Năm 2022, Bộ GTVT bố trí 3.000 tỷ đồng để bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia

ĐƯỜNG SẮT Việt nAM
17:58 - 05/01/2022
Năm 2021, mặc dù việc ký hợp đồng đặt hàng thực hiện vốn bảo trì chậm, nhưng công tác bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ được thực hiện đúng kế hoạch và tiến độ, đảm bảo công tác chạy tàu.
Năm 2021, mặc dù việc ký hợp đồng đặt hàng thực hiện vốn bảo trì chậm, nhưng công tác bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ được thực hiện đúng kế hoạch và tiến độ, đảm bảo công tác chạy tàu.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký Quyết định số 2218/QĐ-BGTVT phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022. Theo đó, hạ tầng đường sắt Quốc gia được bố trí 3000 tỷ đồng để thực hiện công tác bảo trì trong năm 2022.

Theo quyết định này của Bộ GTVT, tổng kinh phí dành cho hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 tăng khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2021, trong đó chi cho nhiệm vụ bảo dưỡng thường xuyên là 2.694 tỷ đồng.

Cụ thể, tổng kinh phí dành cho hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 là 3.000 tỷ đồng, tăng khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2021; trong đó chi cho nhiệm vụ bảo dưỡng thường xuyên là 2.694 tỷ đồng, chi cho nhiệm vụ sửa chữa định kỳ, kiểm định, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2 và sửa chữa đột xuất là 260 tỷ đồng; chi phí dự phòng chưa phân bổ là 45,8 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể ủy quyền Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam sử dụng con dấu của bộ và thay mặt Bộ trưởng ký hợp đồng đặt hàng công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR); thời gian ủy quyền từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 28/2/2023 và ký hồ sơ quyết toán kinh phí, thanh lý hợp đồng đặt hàng bảo trì kế cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông Vận tải cũng giao Cục Đường sắt Việt Nam, VNR chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với khối lượng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; số liệu chính xác của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho bộ; chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định hiện hành, đảm bảo việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được thường xuyên, liên tục nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, an toàn chạy tàu.

Trước đó, đầu tháng 12/2021, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh sửa đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, trong đó, đề xuất cơ chế thực hiện vốn bảo trì hàng năm theo Luật Ngân sách.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất đề xuất Chính phủ giao Cục Đường sắt Việt Nam đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Với các công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2, kiểm định, quan trắc và các công tác khác, triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình, tránh trường hợp chậm triển khai thực hiện như các năm 2020-2021.

Tin liên quan

Đọc tiếp