Sau 8 tháng, dư nợ tín dụng vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng

TÍN DỤNG ĐBSCL
17:12 - 15/09/2023
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước).
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước).
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 15/9 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp cùng UBND TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của Vùng.

Thông tin tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022.

Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 535.000 tỷ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3.75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Dư nợ phục vụ mục đích trồng trọt đạt 19.050 tỷ đồng (chiếm 19%); phục vụ mục đích thu mua, tiêu thụ đạt trên 72.028 tỷ đồng (chiếm 70%); phục vụ mục đích chế biến, bảo quản đạt 11.485 tỷ đồng (chiếm 11%).

Một số địa phương có dư nợ lúa gạo lớn như tỉnh Long An (20.504 tỷ đồng, tăng 0,3%), TP. Cần Thơ (18.800 tỷ đồng, tăng 28%), Đồng Tháp (12.725 tỷ đồng, tăng 13%), (Kiên Giang 10.517 tỷ đồng, tăng 5,27%), Tiền Giang (9.402 tỷ đồng, tăng 6%).

Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản, lúa gạo

Tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản - là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể dư nợ tín dụng ngành thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến cuối tháng 8 năm 2023 đạt 128.525 tỷ đồng, tăng khoảng 8,5% so với 2022, cao hơn mức tăng chung toàn quốc 4% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%).

Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, qua theo dõi số thống kê qua các năm, dự kiến từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng đối với 2 ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do yếu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.

"Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính và NHNN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung", bà Giang chia sẻ tại hội nghị.

Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của khu vực ĐBSCL, bên cạnh các giải pháp của các Bộ, ngành, địa phương, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của từng địa phương và cả vùng ĐBSCL.

Tín dụng của ngân hàng sẽ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu).

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, ngành ngân hàng xác định nông nghiệp, nông thôn nói chung và lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất, chế biến, thu mua, tiêu thụ xuất khẩu lúa gạo, thủy sản nói riêng vẫn là những lĩnh vực được ưu tiên và ngành ngân hàng sẽ tập trung vốn để đầu tư.

Ngoài ra, cần hướng dòng vốn tín dụng vào các chương trình tín dụng xanh, tín dụng phục vụ xuất khẩu, tín dụng theo các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của khu vực theo hướng phát triển theo chiều sâu, bền vững.

Vì vậy, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng đặc thù, chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung; Chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP; Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Phía NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02.

Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vàng SJC chưa ‘nguội’

Vàng SJC chưa ‘nguội’

Giá vàng miếng đang niêm yết tại mốc 84 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn tròn trơn vẫn giữ ở mức cao gần 77 triệu đồng/lượng.
Vàng rời khỏi vùng giá kỷ lục

Vàng rời khỏi vùng giá kỷ lục

Giá vàng miếng SJC giảm nhanh hàng triệu đồng xuống dưới mốc 84 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn hôm nay cũng quay đầu xuống dưới 77 triệu đồng/lượng.
Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN

Vàng SJC, vàng nhẫn cao chót vót

Sáng 9/4, giá vàng tiếp tục tăng phi mã. Hiện các doanh nghiệp đang niêm yết vàng SJC ở mốc 82,42 triệu đồng/lượng, trong khi đó, vàng nhẫn cũng neo tại đỉnh lịch sử trên 75 triệu đồng/lượng.