Sắp có tuyến đường sắt chạy thẳng đi châu Âu từ cả 3 miền Việt Nam

logistics Việt nAM
09:35 - 03/03/2022
Sắp có tuyến đường sắt chạy thẳng đi châu Âu từ cả 3 miền Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Theo Công ty Cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (VNR), đơn vị này sẽ tổ chức đoàn tàu chuyên container chạy thẳng từ Đà Nẵng đi châu Âu trong tháng 3/2022.

Đoàn tàu sắp tới sẽ gồm 23 container 40 feet, chạy từ Đà Nẵng đến Đông Anh (Hà Nội) bằng đường sắt khổ 1.000 mm. Sau khi chuyển toàn bộ container sang toa khổ 1.435 mm, đoàn tàu sẽ tiếp tục chạy đến ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng, làm thủ tục thông quan sang đường sắt Trung Quốc. Đoàn tàu sẽ kết nối vào đoàn tàu Á - Âu tại ga Trịnh Châu của Trung Quốc để đến điểm đích.

Đây là đoàn tàu này chuyên chở hàng nội thất xuất đi châu Âu của hãng IKEA. Hàng sẽ được trả tại nhiều thành phố như Liege (Bỉ), Hamburg (Đức), Melzo (Italia)... Hãng IKEA là một trong những khách hàng có khối lượng hàng từ Việt Nam đi châu Âu bằng đường sắt lớn nhất. Tính tới hiện tại, khối lượng hàng hóa xuất qua đường sắt của hãng vào khoảng 900 FEU (tương đương 1.800 TEU).

Từ tháng 3 năm nay, ngành Đường sắt sẽ mở các điểm gom hàng lớn trên cả ba miền Bắc – Trung – Nam để vận chuyển đi châu Âu gồm: Hà Nội, Đà Nẵng và Trảng Bom (Đồng Nai). Theo đó, hàng hoá không cần phải tập trung về Hà Nội để lập tàu liên vận quốc tế như trước nữa. Các đoàn tàu chuyên container liên vận quốc tế sẽ chạy thẳng từ 3 điểm gom hàng, tiết kiệm được thời gian và chi phí logistics cho khách hàng.

Hình thức vận chuyển chuyên tuyến trực tiếp từ Việt Nam đi châu Âu mới được ngành Đường sắt thiết lập vào tháng 7/2021 thay cho hình thức gom container về các ga tập kết tại Trung Quốc và nối vào các đoàn tàu Trung Quốc để đi đến điểm trả hàng.

Chuyến đầu tiên tổ chức chạy chuyên tuyến đã xuất phát từ Hà Nội (ga Yên Viên) đi châu Âu (Bỉ) vào ngày 20/7/2021. Cho tới nay, VNR vẫn duy trì khoảng 3 đoàn tàu chuyên container mỗi tuần xuất phát tại ga Yên Viên.

Hình thức tàu liên vận quốc tế này ngày càng hiệu quả, được nhiều khách hàng lựa chọn. Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nối tiếp đà tăng từ những tháng cuối năm 2021, hoạt động vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt trong hai tháng đầu năm nay vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt.

Riêng tháng 1/2022, đã có trên 6.000 tòa xe xuất nhập khẩu qua ga Đồng Đăng và Lào Cai.

Trong năm 2021 dù chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, hàng liên vận quốc tế, trong đó có hàng đi châu Âu vẫn tăng trưởng 2 con số. Cụ thể, vận tải liên vận quốc tế năm 2021 đạt gần 1,2 triệu tấn, tăng 34% so với năm trước. Trong đó hàng hóa qua ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) tăng tới 82%.

Đặc biệt, trong quý IV/2021, hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường sắt tăng mạnh so với cùng kỳ, riêng ga Đồng Đăng tăng 117% lượt toa xe qua lại.

Hiện nay, hàng hóa chủ yếu được vận chuyển qua tuyến đường sắt Việt Nam gồm hàng điện tử, dệt may, giầy da, hóa mỹ phẩm, thực phẩm đông lạnh, trái cây… Tuyến đường đa dạng tới nhiều quốc gia như Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan, Nga, Tajikistan, Ba Lan, Anh, Đức...

Ngoài ra, Đường sắt Việt Nam cũng đang tiếp nhận vận chuyển hàng từ Thái Lan, Campuchia… bằng đường bộ sang Việt Nam, sau đó vận chuyển bằng đường sắt từ Việt Nam đi các nước.

Các đoàn tàu chuyên tuyến xuất phát từ ga Yên Viên thường sẽ tới ga Almaty của Kazakhstan sau khoảng 12 – 14 ngày, đến ga Moscow của Nga trong 23 - 25 ngày và đến ga Duisburg (Đức) sau 25 - 26 ngày.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.