Tháo gỡ rào cản cho thị trường bất động sản du lịch

BĐS Du lịch Việt nAM
15:46 - 16/11/2021
Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng
Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng
0:00 / 0:00
0:00
Thực trạng gia tăng các giao dịch về kinh doanh bất động sản du lịch khiến nhiều địa phương lúng túng trong quá trình quản lý Nhà nước do hệ thống chính sách, pháp luật về phân khúc thị trường này còn chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ.

Đề xuất nghiên cứu sửa đổi chính sách một cách linh hoạt cho bất động sản du lịch

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, trong vài năm trở lại đây, kinh doanh bất động sản du lịch là phân khúc phát triển mạnh mẽ, sôi động tại các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về du lịch.

Nhưng thực trạng gia tăng các giao dịch về kinh doanh bất động sản du lịch khiến nhiều địa phương lúng túng trong quá trình quản lý Nhà nước do hệ thống chính sách, pháp luật về phân khúc thị trường này còn chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ.

Điều này đặt ra yêu cầu phải bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật tạo lập khung pháp lý cho thị trường bất động sản nói chung và phân khúc kinh doanh bất động sản du lịch nói riêng vận hành thông suốt, đồng bộ, nhịp nhàng.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” sáng 16/11, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến nói: "Muốn vậy cần phải có sự đánh giá, rà soát tổng thể về hệ thống chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch để nhận diện rõ những 'khoảng trống', thiếu sót, bất cập, đưa ra giải pháp có tính thuyết phục để khắc phục."

Bàn về giải pháp hoàn thiện chính sách, ông Tuyến kiến nghị: Việc hoàn thiện chính sách cần dựa trên quan điểm, đường lối của Đảng về tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nền kinh tế thị trường và phát triển thị trường bất động sản ở nước ta, đồng thời tham khảo pháp luật kinh doanh bất động sản của các nước trên thế giới.

Thứ hai, cần dựa trên yêu cầu của thực tiễn quản lý hoạt động bất động sản du lịch. Thứ ba, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với những chế định khác của pháp luật kinh doanh bất động sản và các lĩnh vực pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Ông Tuyến cũng nêu ý kiến, do còn nhiều khó khăn vì tác động của đại dịch Covid-19, trước nhu cầu khôi phục và phát triển thị trường bất động sản nói chung và lĩnh vực bất động sản du lịch nói riêng, Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ về chính sách thuế.

Liệt kê một số bất cập về chính sách thuế, ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nhận định: "Ngành bất động sản du lịch tại Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ. Trong đó, hoạt động chuyển nhượng bất động sản không được hưởng ưu đãi thuế, chỉ có cơ chế bù trừ một chiều, bị khống chế mức chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế. Chính sách thuế giá trị gia tăng đối với giao dịch chuyển nhượng dự án trong giai đoạn nền kinh tế đang tổn thương sau đại dịch. Đặc biệt, sự hỗ trợ của Chính phủ gần đây cần được xem xét để phù hợp hơn đối với lĩnh vực bất động sản."

Ảnh tác giả

Chính sách pháp luật về thuế nên được nghiên cứu, xem xét và sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp để bắt kịp với bối cảnh tình hình thay đổi liên tục của nền kinh tế

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam

Ông Bùi Tuấn Minh đưa ra đề xuất, Bộ Tài chính xem xét khi hướng dẫn thi hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, có phân biệt trường hợp cố ý khai thấp doanh thu và lợi nhuận để chiếm dụng tiền thuế với trường hợp không cố ý khai thấp doanh thu và lợi nhuận nhưng có các khoản doanh thu, lợi nhuận đột xuất những tháng cuối năm.

Theo đó, không xử phạt đối với trường hợp doanh nghiệp đã nộp báo cáo kế hoạch doanh thu và lợi nhuận quý 4, kèm theo danh mục các dự án hoặc hoạt động kinh doanh, mà có phát sinh doanh thu và lợi nhuận ngoài kế hoạch đã kê khai đăng ký với cơ quan thuế.

Triển khai kế hoạch mang tính chất ngắn hạn do ảnh hưởng đại dịch

Hiện nay, ngành du lịch thu hút du khách quốc tế đang bắt đầu khởi động lại trong tháng 11 với 5 điểm đến quốc tế: Phú Quốc, Khánh Hoà, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Nhà nước đã đặt ra yêu cầu tiên quyết là mở đến đâu phải an toàn đến đấy. Du lịch nội địa cũng đã có những chính sách kích cầu ở những vùng xanh, vùng vàng và cả vùng cam.

Theo các ý kiến ghi nhận được tại hội thảo, hiện nay Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và lao động sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 như giảm trừ thu nhập thuế, thuế thu nhập cá nhân… tuy nhiên cũng sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ có độ trễ về khả năng thực hiện.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thế giới đang ở trong giai đoạn khủng hoảng bởi COVID-19, đây là khủng hoảng tai hoạ chứ không phải khủng hoảng do kinh tế. Bởi vậy nhiều quốc gia đã bỏ ra chi phí lớn để có thể khắc phục khủng hoảng này. Do đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị một tinh thần sẵn sàng trở lại đường đua vì đây không phải là khủng hoảng cấu trúc, khi khắc phục xong tất cả sẽ bật trở lại “đường đua”. Người nào đi trước người đó sẽ thắng.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, ĐBQH, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam: "Chúng ta có thuận lợi là Quốc hội đang bàn cơ chế đặc thù và trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ chọn ra 4 địa phương để thực hiện cơ chế đặc thù mới. Đồng thời, cơ chế đặc thù sẽ tạo ra mô hình quản lý mới. Lĩnh vực bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng đang là nội dung quan trọng, là ngành có nhiều sự sáng tạo và tạo ra nhiều giá trị nhất."

TS. Vũ Tiến Lộc, ĐBQH, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tại hội thảo

TS. Vũ Tiến Lộc, ĐBQH, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tại hội thảo

"Theo tôi, tiếng nói của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là rất lớn, vì vậy Hiệp hội nên đứng ra tổ chức, kết nối với thế giới, đóng góp vào đề án phát triển bất động sản du lịch Việt Nam. Đồng thời, Bộ Xây dựng nên đứng ra tổ chức đề án để phát triển bất động sản du lịch. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tập hợp những kiến nghị, đưa ra đề án phát triển dưới sự chủ trì của Bộ Xây dựng thì tôi tin là cơ quan Nhà nước sẵn sàng tiếp thu," TS Vũ Tiến Lộc nói.

Thực tế, thị trường bất động sản du lịch chủ yếu vẫn là doanh nghiệp bất động sản tự làm dịch vụ lưu trú để thu hút khách du lịch, làm các sản phẩm phụ trợ thêm cho các khu du lịch để lưu giữ chân khách lâu hơn.

Ông Lộc cho biết, với lĩnh vực bất động sản nói chung, bất động sản du lịch nói riêng, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là vấn đề cấp giấy chứng nhận sở hữu. Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản hướng dẫn cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm bất động sản du lịch, tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho thị trường bất động sản du lịch. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều khúc mắc. Vì vậy, Nhà nước cần xem xét lại những hỗ trợ này và nên phân định rõ ràng những hỗ trợ dài hạn và ngắn hạn cho du lịch phát triển.

Cần sự cân bằng giữa đưa dòng tiền Việt Nam ra nước ngoài và hút dòng tiền vào bất động sản Việt Nam

Tham gia phiên thảo luận mở tại cuộc hội thảo, TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam đặt ra câu hỏi: Tại sao họ vào Việt Nam xây biệt thự, du lịch, đem dòng khách vào Việt Nam mà chúng ta không khuyến khích?

Theo ông Nam, lĩnh vực bất động sản du lịch đang gặp rất nhiều vấn đề hay chính xác hơn là cả "núi" vấn đề. "Chia sẻ từ các chuyên gia nước ngoài đã cho thấy, quốc gia họ có diện tích nhỏ nhưng thu hút được rất nhiều khách du lịch, trong khi Việt Nam có diện tích lớn nhưng thu hút chỉ được khoảng 18 triệu khách du lịch mỗi năm."

TS Lương Hoài Nam đề xuất, Việt Nam cần có tầm nhìn du lịch biển, trọng điểm của châu Á, hướng đến giới siêu giàu: "Chúng ta không cạnh tranh với các quốc gia Thái Lan, Malaysia bởi điều này chưa xứng đáng với tài nguyên nước ta. Việt Nam có quá nhiều tài nguyên về du lịch biển, du lịch núi… nên cần có tầm nhìn du lịch xứng đáng với tiềm năng. Bên cạnh đó, tầm nhìn này cũng sẽ thông qua các doanh nghiệp bất động sản để phát triển các sản phẩm lưu trú xứng tầm."

TS Lương Hoài Nam mong muốn, các doanh nghiệp đặt ra vấn đề để hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước lắng nghe, tháo gỡ, hoàn thiện chính sách.

TS Lương Hoài Nam mong muốn, các doanh nghiệp đặt ra vấn đề để hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước lắng nghe, tháo gỡ, hoàn thiện chính sách.

Ban tổ chức Hội thảo “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” cho biết, sẽ tổng hợp các ý kiến, các đề xuất giải pháp tháo gỡ những bất cập của thị trường bất động sản du lịch, để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét và có hành động khẩn trương, phù hợp nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.