Sẽ có gói tín dụng khoảng 20-30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa

văn hóa Việt nAM
21:33 - 22/12/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Khẳng định công nghiệp văn hóa là ngành có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi, trước mắt khoảng 20-30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp này.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ngày 22/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét dù có tiềm năng lớn nhưng công nghiệp văn hóa vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của đất nước, nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa vẫn chưa tương xứng.

Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn hạn chế, thiếu những sản phẩm, tác phẩm lớn, phản ánh được hơi thở cuộc sống, một số tác phẩm có biểu hiện "lệch chuẩn", dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế, dịch bệnh…

Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, cả về số lượng và chất lượng, thiếu chính sách đãi ngộ phù hợp.

Nhiều lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa chưa chuẩn hóa được phương pháp thống kê, thiếu hệ thống theo dõi, nên rất khó đánh giá tình hình phát triển; thể chế, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa chưa theo kịp thực tiễn.

Nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải, việc huy động các nguồn lực ngoài nhà nước, phương thức đối tác công tư (PPP) chưa đạt yêu cầu.

Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu chính sách tiếp cận tín dụng cho cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp văn hóa, nhất là những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi, trước mắt 20.000 - 30.000 tỷ đồng cho phát triển công nghiệp văn hóa", Thủ tướng nêu.

Ngoài vốn, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công tư, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp lĩnh vực này.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan, địa phương liên quan phải tập trung tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý Nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp, bình đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tế để xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp văn hóa; lựa chọn lĩnh vực công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững.

Đối với các hiệp hội, Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động, làm giàu chính đáng.

Với cộng đồng các doanh nghiệp cần phát huy tính năng động, sáng tạo, đổi mới mô hình kinh doanh gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ, tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tin liên quan

Đọc tiếp