Tasco trúng thầu cung cấp dịch vụ thu phí không dừng trên 4 tuyến cao tốc

ETC TASCO
15:02 - 09/06/2022
Tasco là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong vận hành hệ thống thu phí tự động ETC.
Tasco là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong vận hành hệ thống thu phí tự động ETC.
0:00 / 0:00
0:00
Tasco sẽ đảm nhận việc thu phí điện tử tự động không dừng (ETC) cho 4 tuyến cao tốc của VEC. Trước đó, công ty này đã lắp đặt - vận hành ETC/MTC cho 80 trạm, 345 làn, tương đương 70% số lượng trạm thu phí ứng dụng ETC trên cả nước.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và CTCP Tasco vừa ký kết hợp đồng Gói thầu thuê dịch vụ thu phí các dự án đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác. Theo đó, VEC và Tasco cam kết huy động mọi nguồn lực đáp ứng tiến độ dự án, đưa hệ thống thu phí tự động ETC vào vận hành sử dụng trước 31/7/2022 theo lộ trình của Chính phủ.

Nội dung chính của Gói thầu là thu phí điện tử tự động không dừng (ETC) dùng công nghệ RFID cho các làn thu phí tự động, thu phí thủ công (MTC) cho các làn hỗn hợp (ETC+MTC), với quy mô 4 tuyến cao tốc của VEC gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Nội Bài - Lào Cai và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Trước đó, ngày 25/5, VEC đã mở thầu gói thầu 1.067 tỷ đồng thuê dịch vụ thu phí các dự án đường cao tốc để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC cho các tuyến cao tốc với thời gian thực hiện hợp đồng 64 tháng. Đến thời điểm đóng thầu, có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm: Liên danh Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) và Tổng Công ty cổ phần công trình Viettel; Công ty cổ phần Tasco và Công ty cổ phần Bon.

Đại diện Tasco và VEC ký kết hợp đồng.

Đại diện Tasco và VEC ký kết hợp đồng.

Sau khi hoàn thành lựa chọn nhà thầu, VEC sẽ yêu cầu nhà thầu lắp đặt ngay để giữa tháng tháng 8/2022 sẽ đưa vào khai thác ETC cho tuyến cao tốc Cầu Giẽ -Ninh Bình và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Cuối quý III/2022 sẽ khai thác ETC trên toàn bộ các tuyến cao tốc VEC đang khai thác.

Tháng 6/2020, VEC đã hoàn thành đầu tư, lắp đặt, đưa vào khai thác hệ thống ETC trên cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đối với 15 làn. Hệ thống hiện hoạt động hiệu quả với tỷ lệ phục vụ chiếm 51% doanh thu toàn tuyến.

Theo số liệu của VETC (công ty con của Tasco), lượng khách hàng dán thẻ qua VETC tính đến cuối năm 2021 đạt 1,4 triệu, qua VDTC là 1,1 triệu. Như vậy, với tổng số gần 5 triệu xe đang lưu hành tại Việt Nam, còn tới 2,5 triệu khách hàng có thể khai thác. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, đại diện Tasco cho biết, đây là thị trường rất tiềm năng, mỗi tháng vừa qua, lượng thẻ dán qua VETC đạt gần 90.000 thẻ.

Báo cáo tài chính của Tasco cho thấy, doanh thu và lợi nhuận gộp từ hoạt động thu phí đường bộ BOT và dịch vụ thu phí không dừng VETC đang tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, lưu lượng phương tiện giao thông qua các trạm thu phí gia tăng trở lại. Trong quý đầu năm 2022, mảng thu phí BOT mang lại phần lớn lợi nhuận gộp, đạt hơn 81 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kho dữ liệu lên tới gần 1,5 triệu khách hàng sử dụng ô tô là nhóm có thu nhập khá trở lên hiện nay là nguồn dữ liệu khách hàng quan trọng để Tasco khai thác phục vụ cho các các mảng hoạt động mới như bảo hiểm trong hệ sinh thái của mình.

Vì sao thu phí không dừng chậm tiến độ?

Theo chỉ đạo của Chính phủ, sau ngày 31/7/2022, nếu dự án BOT giao thông không triển khai thu phí điện tử không dừng được sẽ dừng thu phí. Để thực hiện, Bộ GTVT đã yêu cầu VEC đẩy nhanh tiến độ đấu thầu; ngay sau khi mở thầu rà soát làm việc ngay với các nhà thầu tiềm năng để thực hiện công tác chuẩn bị, đảm bảo có thể triển khai ngay sau khi trúng thầu.

Tuy nhiên theo Bộ GTVT, các dự án của VEC là đều dự án đặc thù, việc thu phí đường bộ để trả nợ khoản vay nước ngoài do Chính phủ đứng ra vay (thực chất là thu phí hoàn vốn ngân sách Nhà nước) nên nếu dừng thu phí có hệ quả rất lớn do ảnh hưởng đến phương án tài chính và phương án trả nợ của các dự án. Vì vậy, trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành mới đây, Bộ GTVT đã đề nghị Phó Thủ tướng xem xét nội dung chỉ đạo tạm dừng thu phí của VEC nếu chậm tiến độ.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể sáng nay (9/6), đại biểu cũng có chất vấn Bộ trưởng về việc chậm hoàn thành thu phí không dừng và nêu vấn để “liệu có lợi ích nhóm?”. Bộ trưởng cho biết, năm 2015, Chính phủ triển khai thu phí không dừng. Đây là công nghệ mới, giúp đi lại thuận lợi và đảm bảo công khai, minh bạch. Tuy nhiên, quá trình triển khai có nhiều vướng mắc, một phần do thói quen người dân. Công nghệ trong quá trình triển khai có sai sót về kỹ thuật.

Cả nước có 113 trạm BOT, phải hoàn thành thu phí không dừng năm 2019, tuy nhiên "Bộ đã rất nỗ lực nhưng chưa thể hoàn thành". Riêng 28 trạm của Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC), trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn, do vướng mắc về tái cơ cấu nên VEC không có kinh phí triển khai. Chính phủ đã họp rất nhiều, đến nay mới giải quyết xong về cơ chế. Cách đây hai ngày, VEC đã ký hợp đồng với các tổ chức tín dụng để triển khai thu phí không dừng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.