STB ngược dòng bứt phá, khối ngoại trở lại mua ròng mạnh HPG

HPG STB
16:14 - 09/08/2023
Giao dịch nhóm vốn hóa lớn phiên 9/8.
Giao dịch nhóm vốn hóa lớn phiên 9/8.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index có phiên điều chỉnh sâu do áp lực bán từ nhóm vốn hóa lớn, chỉ có hai bluechip ngược dòng là HPG và STB.

Kết phiên 9/8, chỉ số sàn HoSE đóng cửa ở mốc 1.233,99 điểm, giảm hơn 8 điểm so với kết phiên trước. HNX-Index giảm 0,19 điểm còn UPCoM vẫn tăng 0,16 điểm. Điều này cho thấy áp lực bán diễn ra mạnh ở nhóm vốn hóa lớn.

Thanh khoản thị trường vẫn giữ ở mức tỷ USD, với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt hơn 24.700 tỷ đồng, riêng kênh khớp lệnh là hơn 22.500 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm gần 2.800 tỷ đồng và mua ròng hơn 300 tỷ đồng.

Dòng tiền nước ngoài ưu tiên gom vào cổ phiếu đầu ngành thép - HPG, với giá trị mua ròng đạt trên 250 tỷ đồng. MSN cũng được mua ròng trên 150 tỷ đồng. Tiếp theo là SGN 97 tỷ đồng, MWG 63 tỷ đồng, VIC, CTG trên 40 tỷ đồng, BID 33 tỷ đồng…

Ngược lại, VHM SSI bị bán ròng mạnh nhất, với giá trị trên 100 tỷ đồng. VRE, FRT, VCB, VCI bị bán ròng hơn 20 tỷ đồng.

Không khi nhận được lực cầu mạnh của khối ngoại, HPG còn thu hút dòng tiền nội giúp mã trở thành 1 trong 2 bluechip hiếm hoi còn giữ được sắc xanh. Với mức tăng 2,2%, cổ phiếu của Hòa Phát về lại mức giá 27.800 đồng. Từ đầu tháng 7 đến nay, mã gần như đi ngang ở vùng giá này khi sự hồi phục lợi nhuận trong quý 2/2023 dường như đã phản ánh hết trong giai đoạn tăng nóng trước đó.

Cổ phiếu còn lại trong rổ VN30 giữ được sắc xanh là STB. Mã ngược dòng tăng bứt phá 4,7% lên giá 31.200 đồng, cao nhất kể từ tháng 4/2022. Đây cũng là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản thị trường với 37,8 triệu đơn vị được giao dịch. Nếu tính từ giai đoạn VN-Index chạm đáy tháng 11/2022, STB đã tăng gấp đôi giá trị.

Ở chiều giảm, VHM là gánh nặng nhất cho chỉ số khi giảm 3,5%. Nhiều mã giảm 1-2% như VNM, VJC, VIC, VIB, SSI, MSN, GVR…

Áp lực giảm điểm đến từ nhóm vốn hóa lớn nên thị trường vẫn ghi nhận số mã tăng cao hơn số mã giảm. Có tới 65 mã tăng trần, chủ yếu là các mã nhỏ như PXL, SJS, BOT, CMS, APH, NAF, LMH, JVC… Sự phân hóa này diễn ra rõ nét nhất ở nhóm bất động sản. Trong khi VHM, VRE, NVL, VIC, DIG, PDR, KBC, CEO, HQC… giảm giá thì rất nhiều mã vẫn kết phiên trong sắc xanh, như DXG, HDC, BCG, TCH, TCD, HDG, KDH, KHG, DXS…

Tương tự tại nhóm chứng khoán, SSI giảm 1,7%, VND giảm 0,5%. VCI, VDS, SHS, MBS, HCM, CTS, BSI… cũng giảm giá. Ngược lại, APG vẫn tăng mạnh 5,8%, HAC tăng 5,2%, TVB, VFS, VIG tăng hơn 2%.

Nhóm ngân hàng kém tích cực hơn khi chỉ có 3 mã còn giữ được sắc xanh là STB, EIB và PGB. Giảm mạnh nhất là SGB với tỷ lệ 5,6%. Còn lại các mã điều chỉnh với biên độ không lớn.

Cổ phiếu đáng chú ý hôm nay là AGM của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang, giảm sàn đột ngột từ mức giá trần. Từ ngày 20/7 đến nay, cổ phiếu này tăng “bốc đầu” từ vùng giá 6.000 đồng lên trên 12.000 đồng, với hơn 10 phiên tăng trần liên tiếp.

Theo văn bản giải trình của AGM, hiện nay thị trường lúa gạo thế giới và Việt Nam vẫn đang tiếp tục biến động tăng giá do tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine và ảnh hưởng của tình trạng thời tiết El Nino. Bên cạnh đó, sau Ấn Độ thì Nga và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng đã cấm xuất khẩu gạo làm giá lương thực tăng vọt.

Angimex cho rằng giá cổ phiếu AGM tăng trần 10 phiên liên tiếp là do cung cầu trên thị trường chứng khoán. Các quyết định của nhà đầu tư đối với cổ phiếu AGM nằm ngoài tầm kiểm soát của Angimex, và Angimex không có sự tác động nào đến giá giao dịch của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Tin liên quan

Đọc tiếp