Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam

Gỗ hoa kỳ
23:03 - 26/11/2021
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trong tháng 10 sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc lần lượt tăng 47,79%, 22,76% và 5% so với tháng 09/2021.
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trong tháng 10 sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc lần lượt tăng 47,79%, 22,76% và 5% so với tháng 09/2021.
0:00 / 0:00
0:00
Trong 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt trên 7,2 tỷ USD và chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 10/2021 đã tăng mạnh trở lại, đạt trên 950 triệu USD và tăng 35,6% so với tháng trước đó nhưng vẫn giảm 25,73% so cùng kỳ năm 2020.

Tính chung trong 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đạt 12,085 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là nhóm hàng đứng thứ 6 về giá trị kim ngạch trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn này.

Chỉ riêng 15 ngày đầu tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 585 triệu USD. Như vậy, nhờ sản xuất được phục hồi và hoạt động logistics được cải thiện, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng mạnh trở lại trong 2 tháng cuối năm 2021.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam theo tháng trong năm 2018 – 2021. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam theo tháng trong năm 2018 – 2021. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Đây là kết quả của những biến chuyển trong kế hoạch phòng chống đại dịch của Chính phủ, chuyển từ “zero COVID-19” sang chấp nhận sống chung với dịch bệnh, đã gỡ khó cho hơn 4.500 doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất Việt Nam quay lại sản xuất.

Đáng chú ý, động lực tăng trưởng tiếp theo của ngành sẽ đến từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020 cũng giúp các nhà xuất khẩu gỗ Việt Nam gia tăng thị phần tại các quốc gia thuộc khối châu Âu.

Bên cạnh đó, lộ trình các FTA song phương và đa phương như Hiệp định CPTPP, RCEP và các FTA song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng góp phần gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều phục hồi mạnh mẽ. Trong đó, 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc lần lượt tăng 47,79%, 22,76% và 5% so với tháng 09/2021.

Bên cạnh đó, nhiều thị trường châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Italia cũng tăng mạnh. Đặc biệt tại hai thị trường Trung Đông là UAE và Kuwait tăng tới 136,92% và 599,36% so với tháng 09/2021.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, Mỹ liên tục duy trì là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam và cũng là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong số các thị trường xuất khẩu chủ lực, đạt trên 7,204 tỷ USD, chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước.

Đặc biệt, ngày 1/10, Việt Nam ký thỏa thuận với Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp đã góp phần nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt Nam, làm nền tảng cho phát triển lâm nghiệp bền vững, phục vụ lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai nước.

Thị phần kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam trong 10 tháng năm 2021. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Thị phần kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam trong 10 tháng năm 2021. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp FDI tăng 43,41%

Tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng mạnh trở lại đạt 407 triệu USD, tăng 43,41% so với tháng trước đó, nhưng vẫn giảm 36,32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong ngành này đạt 6,152 tỷ USD, tăng tới 34,81% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 51,91% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ cả nước.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, với đà phục hồi hiện tại, mục tiêu xuất khẩu toàn ngành gỗ cả năm đạt 14,5 tỷ USD là khá khả quan. Trong những tháng cuối năm, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ tạo điều kiện với những chính sách của nhà nước ban hành, thông qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ.

Tin liên quan

Đọc tiếp