Tasco thoái sạch vốn tại Tổng công ty Thăng Long, thu về hơn 250 tỷ đồng

HUT TASCO
13:39 - 18/07/2022
Tổng công ty Thăng Long chính là đơn vị xây dựng cầu Thăng Long.
Tổng công ty Thăng Long chính là đơn vị xây dựng cầu Thăng Long.
0:00 / 0:00
0:00
Động thái thoái vốn của Tasco diễn ra trong kế hoạch tái cơ cấu hoạt động kinh doanh giai đoạn 2022 - 2027. Lãnh đạo công ty cho rằng điều này sẽ giúp Tasco phát triển một hệ sinh thái mà các mảng kinh doanh bổ trợ lẫn nhau.

Tổng công ty Thăng Long - CTCP (mã TTL, sàn HNX) vừa công bố thay đổi sở hữu cổ phiếu của cổ đông lớn là CTCP Đầu tư và Xây dựng TNG và CTCP Tasco (mã HUT). Trong khi HUT bán ra toàn bộ 14,8 triệu cổ phiếu TTL để giảm sở hữu từ 35,45% về 0% vốn điều lệ thì TNG mua thêm 14,8 cổ phiếu TTL để nâng sở hữu từ 14,71% lên 50,16% vốn điều lệ. Hai giao dịch này đều được thực hiện ngày 5/7. Như vậy, CTCP Đầu tư và Xây dựng TNG chính là đơn vị thế chỗ Tasco trở thành cổ đông lớn của TTL.

Hiện TTL đang giao dịch ở vùng giá 15.000 đồng. Còn tại phiên 5/7, mã này có giá 16.900 đồng. Nếu mua bán theo giá trên sàn thì TNG sẽ phải chi ra 250 tỷ để hoàn tất giao dịch, còn HUT là đơn vị thu về. CTCP Đầu tư và Xây dựng TNG được thành lập năm 2012, hoạt động chính là xây dựng công trình cấp, thoát nước. Trong đó, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hồng Giang.

Liên quan đến việc thoái vốn, mới đây, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng thông báo đăng ký bán toàn bộ 10,5 triệu cổ phiếu TTL để giảm sở hữu từ 25,09% về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 18/7 đến 16/8.

Trước đó, SCIC dự kiến bán cả lô này với giá khởi điểm 195 tỷ đồng, tương ứng giá chào bán tối thiểu khoảng 18.530 đồng/cổ phiếu, phiên đấu giá dự kiến diễn ra ngày 21/6 trên sàn HNX. Tuy nhiên, kết thúc thời gian đăng ký, không có nhà đầu tư đăng ký tham dự nên phiên đấu giá bị hủy.

Sau khi có chủ tịch mới vào tháng 10 năm ngoái, Tasco đã chủ trương tái cấu trúc và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, vốn góp tại 7 công ty con/công ty liên kết thuộc lĩnh vực cần tái cấu trúc với giá trị thoái vốn tối thiểu khoảng 600 tỷ đồng.

Theo thông tin từ báo cáo tài chính thì trong quý 1, HUT đã thoái thành công 51% vốn tại Công ty TNHH T’Hospital, hiện chuyển công ty này sang dạng liên kết với tỷ lệ sở hữu 49%; tiếp tục thoái vốn tại CTCP Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2 từ 67% xuống 32,8%. Nhờ khoản doanh thu đột biến từ các hoạt động thoái vốn này mà trong quý 1, HUT báo lãi sau thuế 88 tỷ đồng, tăng trưởng ngoạn mục so với con số 24,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 89 tỷ đồng.

Kế hoạch tổng doanh thu năm 2022 của Tasco là 11.400 tỷ đồng, tăng 12 lần so với năm 2021. Theo VCSC, con số này có thể đạt được nếu công ty tái cơ cấu doanh nghiệp thành công, việc thoái vốn phần còn lại khỏi T’Hospital được thực hiện đúng tiến độ và làn thu phí không dừng (ETC) được sử dụng phổ biến.

Tổng công ty Thăng Long tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long, được thành lập vào tháng 7/1973, với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng cầu Thăng Long (1973-1985) - cây cầu lớn nhất thời bấy giờ. Từ đó đến nay, công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp; cung cấp dịch vụ cho thuê nhà kho, văn phòng, nhà xưởng; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng.

Trong quý 1/2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần 207 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 6,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 3,2 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, TTL ghi nhận doanh thu 1.130 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8,47 tỷ đồng, lần lượt tăng 75,45% và giảm 29,5%. Công ty cho biết doanh thu năm tăng đột biến do việc triển khai 2 dự án cao tốc Bắc – Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp