Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU chưa tận dụng hết cơ hội từ EVFTA do đâu?

XUẤT KHẨU EVFTA
18:40 - 25/11/2021
Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và dệt may da giày xuất khẩu sang EU còn nhỏ giọt, chỉ chiếm 1% - 2%
Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và dệt may da giày xuất khẩu sang EU còn nhỏ giọt, chỉ chiếm 1% - 2%
0:00 / 0:00
0:00
Nông sản là một trong những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Nhưng xuất khẩu của mặt hàng này sang EU lại chưa khai thác hết tiềm năng, số lượng còn nhỏ giọt, chưa mang thương hiệu Việt Nam và chưa tận dụng được hết lợi thế của EVFTA.

Sau một năm thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), xuất nhập khẩu hai chiều đã có những thành quả đáng kể. Tuy nhiên, kết quả của mặt hàng nông, thủy sản vẫn còn khiêm tốn và chưa đạt được như kỳ vọng.

Chỉ ra những khó khăn của nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang EU, ông Johan van den Ban, đại diện Tiểu ban nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã có những chia sẻ tại diễn đàn “Gặp gỡ châu Âu 2021: Đối tác Việt Nam - EU sau đại dịch và ra mắt sách trắng 2021” sáng 25/11.

Diễn đàn "Gặp gỡ châu Âu 2021: Đối tác Việt Nam - EU sau đại dịch và ra mắt sách trắng 2021”
Diễn đàn "Gặp gỡ châu Âu 2021: Đối tác Việt Nam - EU sau đại dịch và ra mắt sách trắng 2021

Theo ông Johan van den Ban, để có thể tận dụng tốt EVFTA trong xuất khẩu nông sản, cần đặt an toàn thực phẩm lên hàng đầu.

“Trong lĩnh vực phát triển thị trường trái cây và rau củ hữu cơ, Việt Nam đang gặp những thách thức quan trọng về kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật. Đây là vấn đề mấu chốt, bởi tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu không chỉ riêng EU mà cả các quốc gia khác”, ông Johan van den Ban nói.

Lĩnh vực thứ hai mà đại diện Tiểu ban nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nhắc đến là sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ông Johan van den Ban, Tổng giám đốc của tập đoàn De Heus Vietnam và Campuchia cho rằng, Việt Nam vẫn chú trọng số lượng nhiều hơn chất lượng, chúng ta vẫn còn thiếu những khuôn khổ pháp lý, nhưng lại quá nhiều những quy định còn phức tạp dẫn đến chi phí sản xuất sản phẩm hữu cơ đang ở mức cao.

Ảnh tác giả

“Để có thể tránh những chất bị cấm không được bán cho nông dân và thông tin được rõ ràng, minh bạch, Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát những nhà phân phối thuốc bảo vệ thực vật bất hợp pháp. Sản xuất cần tuân thủ các quy định của EU, lựa chọn, làm rõ những logo hữu cơ tiêu chuẩn và trao công nhận cho các công ty quốc tế theo dõi tốt hơn hoạt động của người nông dân”.

Ông Johan van den Ban, đại diện Tiểu ban nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của EuroCham

Ông Johan van den Ban cho rằng, để có cơ hội xuất khẩu các loại thịt theo ưu đãi thuế quan trong EVFTA, Việt Nam cần loại bỏ những khâu bất hợp pháp trong giết mổ, đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc đẩy mạnh hiện đại hóa ngành chế biến thịt sẽ giúp Việt Nam trở thành nguồn cung ứng thịt an toàn không những với thị trường EU mà còn với các thị trường khác trên thế giới.

Nhận định 2021 là một năm chuyển tiếp vô cùng quan trọng với nông nghiệp Việt Nam, ông Johan van den Ban đưa ra khuyến nghị: "Muốn tăng sản lượng xuất khẩu nông sản sang châu Âu, tận dụng triệt để hiệp định EVFTA, Việt Nam cần chú ý đến các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và tăng cường liên lạc với các cơ quan xúc tiến xuất khẩu của EU nhiều hơn nữa”.

Đưa ra những ý kiến đề xuất về logistic trong xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông sản Việt Nam nói riêng sang châu Âu, ông Hans Kerstens, đại diện Tiểu ban vận tải và hậu cần của EuroCham cho biết, Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng tại các cảng chính để giảm chi phí logistic, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ.

Ảnh tác giả

“Đây là điều quan trọng nhất đối với Việt Nam, xuất phát từ đặc điểm địa lý các con sông đều chảy ngang vào đất liền nên cần đẩy mạnh khai thác các tuyến đường thủy nội địa. Ngoài ra, việc phát triển các tuyến đường sắt nối liền các khu công nghiệp nội địa, kết nối với các nước láng giềng và kết nối sang châu Âu sẽ là giải pháp thay thế tốt cho các phương thức đang chịu áp lực giá thành cao hiện nay”.

Ông Hans Kerstens, đại diện Tiểu ban vận tải và hậu cần của EuroCham

Ông Hans Kerstens chia sẻ thêm, các hãng vận tải đang gặp khó khăn với các phương thức vận tải đến và đi từ Trung Quốc, nhất là vấn đề giao hàng tại biên giới chưa phát huy hết tiềm năng. Quá cảnh qua Việt Nam cũng chưa khai thác được tối đa, do đó chưa thể tối đa hóa ngành vận tải và gây nên sự tăng giá.

“Không làm một mình mà làm cùng nhau”

Đóng góp ý kiến về những phản ánh của các doanh nghiệp EuroCham, ông Ngô Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) bày tỏ sự ủng hộ triết lý của Eurocham, “không làm một mình mà làm cùng nhau”.

Với vai trò là đầu mối thúc đẩy xúc tiến thương mại hai bên, ông Phú đưa ra nhận định, lợi thế lớn của EVFTA đối với Việt Nam chủ yếu ở các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và dệt may da giày, tuy nhiên kết quả lại chưa được như mong muốn.

Ông Phú dẫn chứng, các sản phẩm vừa nêu trên khi xuất khẩu sang EU còn nhỏ giọt, chỉ chiếm 1% - 2% và còn chưa được mang thương hiệu của Việt Nam hoặc các doanh nghiệp EU sản xuất ở Việt Nam, mà chỉ ở dưới danh nghĩa các công ty xuyên quốc gia”.

“Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nhưng nhận thức của các cấp cũng như của doanh nghiệp còn chưa cao. Tôi nhấn mạnh đây không phải nằm ở vấn đề ý thức mà do năng lực còn hạn chế”, ông Phú phân tích.

Ảnh tác giả

“Việt Nam – EU chưa gắn được thu hút đầu tư và thúc đẩy thương mại song phương thông qua các hiệp định chuyển giao công nghệ hay hỗ trợ kỹ thuật. Vai trò của các tổ chức tư vấn trong EuroCham nằm ở đâu? Những tổ chức đó của EU hoạt động ở Việt Nam còn rất ít”.

Ông Ngô Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại

Từ những phân tích trên, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại đưa ra bốn đề xuất:

Thứ nhất, Việt Nam và EU cần làm việc, phối hợp hợp tác chặt chẽ, thường xuyên và gần gũi hơn trong kết thúc đẩy thương mại song phương.

Thứ hai, các tổ chức của EU hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất canh tác thông minh hơn, sạch hơn, chất lượng hơn, đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU nói riêng và thế giới nói chung.

Thứ ba, hai bên có thể hỗ trợ nhau thông minh hơn dựa trên các công nghệ số, Bộ Công Thương Việt Nam đang xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và mong EU hỗ trợ, tham gia nhiệt tình vào hệ sinh thái này.

Thứ tư, hai bên cần tăng cường phối hợp trong lĩnh vực logistics, đẩy mạnh logistics đa phương tiện, kết hợp đường thủy, đường bộ xuyên quốc gia.

Khẳng định sẽ cùng Eurocham tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, từ nay đến cuối năm, Chính phủ cùng các bộ sẽ công khai cổng cơ sở dữ liệu tham vấn quy định kinh doanh. Đây là một công cụ số trong cải cách đã được nhiều nước sử dụng để theo dõi, đánh giá kết quả cải cách quốc gia.

“Chúng tôi mong muốn thông qua kênh tham vấn này, các tiểu ban sẽ cùng Chính phủ đẩy mạnh quá trình cải cách của Việt Nam, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hai bên”, ông Phan nói.

Hoàn toàn chia sẻ và nhất trí ủng hộ các kiến nghị của các doanh nghiệp châu Âu, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị các bộ có biện pháp xử lý nhanh hơn, ổn định và mạnh mẽ hơn.

Ông Công cho rằng ngoài vấn đề môi trường kinh doanh, chúng ta nên đề cập đến văn hóa và đạo đức kinh doanh và mong rằng có sự chia sẻ thực tiễn, tham gia xây dựng của EuroCham trong vấn đề này.

Tin liên quan

Đọc tiếp