SSI giảm kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2022 tại Techcombank

NGÂN HÀNG Việt nAM
15:45 - 26/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo SSI, tăng trưởng tín dụng và huy động tại Techcombank sẽ lần lượt giảm so với các giả định trước đây là 22,7% và 20,9%, kéo theo lợi nhuận trước thuế tại nhà băng cũng sẽ giảm còn 27.400 tỷ đồng so với giả định 27.900 tỷ đồng trước đó của các chuyên gia.

Tại báo cáo cập nhật liên quan đến Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (HoSE: TCB), chứng khoán SSI Research cho biết, trong bối cảnh ngân hàng đang chờ được nới hạn mức tín dụng và áp lực củng cố nguồn vốn dài hạn vẫn còn, các chuyên gia dự báo biên lãi thuần (NIM) tại nhà băng sẽ chịu áp lực trong quý III/2022 nhưng có thể sẽ phục hồi phần nào vào quý IV/2022.

Trước đó, tại quý II/2022, NIM của TCB là 5,48% so với giả định của SSI cho NIM cả năm 2022 là 5,55%.

Dịch vụ thẻ đóng góp kịp thời vào doanh thu tại Techcombank trong quý II/2022

Trong quý II/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có phần ảm đạm, doanh thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư tại Techcombank đã giảm xuống 703 tỷ đồng (giảm 33% so với quý trước và giảm 23% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, doanh thu dịch vụ thanh toán bất ngờ tăng lên 1.400 tỷ đồng (tăng 24% so với quý trước và 42% so với cùng kỳ), chủ yếu do sự tăng trưởng của dịch vụ thẻ. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ thẻ đạt 626 tỷ đồng so với mức bình quân chỉ khoảng hơn 230 tỷ đồng trong 9 quý vừa qua.

Bên cạnh đó, SSI cũng nhận thấy rằng tỷ suất lợi nhuận của hoạt động thanh toán đã tăng đáng kể trong quý II/2022 tại nhà băng. Do đó, theo quan điểm của chứng khoán SSI, ngoài giá trị giao dịch tăng trưởng mạnh, điều này còn có thể được giải thích bởi các yếu tố: thay đổi trong chính sách của thẻ tín dụng Signature Cashback tại TCB từ hoàn tiền không giới hạn thành hoàn tiền tối đa 5 triệu đồng/tháng, bắt đầu từ tháng 3/2022; và có thể có một khoản thu nhập một lần từ các dịch vụ thẻ.

Ngoài doanh thu từ dịch vụ thẻ, mảng bancassurance cũng là một động lực khác hỗ trợ tăng trưởng doanh thu phí, đạt mức 399 tỷ đồng (tăng 83% so với quý trước và 68% so với cùng kỳ), đưa TCB đứng vị trí thứ 5 về doanh thu phí bảo hiểm thông qua kênh bancassurance trong 6 tháng đầu năm 2022 (sau MBB, ACB, STB và VIB).

Nhìn chung, tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng trưởng ổn định ở mức 20% so với cùng kỳ, do tăng trưởng thu nhập từ hoạt động dịch vụ (tăng 43% so với cùng kỳ), tăng trưởng ổn định của thu nhập lãi thuần (tăng 18% so với cùng kỳ) và thu từ nợ đã xử lý (tăng 96% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng tăng trưởng thu nhập từ hoạt động dịch vụ sẽ giảm tốc trong các quý tiếp theo nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 153 vẫn chưa được hoàn thiện.

Ngoài ra, với việc tiếp tục đầu tư vào số hóa, chi phí đã tăng vọt 62% so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng & quản lý cũng tăng 64% so với cùng kỳ do ngân hàng tích cực triển khai các chiến dịch quảng bá. Tuy nhiên, chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) vẫn được kiểm soát tốt ở mức 30% và là một trong những ngân hàng có hệ số CIR thấp nhất trong các ngân hàng mà công ty đã nghiên cứu.

Ước tính lợi nhuận năm 2022 - 2023

Chứng khoán SSI ước tính, lợi nhuận trước thuế tại Techcombank năm 2022 sẽ đạt 27.400 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ nếu tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt đạt 16,6% và 12,8%. Tuy nhiên mức lợi nhuận này vẫn giảm so với dự định trước đây của các chuyên gia là 27.900 tỷ đồng.

Đồng thời các chuyên gia cũng điều chỉnh giảm tăng trưởng phí dịch vụ ngân hàng đầu tư là 0%, so với giả định trước đây là 20% do tác động của vụ việc Tân Hoàng Minh và nội dung Dự thảo sửa đổi Nghị định 153 (Dự thảo 5) đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp nghiêm trọng hơn dự đoán trước đây của các chuyên gia.

Bên cạnh đó, chi phí tín dụng cũng giảm còn 0,74%, so với giả định trước đây là 0,85% do rủi ro liên quan đến nợ tái cơ cấu Covid-19 được kiểm, và rủi ro lĩnh vực bất động sản chỉ bắt đầu hiện hữu từ năm 2023.

Đối với năm 2023, SSI dự phóng, Techcombank sẽ đạt lợi nhuận trước thuế là 31.800 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ). Tăng trưởng chậm hơn so với năm 2022 xuất phát từ việc NIM giảm 0,05% và tăng cường trích lập dự phòng (tăng 5% so với cùng kỳ).

Trong đó, TCB được hưởng lợi từ nguồn vốn liên ngân hàng chi phí thấp và tỷ lệ CASA được cải thiện (từ 34,5% vào năm 2019 lên 50,5% vào năm 2021). Tuy nhiên, dù tỷ lệ CASA vẫn có thể tăng lên, nhưng tốc độ tăng trưởng có thể sẽ giảm vào năm 2022, do sự đảo ngược trong xu hướng lãi suất huy động.

Với định hướng đẩy mạnh hoạt động cho vay mua nhà, TCB có tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn tương đối cao so với các ngân hàng khác, và sẽ phải giảm tỷ lệ này vào năm 2023 để tuân thủ mức trần quy định là 30% từ 1/10/2023.

Do đó, tổng chi phí huy động sẽ cao hơn một chút vào năm 2023. Trong khi đó, lãi suất cho vay mua nhà trong vòng 12 tháng sau thời gian ưu đãi sẽ được đảm bảo giữ ở mức tối đa là 9,5% đối với một số dự án nhất định.

Trước đó, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng đưa ra dự báo về lợi nhuận năm 2022 tại Techcombank, tuy nhiên mức giả định đưa ra là lợi nhuận sau thuế của nhà băng, theo đó các chuyên gia kỳ vọng đạt 22.352 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) trong hai quý đầu năm tại ngân hàng tăng 5,2 điểm % lên mức 78,4% do nguồn vốn huy động tăng trưởng thấp. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của ngân giảm nhẹ về mức 32%, vẫn thấp hơn mức quy định 37% cho giai đoạn 2021 - 2022 theo Thông tư 22.

Trong giai đoạn 2022-2023, quy định về tỷ lệ này sẽ giảm xuống 34% và 30% trong giai đoạn 2023 – 2024, vì vậy đó ngân hàng cần có kế hoạch đẩy mạnh phát triển nguồn vốn trung và dài hạn, KBSV nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.