Tập trung 'gỡ vướng' chính sách để phát triển nhà ở xã hội

Nhà ở Việt nAM
11:29 - 02/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Nhà ở xã hội là là chủ trương lớn kiên định của Nhà nước nhằm đảm bảo quyền của người dân được tiếp cận nhà ở. Tuy nhiên việc phát triển loại hình nhà ở này vẫn còn hạn chế, buộc lãnh đạo của các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục sớm.

Tại Hội nghị phát triển nhà ở xã hội cho công nhân ngày 1/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị, của những người làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân, nhất là những người đứng đầu các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố".

Qua quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội , Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và yêu cầu lãnh đạo của các bộ ngành, tỉnh và thành phố tham gia tập trung khắc phục sớm nhất có thể.

Trong vòng 20 năm với mức lương hiện tại sẽ rất khó để công nhân tiếp cận nhà

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: "Qua rà soát, đánh giá cho thấy, mặc dù trong thời gian qua hết sức được quan tâm nhưng rõ ràng chuỗi cung ứng nhà ở xã hội, trong đó đối tượng là người thu nhập trung bình rất khó tiếp cận nhà ở với giá cả như hiện nay. Với đồng lương của họ, trong vòng 20 năm, để tiếp cận nhà ở khá khó khăn".

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại Hội nghị.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại Hội nghị.

Trên thị trường đang có sự chênh lệch giữa nhà ở xã hội và nhà ở thương mại, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định: "Phải nhìn nhận một điều, hiện nay nhu cầu nhà ở thương mại là rất bình thường và cũng là hoạt động bình thường của thị trường. Nhưng cần cân đối lại với tình hình dân số sau đó bố trí quỹ đất phù hợp cho chuỗi cung ứng thương mại chất lượng cao với chuỗi cung ứng đối với người thu nhập trung bình".

Trong vấn đề liên quan đến thuế, nên có gói chính sách đầy đủ, để đối với những đối tượng này, có ràng buộc trách nhiệm, cam kết lao động ổn định lâu dài của người được tiếp cận nhà ở trước cơ quan hữu quan.

"Quan trọng nhất là nguồn vốn ở đâu thì chúng ta đang nhìn vào 3 nguồn vốn của: Nhà nước; các doanh nghiệp thiện nguyện, bất động sản. Các doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn cần phải tham gia, bắt buộc phải tham gia", Bộ trưởng yêu cầu.

Thiếu khung pháp lý cho nhà ở xã hội

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết cho đến nay, chính sách nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp chưa có chính sách riêng, hiện nay đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội nên có những bất cập nhất định.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Về quy hoạch, Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn đã quy định cụ thể là phải dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội ngay từ giai đoạn lập, phê duyệt quy hoạch phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Tuy nhiên, thực tế vừa qua, công tác quy hoạch cho quỹ đất, đặc biệt nhà ở xã hội, ở các địa phương chưa thực sự được quan tâm.

Liên quan đến việc bố trí sử dụng đất, theo quy định tại Nghị định 100, việc thực hiện quy định dành 20% tổng quỹ đất của các dự án nhà ở thương mại, đô thị đã đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Trên thực tế, có bất cập là nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án có quy mô dưới 10 ha, nhiều địa phương thực hiện theo hình thức xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung thay vì thực hiện theo quy định.

Về chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, chưa hiệu quả, lợi nhuận trong các dự án thấp, ưu đãi cho các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội thì thực chất nhà đầu tư không được hưởng do các ưu đãi không được tính vào giá thành vì thế, chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp. Hiện nay không có nhiều quỹ đất sạch, đặc biệt các dự án xa trung tâm, không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Nhà nước thuê doanh nghiệp làm nhà ở xã hội

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ ra: "Những quy định hiện hành của chúng ta mới chỉ tính đến chuyện doanh nghiệp đứng ra làm chứ chưa tính đến chuyện Nhà nước thuê doanh nghiệp làm".

Thực tế việc này đã được triển khai và đem lại hiệu quả tốt. Do vậy chúng ta nên đa dạng hóa cách thức đầu tư: Một là doanh nghiệp làm, hiện doanh nghiệp làm là chủ yếu. Hai là doanh nghiệp làm tốt rồi nhưng Nhà nước cũng phải đứng ra làm chủ đầu tư thuê doanh nghiệp làm để bán cho người dân. Chúng ta phải dành những chỗ tốt nhất, những chỗ nào có đất sạch thì giao cho doanh nghiệp làm.

Về tín dụng, lâu nay tín dụng cho người mua nhà vay, còn chưa cho doanh nghiệp vay, mặc dù cơ chế đã có. Xây dựng nhà ở xã hội thì nên có lãi suất ưu đãi, tập trung cho doanh nghiệp vay để doanh nghiệp phát triển.

Ảnh tác giả

"Các doanh nghiệp sẽ hết sức chia sẻ, giao cho doanh nghiệp làm 2 dự án thôi, trong vòng 1 năm nếu thủ tục nhanh chúng ta sẽ có kết quả ngay về nhà ở xã hội".

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Đến năm 2025 cần khoảng 450.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi: "Đến năm 2030 dự kiến là 1.000 căn nhà ở xã hội là chưa phù hợp nhu cầu bởi vì riêng số công nhân lao động ở thuê, ở trọ được hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 3,4 triệu lao động. Nếu tính cả các gia đình của người lao động thì đã cần diện tích nhà ở, nhà xã hội là 34 triệu m2, chưa tính đến nhu cầu ở nhà ở xã hội cho hàng triệu hộ nghèo và người có thu nhập thấp khác".

"Nên bổ sung giải pháp phát triển nhà ở xã hội trước mắt cho nhân lao động ở hơn 300 khu công nghiệp, khu chế xuất để bảo đảm nhà ở cho 3 triệu lao động khu vực này theo cơ chế cho thuê, cho mua".

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi

Về vốn vay mua, hiện nay, Ngân hàng Chính sách cho vay được 1 triệu hộ nhưng nhu cầu thị trường còn nhiều hơn nữa.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi kiến nghị với Chính phủ, trên bình diện rộng tiếp tục có các chính sách phù hợp về thuế, đất đai, tín dụng nhằm tăng đầu tư phát triển nhà ở xã hội; tăng thu nhập; làm "mềm" giá nhà ở xã hội trong các thành phố, đô thị. Tiếp tục hỗ trợ cho cả sinh viên mới ra trường, cho vay để tiếp cận nhà ở với lãi suất, mức vốn, thời gian vay phù hợp hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.