Thị trường ASEAN còn nhiều dư địa cho hàng hóa Việt Nam

Xuất - nhập khẩu Việt nAM
21:20 - 27/11/2021
0:00 / 0:00
0:00
ASEAN đang là thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam và vẫn còn nhiều tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu, trong khi lại có sự gần gũi về mặt địa lý giúp các doanh nghiệp Việt tiết kiệm chi phí và có nhiều lựa chọn về phương thức vận chuyển.

Thông tin này được đưa ra trong Hội thảo quốc tế: "Giới thiệu quy định quản lý xuất nhập khẩu mới và các cơ hội giao thông với các thị trường ASEAN trong thời kỳ hậu COVID-19" được tổ chức ngày 27/11, tại Hà Nội, do Bộ Công thương tổ chức.

Hội thảo do Bộ Công thương tổ chức. Ảnh chụp màn hình
Hội thảo do Bộ Công thương tổ chức. Ảnh chụp màn hình

Cơ hội xuất khẩu với thị trường ASEAN

ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của các doanh nghiệp Việt Nam đứng sau Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU). Với tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng khu vực thị trường ASEAN có tiềm năng tiêu dùng mở rộng có khả năng hấp thụ hàng hóa tốt.

Năm 2020 do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với ASEAN có sự suy giảm nhẹ, giảm 6,8% so với năm 2019 và đạt 53,6 tỷ USD. Tuy nhiên, sang năm 2021 Việt Nam và ASEAN đã phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - ASEAN trong 10 tháng đầu năm 2021 đạt 56,6 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Các thị trường trong ASEAN đều là những thị trường xuất nhập khẩu rất quan trọng và còn nhiều tiềm năng dư địa cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, sự gần gũi về mặt địa lý của khu vực ASEAN với Việt Nam giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển chi phí lưu kho bãi, và có nhiều lựa chọn về phương thức vận chuyển hàng hóa vận tải đường bộ, đường biển và đường không.

Ngoài ra, các nước ASEAN đều có nền tảng văn hóa nông nghiệp nên thói quen, thị hiếu tiêu dùng có nhiều nét tương đồng. Nhờ đó, hàng hóa của Việt Nam có thể thâm nhập vào thị trường ASEAN, tạo tiền đề để hàng hóa Việt Nam tiến vào các thị trường khác có yêu cầu cao và khó tính hơn.

Theo các chuyên gia tham dự hội thảo, một trong những cơ hội khác cho hàng hóa Việt Nam sang ASEAN là hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước trong khối hiện đều được hưởng ưu đãi với mức thuế quan 0% theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA ), hoặc được hưởng các ưu đãi đặc biệt hơn theo một số cam kết thỏa thuận thương mại song phương mà Việt Nam đã ký với các nước Lào và Campuchia.

Trong thời gian tới, các nước ASEAN đẩy nhanh triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế, tiếp tục mở cửa thị trường, đảm bảo nối lại và phát triển các chuỗi cung ứng, thuận lợi hóa thương mại. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng khai thác hơn nữa tiềm năng của khu vực thị trường này trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang khối ASEAN là các sản phẩm nông – thủy sản, thực phẩm, chè, cà phê, các loại hạt, gia vị, các mặt hàng dệt may, các sản phẩm từ nhựa, bao bì, các sản phẩm thủy tinh, điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị phụ tùng, dầu thô, các loại vật liệu xây dựng, sắt, thép, xi măng,…

Trong đó, các sản phẩm nông – thủy sản, lương thực, thực phẩm sản là những mặt hàng có tiềm năng nhưng chưa được khai thác hết. Chính phủ đang có những biện pháp tích cực đẩy mạnh xuất khẩu nông – thủy sản, lương thực Việt Nam như chè, cà phê, hoa quả, gạo, các loại thịt, cá, thông qua nâng cao chất lượng nông – thủy sản, kiểm soát chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tích cực làm rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí nhập khẩu của các nước.

Trà túi lọc làm bằng vải, tiêu chuẩn cho mặt hàng này tại thị trường khó tính Singapore.

Trà túi lọc làm bằng vải, tiêu chuẩn cho mặt hàng này tại thị trường khó tính Singapore.

Những thách thức từ thị trường

Tuy nhu cầu thị trường ASEAN lớn, nhưng thị trường này vẫn có tính cạnh tranh cao bởi các sản phẩm xuất khẩu của các nước trong ASEAN có sự tương đồng và cơ hội xuất khẩu của các nước là như nhau. Do vậy theo các chuyên gia, sự cạnh tranh giữa hàng hóa Việt Nam với các nước trong khối về chất lượng sản phẩm, bảo quản, bao bì, đóng gói và giá cả là không hề nhỏ.

Về vấn đề đóng gói và bao bì, bà Trần Thị Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore nêu ví dụ, mặt hàng chè Việt Nam chỉ xuất khẩu được sản phẩm thô sang Singapore. Các mặt hàng chè chế biến còn hạn chế do công nghệ chế biến còn thấp, mẫu mã chưa đa dạng, bao bì còn thô sơ, nguyên liệu đóng gói không đáp ứng được yêu cầu của Singapore.

Bà đưa thêm ví dụ về mặt hàng chè túi lọc, các doanh nghiệp Việt Nam đóng gói túi trà và bao bì còn dùng túi giấy, một cách đóng gói rất dễ gây ẩm mốc và hỏng sản phẩm. Trong khi đó, các doanh nghiệp Singapore sử dụng túi nilon đóng gói, túi lọc trà cũng dùng vải chất lượng cao.

Ngoài ra, tại thị trường Singapore còn yêu cầu về chứng chỉ Halal của các nước Hồi giáo do đảo quốc này đang có tham vọng trở thành Trung tâm Halal của thế giới. Vì vậy Singapore yêu cầu rất khắt khe với các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm lương thực, cần bắt buộc phải có chứng nhận Halal với những tiêu chí riêng của người Hồi giáo.

Ngoài ra, theo sự vận động của thị trường thế giới, người tiêu dùng Singapore cũng ngày càng yêu cầu nhiều hơn về sản phẩm hữu cơ, bền vững, an toàn thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, chi phí để các mặt hàng Việt Nam có thể được đưa vào hệ thống bán lẻ ở Singapore cũng là một khó khăn với các doanh nghiệp Việt với hàng loạt loại chi phí như phí niêm yết của một công ty (từ 1.000 đến 9.000 USD), phí quản lý nhãn hàng (từ 30-100 USD cho một mặt hàng)…

Ngoài trường hợp thị trường Singapore có tiêu chuẩn cao có thể gây khó cho doanh nghiệp Việt, một thị trường khác thấp hơn là Myanmar lại tiềm ẩn những nguy cơ khác. Ông Nguyễn Đương Kiên, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Myanmar cho biết, thị trường nước này đang gặp khó khăn lớn về nhập khẩu do nguồn dự trữ ngoại tệ không ổn định, gây khó khăn khi thanh toán các đơn hàng. Vì vậy, ông Kiên lưu ý các doanh nghiệp cần cẩn thận khi tiến hành giao dịch và thanh toán các đơn hàng tại thị trường Myanmar.

Tỷ giá đồng Kyat của Myanmar đang bất ổn. Ảnh minh họa

Tỷ giá đồng Kyat của Myanmar đang bất ổn. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, tỷ giá đồng Kyat của Myanmar đang bất ổn, trước đây 1 USD đổi được 1.300 Kyat, hiện nay lên tới 1.700-1.800 Kyat, thậm chí có lúc lên tới 3.000 Kyat/ 1 USD. Chính tỷ giá bất thường có thể gây nên rủi ro cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao dịch.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Myanmar cũng cho biết, việc giao thương với Myanmar qua đường biển đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chi phí logistic tăng cao, vì vậy Myanmar chỉ có lựa chọn xuất - nhập khẩu với Thái Lan. Tần suất vận chuyển giảm và chi phí vận chuyển qua cả tàu container và tàu rời đều đội lên khá lớn.

Ví dụ trước đây, vận chuyển một container 20 feet từ Hải Phòng sang Myanmar cần khoảng 500-600 USD. Nhưng hiện nay chi phí đã tăng lên khoảng 1.700-1.800 USD. Đối với loại tàu rời nguyên chuyến khoảng 10 tấn trở lên, trước đây chỉ khoảng chừng 20-30 USD/1 tấn, thì hiện nay khoảng 80 USD/tấn trở lên

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn có nguy cơ bị lừa đảo thông qua phương thức giả dạng các doanh nghiệp lớn, hoặc qua các công ty ma, những kẻ lừa đảo sẽ sử dụng mức giá cả quá ưu đãi để khiễn các doanh nghiệp mất cảnh giác. Hiện tượng này đã từng xuất hiện tại Malaysia, vì vậy, bà Trần Lê Dung, Tham tán thương mại Việt Nam tại Malaysia đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp, trong những trường hợp này, các doanh nghiệp trước hết cần xác minh rõ ràng thông tin của doanh nghiệp đối tác, tiếp theo, doanh nghiệp có thể trao đổi với thêm với các Thương vụ Việt Nam tại các nước để được cung cấp thêm thông tin, tránh bị lừa đảo.

Bà Trần Lê Dung, Tham tán thương mại Việt Nam tại Malaysia

Bà Trần Lê Dung, Tham tán thương mại Việt Nam tại Malaysia

Để giúp các doanh nghiệp có thể thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu hàng hóa, Tham tán thương mại, đại diện các thương vụ đều cho biết, sẽ tạo điều kiện, tổ chức các buổi tọa đàm hướng dẫn các doanh nghiệp về các chính sách, các ưu đãi cũng như các yêu cầu của các thị trường. Đồng thời, các thương vụ cũng sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vấn đề tranh chấp hay các vướng mắc giữa hai bên doanh nghiệp khi phát sinh giao dịch.

Thương vụ Việt Nam tại các nước cũng khẳng định sẽ tích cực quảng bá hình ảnh sản phẩm Việt Nam tới thị trường quốc tế, tích cực tổ chức các hội chợ quảng bá sản phẩm Việt Nam, đặc biệt là nông sản.

10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường ASEAN 6 gồm các nước Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan đạt gần 47 tỷ USD chiếm đến 83% tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam ra khu vực. Xuất nhập khẩu với các nước Lào, Campuchia, Myanmar dù chỉ đạt 9,6 tỷ USD nhưng đây là những thị trường Việt Nam thường xuyên xuất siêu trong khu vực.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Trong quý 1/2024, Grab ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh và khoản lỗ được thu hẹp. Hầu hết các mảng kinh doanh của công ty đều có cải thiện, nhờ lượng khách du lịch tăng cao trong các đợt lễ hội và các buổi hòa nhạc lớn ở khu vực Đông Nam Á.