Tập đoàn FLC nợ thuế hàng trăm tỷ đồng, bị ngừng sử dụng hoá đơn

flc THUẾ
12:38 - 09/01/2024
FLC nợ số tiền thuế lớn, bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn.
FLC nợ số tiền thuế lớn, bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn.
0:00 / 0:00
0:00
Sức khỏe tài chính của FLC hiện vẫn là một ẩn số bởi công ty đã không công bố báo cáo tài chính từ cuối năm 2022.

Theo công bố thông tin trên website doanh nghiệp, CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) vừa nhận quyết định của Cục thuế thành phố Hà Nội về việc cưỡng chế thuế do có số tiền quá hạn nộp. Tổng số tiền bị cưỡng chế xấp xỉ 90 tỷ đồng. Trong số này có khoảng 61 tỷ đồng là thuế thu nhập doanh nghiệp, 14 tỷ đồng là thuế thu nhập cá nhân. Phần còn lại chủ yếu là tiền chậm nộp.

Cục thuế thành phố Hà Nội sẽ cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Tập đoàn FLC tại các ngân hàng. Trong trường hợp tài khoản còn ít hơn số tiền cưỡng chế, các ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi để trích tiếp khi những tài khoản này phát sinh giao dịch có.

Đồng thời, FLC cũng thông báo nhận được quyết định của Cục thuế thành phố Hà Nội về việc điều chỉnh quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn. Theo đó, FLC bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn để thi hành thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp của Cục thuế thành phố Hà Nội, Chi cục thuế TP Hạ Long (Quảng Ninh), Chi cục thuế khu vực thành phố Sầm Sơn- Quảng Xương (Thanh Hoá), Cục thuế tỉnh Quảng Bình, Ban quản lý khu kinh tế thành phố Quy Nhơn.

Tổng số tiền FLC quá hạn nộp tại các cơ quan trên, phải thực hiện cưỡng chế theo quy định là 678 tỷ đồng, tăng hơn 87 tỷ đồng so với quyết định cưỡng chế ban hành từ ngày 14/7/2023. Trước đó, ngày 14/7/2023, FLC bị cưỡng chế 590,8 tỷ đồng do không chấp hành nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo các thông báo đã được gửi.

Sức khỏe tài chính của FLC hiện vẫn là một ẩn số bởi công ty đã không công bố báo cáo tài chính từ cuối năm 2022. Theo báo cáo tài chính gần nhất được công bố vào cuối quý 3/2022, công ty có tổng tài sản 36.216 tỷ đồng và nợ phải trả hơn 28.270 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm đó là 7.944 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2.086 tỷ đồng.

Việc không công bố báo cáo tài chính khiến cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vào giữa tháng 2/2023. Cổ phiếu này chuyển sang đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM sau đó nửa tháng và được Sở Giao dịch Hà Nội (HNX) chấp thuận. Tuy nhiên, ngay sau thông báo chấp thuận, HNX ra thêm quyết định đình chỉ giao dịch cổ phiếu do doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng quy định công bố thông tin.

Theo giải trình của FLC, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, năm 2022 cũng như các báo cáo tài chính quý, bán niên 2023 đến nay vẫn chưa được phát hành do công ty và đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY chưa đạt sự đồng thuận về ý kiến kiểm toán.

Ngày 2/1 vừa qua, FLC tổ chức phiên họp ĐHĐCĐ bất thường để trình cổ đông thông qua đơn từ nhiệm của 2 thành viên HĐQT, một thành viên ban kiểm soát và thông tin về kết quả tái cơ cấu cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2024. Tuy nhiên, phiên họp này không thể tiến hành do tỷ lệ tham dự không đủ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.