Thách thức lớn nhất đối với phát triển năng lượng tái tạo nằm ở vốn đầu tư

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
18:32 - 27/09/2023
Toàn cảnh diễn đàn.
Toàn cảnh diễn đàn.
0:00 / 0:00
0:00
Đó là nhận định của ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương tại Diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam” sáng 27/9 tại Hà Nội.

Phát triển năng lượng tái tạo còn nhiều thách thức

Việt Nam là một nền kinh tế năng động, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao. Giai đoạn 2011-2020, điện thương phẩm của Việt Nam có mức tăng trưởng bình quân là 9,6 %/năm. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52 % đến 9,36 %.

Xu thế phát triển hiện nay của các nền kinh tế trên thế giới là thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, sạch, giảm phát thải nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa carbon, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Hiện nay, đã có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với định hướng chiến lược của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và các cam kết của Chính phủ về giảm phát thải ròng bằng 0 tại COP26.

"Tuy nhiên, trên thực tế, thực hiện việc chuyển đổi năng lượng, trong đó có chuyển đổi cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu trên vẫn còn nhiều thách thức. Đặc biệt là kinh nghiệm trong hoạch định chính sách, đầu tư, xây dựng và quản lý vận hành và nhiều vấn đề khác", ông Bùi Quốc Hùng nêu trong phần tham luận tại Diễn đàn.

Ông Hùng cho biết, việc đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu về vốn lớn, rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc thời tiết, khí hậu, khả năng thu hồi vốn lâu do suất đầu tư và giá điện cao hơn nguồn năng lượng truyền thống.

"Thách thức lớn nhất đối với phát triển năng lượng tái tạo nằm ở vốn đầu tư và khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư, trong đó rào cản tài chính là yếu tố cản trở việc thực hiện một dự án kinh tế do thiếu tiếp cận với nguồn tài chính phù hợp" Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng liệt kê một loạt các khó khăn khác như chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời, điện gió; Năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị. Tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy phát triển.

Ngoài ra, các chính sách, quy định khuyến khích phát triển thời gian qua chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào điện gió, điện mặt trời. Mặc dù việc bổ sung quy hoạch nguồn điện được tính toán đồng bộ quy hoạch lưới, nhưng tiến độ triển khai nhiều công trình lưới điện trong quy hoạch được phê duyệt còn chậm, dẫn đến quá tải cục bộ tại một số khu vực…

Ngành điện khí đứng trước bài toán giá thành cao hơn giá bán lẻ

Cũng trong phần tham luận của mình, ông Bùi Quốc Hùng cho biết Việt Nam có lợi thế về hạ tầng để hình thành các trung tâm nhiệt điện sử dụng LNG quy mô lớn. Hiện các địa phương đã đề xuất phát triển khoảng 140.000 MW với khoảng 30 vị trí đề xuất trên cả nước, tập trung tại miền Trung và miền Nam.

Việc đầu tư cho điện khí LNG sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỉ lệ khá cao. Do đó, Việt Nam cũng đang xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các dự án LNG.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng đây là một lĩnh vực mới và có nhiều thách thức khi Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong phát triển các chuỗi dự án khí - điện, cũng như xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và tham gia vào thị trường LNG trên thế giới.

Nhiệt điện LNG là một nguồn điện mới tại Việt Nam và chưa có dự án được vận hành. Do vậy, khó khăn lớn nhất là lựa chọn nhà đầu tư có đủ kinh nghiệm, năng lực. Ngoài ra, Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn loại nhiên liệu này nên trong trường hợp địa chính trị thế giới thay đổi, giá LNG có thể sẽ biến động thất thường.

“Loại khí này chiếm 70-80% giá thành điện năng sản xuất nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn”, ông Bùi Quốc Hùng cho biết.

Tiếp tục về câu chuyện nguồn vốn, việc phát triển các dự án LNG thường đòi hỏi nguồn vốn lên tới hàng tỷ USD cho cả chuỗi khí - điện. Vì vậy, để các nhà đầu tư có các tổ chức tài chính chấp thuận thu xếp vốn cho dự án, cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý, cung cấp tài chính cho các dự án, ông Hùng nói.

Về giải pháp, ông Bùi Quốc Hùng đề xuất một loạt giải pháp như Chính phủ sớm phê duyệt các kế hoạch thực hiện quy hoạch làm cơ sở cho việc triển khai các dự án năng lượng; Có các cơ chế về giá cho các loại hình năng lượng tái tạo; Nâng cao năng lực và trình độ công nghệ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ;

Đồng bộ các quy định và luật để thúc đẩy sử dụng hiệu quả, phát triển thị trường năng lượng mới và tái tạo; Cần xem xét nghiên cứu xây dựng và trình ban hành Luật Năng lượng tái tạo; Tăng cường việc liên kết lưới điện với các nước trong khu vực nhằm hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo trong nước có hiệu quả.

Theo Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt: Về nguồn điện, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo so với trước đây, điện gió trên bờ tăng từ 16.000MW (11%) vào năm 2030 tới 56.000MW (14,4%) vào năm 2045; Điện gió ngoài khơi tăng từ 7.000MW (4,8%) vào năm 2030 lên tới 64.500MW (16,6%) vào năm 2045; Điện mặt trời quy mô lớn tăng từ khoảng 8.700 MW (6%) vào năm 2030 lên tới 76.000MW (19,6%) vào năm 2045.

Tỷ trọng điện năng của các nguồn năng lượng tái tạo (tính cả thủy điện) trong tổng điện năng sản xuất đạt 33,4% năm 2030 và 54,3% năm 2045, giúp tăng tính chủ động trong việc cung cấp điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

Tin liên quan

Đọc tiếp