SSI: Tăng trưởng tín dụng tại MB có thể đạt 20% năm 2022

NGÂN HÀNG Việt nAM
19:23 - 10/08/2022
0:00 / 0:00
0:00

Trong khi Chứng khoán ACBS từng nhận định tăng trưởng tín dụng tại MB sẽ đạt 22% thì SSI Research tin rằng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này sẽ là 20% trong kịch bản cơ sở, do quan điểm thận trọng về lạm phát và tăng trưởng tín dụng của NHNN.

CASA quý II/2022 tăng trưởng so với quý trước

Chứng khoán SSI vừa có cập nhật liên quan đến Ngân hàng TMCP Quân đội Việt Nam (HoSE: MBB), cho biết MBB là ngân hàng có tỷ lệ CASA cải thiện so với quý trước do tiền gửi doanh nghiệp phục hồi.

Trong quý II/2022, CASA bán lẻ của MBB đã giảm nhẹ so với quý trước dù MBB vẫn đang thu hút hơn 3 triệu khách hàng cá nhân mới trong nửa đầu năm 2022, tuy nhiên CASA của khách hàng doanh nghiệp đã phục hồi 7% so với quý 1.

Điều này giúp CASA cải thiện 71 điểm cơ bản so với quý trước, lên mức 45,5%. "Kết quả này đi ngược với xu hướng chung của toàn ngành, khi CASA tại các ngân hàng khác trong phạm vi nghiên cứu của chúng tôi đều giảm," SSI nhận định.

Trong hai năm trở lại đây, CASA bán lẻ của MBB dường như tăng lên là nhờ vào việc ngân hàng tích cực thu hút khách hàng mới, theo đó giá trị giao dịch tăng lên. Các chuyên gia SSI cho rằng, điều này có thể tiếp tục được duy trì trong 1-2 năm tới, vì MBB vẫn đặt mục tiêu thu hút 2 triệu khách hàng mới mỗi năm.

Tính đến cuối quý II/2022, MBB có 16 triệu khách hàng cá nhân và đặt mục tiêu sẽ đạt 20 đến 25 triệu khách hàng trong vòng 5 năm tới. SSI tin rằng chất lượng khách hàng cũng như tần suất giao dịch (chứ không chỉ là giá trị giao dịch) của khách hàng tại MBB là những yếu tố quan trọng hơn trong việc duy trì cơ sở CASA vững chắc trong dài hạn.

MBB đã sử dụng hết hạn mức room tín dụng, muốn được nới room

Về tăng trưởng tín dụng, MBB vẫn đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng bổ sung. Với quan điểm thận trọng hiện tại về lạm phát và tăng trưởng tín dụng của NHNN, SSI đưa ra giả định tăng trưởng tín dụng 20% so với cùng kỳ trong kịch bản cơ sở. Việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, nếu có, có thể sẽ được thực hiện vào cuối năm. Điều này có thể sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2023.

Trước đó, Chứng khoán ACB (ACBS) cũng từng đưa ra dự báo về việc tăng trưởng tín dụng tại MB Bank, ACBS cho rằng việc nhận chuyển giao OceanBank có thể sẽ giúp MBB được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành từ 1,5-2 lần trong 3-5 năm tới.

Các chuyên gia kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng của MB Bank sẽ ở mức 20-25%/năm để cân đối tốc độ tăng trưởng và duy trì tỷ lệ an toàn vốn 1 cách hợp lý. Qua đó, ACBS dự báo, tăng trưởng tín dụng tại MBB sẽ đạt 22%, cao hơn so với mức tăng trưởng của Ngân hàng Nhà nước là 14%.

Về dư nợ tín dụng, SSI cho rằng, dư nợ tại MB nhìn chung không thay đổi so với quý trước (giảm 0,2% so với quý trước) do ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng vào tháng 3/2022. Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân (tại ngân hàng mẹ) và cho vay tài chính tiêu dùng (tại MB Shinsei) lần lượt tăng 1.4000 tỷ đồng (tăng 0,8% so với quý trước) và 1.2000 tỷ đồng (tăng 6,6% so với quý trước). Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng tổ chức giảm 0,8% so với quý trước.

Theo đó, cơ cấu dư nợ tín dụng vẫn tương đối ổn định, tỷ trọng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, cho vay tài chính tiêu dùng và cho vay khách hàng doanh nghiệp lần lượt chiếm 44%, 4,7% và 51,3% tổng dư nợ.

Về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, Chứng khoán SSI nhận định, MBB có thể đang chấp nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp hơn do kỳ vọng về khả năng phục hồi của nợ tái cơ cấu. SSI nhận thấy nợ xấu tại ngân hàng mẹ đã liên tục tăng trong hai quý liên tiếp, nhưng MBB không tăng trích lập dự phòng, cũng như không xóa nợ xấu trong nửa đầu năm 2022.

Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm xuống còn 271% (từ 349% vào cuối năm 2021). Điều này có thể là do kỳ vọng về sự hồi phục của các khoản vay tái cơ cấu.

Số dư nợ tái cơ cấu đã giảm 1.500 tỷ đồng, tương đương giảm 33% so với quý trước tính đến cuối quý II/2022, trong khi dư nợ nhóm 4 và nhóm 5 chỉ tăng 353 tỷ đồng - cho thấy tỷ lệ thu hồi đạt ít nhất 75%.

Ước tính lợi nhuận, SSI cho rằng, lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2022 của MBB sẽ đạt khoảng 11.900 tỷ đồng (tăng 49% so với cùng kỳ), đạt 53% ước tính cả năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy một số áp lực về huy động vốn dài hạn tại ngân hàng mẹ và chi phí dự phòng tại MCredit trong quý III/2022, vậy nên SSI vẫn duy trì ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 ở mức 22.300 tỷ đồng (tăng 35% so với cùng kỳ).

Trong năm 2023, SSI dự phóng MB Bank sẽ đạt lợi nhuận trước thuế là 26.600 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ). Tăng trưởng chậm hơn so với năm 2022 là do chênh lệch trích lập dự phòng (năm 2022 chi phí dự phòng dự báo giảm 22% so với cùng kỳ trong khi năm 2023 được dự báo tăng 28% so với cùng kỳ).

Trước đó, Chứng khoán ACBS dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của MBB sẽ đạt 22.607 tỷ đồng, tăng trưởng 36,8% so với năm trước và cao hơn 11,2% so với mục tiêu của ban lãnh đạo.

Các chuyên gia ACBS nhận định, tổng thu nhập của MBB năm 2022 sẽ tăng trưởng 18,6% so với 2021, với thu nhập lãi thuần năm 2022 của MBB tăng trưởng 27,3% so với năm trước. Đối với khoản thu nhập ngoài lãi, chuyên gia kỳ vọng sẽ giảm nhẹ 2,4% so với năm 2021 do thu nhập từ hoạt động mua bán chứng khoán dự báo sẽ kém khả quan do lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng lên.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.