt là 76.364 MW.

Trong đó, điện mặt trời chiếm 21,2%, đạt 16.179 MW; điện gió chiếm 5,2%, đạt 3.987 MW. Công suất lắp đặt điện mặt trời đã vượt mục tiêu đặt ra vào năm 2030, công suất lắp đặt điện gió đã vượt mục tiêu đặt ra năm 2025.

Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Tuy nhiên, theo ông Vy, do cơ chế giá FIT đối với điện mặt trời và điện gió đã hết hạn nên việc phát triển mảng năng lượng tái tạo đang chững lại. Bên cạnh đó, việc thiếu các chính sách và quy định hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo có thể cản trở việc áp dụng nguồn năng lượng này.

Về mảng điện gió, 3.479 MW công suất nguồn điện gió đã xây dựng xong những vẫn chưa được đưa vào vận hành, gây khó khăn cho nhiều nhà đầu tư và lãng phí do thiếu cơ chế giá.

Về điện sinh khối, phần lớn các nhà máy điện đang thực hiện đồng phát chỉ trong vụ mùa ép mía trong 4-5 tháng/năm. Nếu giá bán điện vẫn ở mức như điện đồng phát, hoạt động này sẽ không khả thi về mặt kinh tế vì việc mua nguyên liệu sinh khối sẽ làm giá thành sản xuất điện tăng cao.

Bên cạnh đó, tốc độ phát triển giữa các dự án năng lượng với lưới điện truyền tải không đồng bộ. Điều này đã gây ra các điểm nghẽn về truyền tải, phải giảm phát tới 30 – 40%, thậm chí có dự án phải giảm hơn 60% công suất.

Theo đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2050, cần có các chính sách minh bạch để tạo ra một lộ trình lâu dài.

Cụ thể, trên cơ sở chuẩn xác lại tiến độ các dự án nguồn điện lớn đang xây dựng, cần tiến hành cân bằng công suất – điện năng, xác định khối lượng các dự án và các nguồn năng lượng tái tạo cần xây dựng tới năm 2030.

Đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, EVN đã thực hiện đàm phán, ký hợp đồng mua bán điện trên giá phát điện tạm tính trong thời gian chờ tính khung giá chính thức.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Vy nhấn mạnh, năng lượng tái tạo vẫn có những dự án có quy mô công suất nhỏ và những dự án này vẫn cần được áp dụng theo biểu giá điện hỗ trợ (FIT), do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành hàng năm đối với mỗi loại công nghệ và tương ứng với các quy mô công suất và từng vùng riêng biệt.

Thông tin thêm, ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, Nghị quyết số 140 của Chính phủ yêu cầu “nghiên cứu, xây dựng luật về năng lượng tái tạo”. Do đó, khi luật về năng lượng tái tạo được nghiên cứu và ban hành sẽ là khung pháp lý cao nhất để phát triển năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, việc nghiên cứu xây dựng luật về năng lượng tái tạo sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và yêu cầu về thời hạn của Chính phủ trong năm 2021-2025.

“Do đó, trong khi chưa có luật về năng lượng tái tạo thì việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành cơ chế chính sách phát triển điện gió, điện mặt trời là rất cần thiết trong bối cảnh cơ chế giá FIT đã hết thời hạn áp dụng. Việc này càng quan trọng đối với điện gió ngoài khơi với tiềm năng và lợi thế lớn nhưng là lĩnh vực mới và có nhiều đặc thù so với điện gió trên bờ”Ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Thách thức lớn về nguồn vốn đầu tư

Bên cạnh vấn đề về cơ chế giá, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) chia sẻ, thách thức trên lĩnh vực năng lượng tái tạo hiện nay chính là nguồn vốn đầu tư lớn.

Theo ông Hùng, ước tính giai đoạn 2021-2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực khoảng 104,7-142,2 tỷ USD và 324,6-483 tỷ USD cho giai đoạn 2031-2050. Tỷ lệ dự phòng thô của hệ thống khá cao do các nguồn điện chạy nền không còn được phát triển và thay vào đó là các nguồn điện gió có thời gian vận hành thấp hơn, dẫn tới tăng chi phí đầu tư nguồn điện.

“Bởi vậy, cần đầu tư thêm lưới truyền tải liên miền, lưới siêu cao áp ven biển và một số công nghệ chưa thương mại hóa (công nghệ sử dụng hydrogen, amoniac xanh). Giai đoạn 2021-2030, tổng diện tích đất dành cho các công trình điện khoảng 103 nghìn ha, trong đó thủy điện và thủy điện nhỏ khoảng 55.000 ha, điện gió trên bờ khoảng 5.400 ha”
Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương)

Một khó khăn nữa đối với việc huy động vốn cho các dự án năng lượng tái tạo là do các dự án này có nhu cầu vốn khá lớn, nhưng lại có rủi ro cao do công suất và sản lượng không chắc chắn, phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu.

“Không chỉ vậy, do khả năng thu hồi vốn lâu do công suất đầu tư và giá điện cao hơn nguồn năng lượng truyền thống nên các tổ chức tài chính, ngân hàng thường chưa sẵn sàng cho vay”, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định.

Ngoài ra, theo ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu có quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo và cơ chế giá điện năng lượng tái tạo hợp lý thì sẽ thu hút được rất nhiều nhà đầu tư.

Tin liên quan

Đọc tiếp