SSI gọi tên những cổ phiếu phòng thủ tiềm năng trong bối cảnh lạm phát

VINAMILK SABECO
13:34 - 19/07/2022
Cổ phiếu thực phẩm được kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Cổ phiếu thực phẩm được kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
0:00 / 0:00
0:00
SSI cho rằng cổ phiếu phòng thủ là lựa chọn đầu tư hợp lý trong thời kỳ lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong đó tiềm năng là các công ty có thể đạt được sự phục hồi về doanh thu cũng như cải thiện tỷ suất lợi nhuận như SAB, VNM, QNS, MSN (MCH).

Nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng đến biên lợi nhuận

Trong báo cáo triển vọng ngành Thực phẩm và đồ uống nửa cuối năm 2022 và 2023, bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, các công ty F&B (thực phẩm và đồ uống) niêm yết đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt là 4,5% và 38,7% trong quý 1/2022.

Trong khi doanh thu của các công ty thực phẩm đóng gói (MCH, KDC, PAN, LAF, AGM, SGC,…) và các công ty bia (SAB, HAD và BSL) tăng trưởng hai con số, thì doanh thu của các công ty F&B khác chỉ cải thiện một chút. Điều này cho thấy nhu cầu vẫn còn yếu, đặc biệt là nhu cầu của nhóm thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi đại dịch năm ngoái.

Các công ty chăn nuôi & chế biến thịt ghi nhận kết quả kém khả quan, với tỷ suất lợi nhuận giảm do chi phí tăng trong quý 1. Trong khi doanh thu thuần của DBC (Tập đoàn Dabaco) tăng trưởng 13% so với cùng kỳ, lợi nhuận ròng lại giảm 98% so với cùng kỳ do tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 25,4% xuống 9,0%. Sự sụt giảm này chủ yếu là do chi phí chăn nuôi tăng cao, do giá thức ăn chăn nuôi cao hơn.

Mảng chăn nuôi của HPG (Tập đoàn Hoà Phát) cũng bị lỗ trong quý 1/2022, trong khi doanh thu giảm 28% so với cùng kỳ. BAF (Nông nghiệp BAF Việt Nam) công bố doanh thu thuần và lợi nhuận ròng giảm lần lượt là 38% và 6% so với cùng kỳ. Doanh thu MML (Masan MEATLife) trong quý 1/2022 đạt 931 tỷ đồng (giảm 5,4% so với cùng kỳ), do doanh thu từ trang trại lợn giảm (giảm 41% so với cùng kỳ), vì giá lợn hơi giảm mạnh.

Giá ngô và giá lúa mỳ tăng mạnh trong quý 1/2022. SSI

Giá ngô và giá lúa mỳ tăng mạnh trong quý 1/2022. SSI

SSI cho rằng, các nguyên liệu đầu vào chính của các công ty F&B đều tăng so với cùng kỳ như sữa bột (tăng 30-40% so với cùng kỳ), đường (tăng 30% so với cùng kỳ), đậu tương (tăng 20% so với cùng kỳ) và dầu cọ (tăng 44% so với cùng kỳ). Giá ngô, lúa mì và đậu tương đã tăng lần lượt 26%, 18%, 25% so với đầu năm. Chi phí thức ăn chăn nuôi đã tăng 20% so với đầu năm, không chỉ ảnh hưởng đến các trang trại hộ gia đình mà còn ảnh hưởng đến các trang trại thương mại, vì chi phí này chiếm tới 75% tổng chi phí chăn nuôi.

Mặc dù sự tăng lên của chi phí đầu vào chưa được phản ánh hoàn toàn vào CPI Việt Nam nhưng người tiêu dùng đã cảm nhận được sức nóng của giá cả tăng lên. Các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống đã tăng giá bán bình quân 2% -10%, bao gồm: VNM (Vinamilk), SAB (Sabeco), MCH (Hàng tiêu dùng Masan), QNS (Đường Quảng Ngãi)… để chuyển một phần chi phí sang người tiêu dùng cuối cùng. Nhưng điều này vẫn chưa đủ để bảo vệ biên lợi nhuận gộp.

Như VNM, tỷ suất lợi nhuận gộp trong quý 1 là 40,5%, mức thấp nhất kể từ quý 2/2015. SSI cho rằng tỷ suất lợi nhuận gộp của VNM sẽ tiếp tục giảm trong quý 2, mặc dù giá bán bình quân đã tăng 5% trong giai đọan cuối tháng 2 đến tháng 3. Áp lực này có thể được giảm bớt từ quý 4, khi doanh thu phục hồi mạnh hơn và chi phí nguyên liệu đầu vào giảm.

Đối với SAB, tỷ suất lợi nhuận gộp vẫn ổn định do công ty đã ký hợp đồng mua dài hạn cho các nguyên vật liệu chính và giá bán bình quân đã tăng thêm gần 10% trong ba quý qua.

Biên lợi nhuận của MCH trong quý 1/2022 cải thiện 100 điểm cơ bản so với cùng kỳ do doanh thu tăng trưởng hai con số đối với các phân khúc sản phẩm chính (thực phẩm tiện lợi, gia vị và đồ uống). MCH dự báo tỷ suất lợi nhuận sẽ chịu nhiều áp lực hơn trong quý 2/2022 nhưng vẫn duy trì ở mức trên 40% trong năm 2022 (tương tự như năm 2021) do nguồn nguyên liệu đầu vào được kiểm soát tốt.

Tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng sữa đậu nành trong quý 1/2022 của QNS là 40,1%, -170 bps so với quý 1/2021 do giá đậu nành và đường tăng cao.

Áp lực giá vốn sẽ giảm trong thời gian tới

Trước áp lực lạm phát và xung đột địa chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, SSI dự đoán xu hướng giá cả của các loại hàng hoá chủ chốt trong ngành thực phẩm & đồ uống như sau:

Sữa: Theo tổ chức thương mại sữa toàn cầu, giá sữa bột nguyên kem (WMP), sữa bột tách kem (SMP) và chất béo sữa dạng khan (AMF) có sự điều chỉnh bắt đầu từ tháng 3 năm 2022. Kết hợp với việc tăng giá bán bình quân trong 6 tháng đầu năm, tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty sữa có thể sẽ cải thiện từ quý 4.

Giá nguyên liệu sữa đã bắt đầu điều chỉnh vào tháng 4. SSI tổng hợp từ Tổ chức thương mại sữa toàn cầu

Giá nguyên liệu sữa đã bắt đầu điều chỉnh vào tháng 4. SSI tổng hợp từ Tổ chức thương mại sữa toàn cầu

Lúa mì và ngô: Xung đột Nga-Ukraine kéo dài đã đẩy giá lúa mì và ngô lên mức cao mới. Vào năm 2021, Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, chiếm hơn 18% tổng lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu trong khi Ukraine chiếm 8%. Trong khi Nga không phải là nước đóng vai trò lớn về xuất khẩu ngô, thì Ukraine lại chiếm tới 11% lượng ngô xuất khẩu toàn cầu vào năm 2021 (chỉ xếp sau Hoa Kỳ, Brazil và Argentina).

Gần đây, giá lúa mì và ngô đã điều chỉnh lần lượt 37% và 25% so với mức đỉnh. Theo đó, áp lực về tỷ suất lợi nhuận của các công ty chăn nuôi như MML, MLS, DBC sẽ giảm bớt trong thời gian tới.

Giá đường: Tính đến tháng 6 năm 2022, giá đường toàn cầu đạt 0,185 USD/pound (tăng 20% so với đầu năm và 7% so với cùng kỳ). Tổ chức mía đường quốc tế ước tính tổng sản lượng toàn cầu trong niên vụ 2021/2022 là 170,5 triệu tấn, phục hồi từ mức thấp trong niên vụ 2020/2021 là 169 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu đường ước tính đạt 172,4 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với niên vụ 2020/2021. Thâm hụt nguồn cung sẽ tiếp tục hỗ trợ giá đường trong thời gian còn lại của năm 2022.

Tại Việt Nam, giá đường tinh luyện trung bình nằm trong khoảng 16.500-17.500 đồng/kg trong 6 tháng đầu năm, không đổi so với cùng kỳ. Giá đường trong nước đang chịu áp lực do lượng đường nhập lậu và đường Thái Lan “quá cảnh” qua các nước ASEAN rồi vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022. Kết luận điều tra lẩn trốn thuế đối với đường Thái Lan sẽ được công bố vào ngày 21/7. Nếu kết quả có lợi cho các công ty mía đường Việt Nam, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ lâu dài cho ngành.

Giá lợn hơi: Dù mở cửa trở lại nhưng nhu cầu chưa cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ. Dữ liệu của OECD cho thấy tiêu thụ thịt lợn trên đầu người ở Việt Nam đã giảm so với trước đại dịch, từ 31,4kg/người vào năm 2018 dự báo xuống còn 26,8kg/người vào năm 2022. Trong khi đó, với tổng lượng lợn hơi 28,2 triệu tấn dự kiến sản xuất được 4 triệu tấn thịt trong năm nay, nguồn cung khó có thể thiếu hụt.

Dự báo giá lợn hơi sẽ không tăng đột biến kể cả trong dịp Tết nhưng giá lợn hơi có thể đạt từ 65.000 – 70.000 nghìn đồng/kg trong nửa cuối năm 2022 (tăng 30% so với cùng kỳ do nền so sánh thấp trong nửa cuối năm 2021).

Về phía nguồn cung, giá nguyên liệu đầu vào như ngô, lúa mì và đậu tương đã giảm lần lượt 7%, 30% và 8% so với mức đỉnh. Chi phí thức ăn chăn nuôi nhiều khả năng đi ngang hoặc bắt đầu giảm trong quý 4 trong khi giá lợn sẽ tăng chậm cho đến cuối năm sẽ giúp các công ty nông nghiệp bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2022.

Những cổ phiếu tiềm năng

Trong khoảng thời gian 1 năm tới, SSI cho rằng cổ phiếu phòng thủ là lựa chọn đầu tư hợp lý trong thời kỳ lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong đó, các doanh nghiệp có thể đạt được sự phục hổi về doanh thu cũng như cải thiện tỷ suất lợi nhuận, bao gồm SAB, VNM, QNS, MSN (MCH).

VNM: Vốn đã bị giảm định giá trong thời gian dài, trong khi công ty có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 11% vào năm 2023 sau hai năm sụt giảm lợi nhuận (2020-2021), nhờ tăng trưởng doanh thu ở mức một con số và tỷ suất lợi nhuận cải thiện do giá sữa bột có xu hướng điều chỉnh giảm.

QNS là một cổ phiếu trong mảng tiêu dùng với định giá tương đối rẻ và cổ tức tiền mặt ổn định. Nếu kết quả của cuộc điều tra về việc lẩn tránh thuế đường của Thái Lan được công bố vào ngày 21 tháng 7 có lợi cho các công ty mía đường Việt Nam sẽ đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ tích cực lâu dài cho ngành.

SAB trong 6 tháng đầu năm 2023 được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn cho cả doanh thu và lợi nhuận so với 6 tháng đầu năm 2022, nhờ việc mở lại hoàn toàn dịch vụ khách sạn, nhà hàng, các hoạt động vui chơi giải trí, và lượng khách du lịch nước ngoài tăng lên. Trong bối cảnh áp lực lạm phát và thu nhập giảm, SAB có thể được hưởng lợi do có tỷ trọng bia dành cho phân khúc phổ thông cao. Về mặt chi phí, chi phí hàng hóa (mạch nha, hoa bia) giảm sẽ giúp các công ty bia tăng tỷ suất lợi nhuận.

Ngoài ra, SSI cũng khuyến nghị theo dõi PAN (Tập đoàn PAN) khi có vị thế tốt để hưởng lợi từ chủ đề an ninh lương thực, và DBC khi giá thức ăn chăn nuôi sẽ điều chỉnh giảm trong thời gian tới và giá lợn hơi trong nước tăng dần.

Kết quả kinh doanh quý 1/2022 của các doanh nghiệp thực phẩm & đồ uống trên sàn. SSI

Kết quả kinh doanh quý 1/2022 của các doanh nghiệp thực phẩm & đồ uống trên sàn. SSI

Cổ phiếu phòng thủ là các cổ phiếu có mô hình kinh doanh ít chịu ảnh hưởng từ chu kỳ kinh tế, dù kinh tế đi lên hay đi xuống thì doanh nghiệp vẫn có thu nhập ổn định, thường là các ngành điện, nước, hàng tiêu dùng, dược phẩm, y tế và bảo hiểm…

Ba chỉ số giúp xác định cổ phiếu phòng thủ:

Cổ tức: Doanh nghiệp phát hành cổ phiếu phòng thủ sẽ chi trả cổ tức đều qua hàng năm. Trong trường hợp không trả cổ tức bằng tiền mặt cũng sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu. Ngược lại, nếu trả cổ tức đồng thời bằng tiền mặt và cổ phiếu, thì tiền mặt chiếm phần nhiều hơn.

Chỉ số BETA (hệ số rủi ro): Là chỉ số nói lên sự ổn định, ít biến đổi của cổ phiếu. Với cổ phiếu phòng thủ bắt buộc phải có chỉ số BETA < 1.

Chỉ số P/E: Là chỉ số đánh giá giá thị trường với thu nhập trên một cổ phiếu. Vì vậy, đây là một trong những chỉ số phù hợp dùng để định giá cổ phiếu. Với nhóm cổ phiếu phòng thủ, chỉ số P/E thường thấp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.