Khu vực Nam Á là thị trường đầy tiềm năng và "dễ tính"

XNK Nam Á
13:29 - 24/11/2021
Khu vực Nam Á là thị trường đầy tiềm năng và "dễ tính"
0:00 / 0:00
0:00
Với dân số gần 1,9 tỷ người, tập trung chủ yếu tại Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, khu vực Nam Á được đánh giá có vị trí quan trọng, là thị trường tiềm năng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo: "Cơ hội xuất nhập khẩu với khu vực Nam Á kết hợp kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nam Á".

Hội thảo do Bộ Công Thương phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ và Pakistan, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bangladesh, và các cơ quan liên quan tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Thị trường tiềm năng với 1,9 tỷ dân và "dễ tính"

Nam Á gồm Ấn Độ, Bangladesh, Sri lanka và Nepal. Trong đó, Ấn Độ là nền kinh tế lớn nhất, chiếm 79% GDP của cả khu vực, Pakistan chiếm 11% GDP, Bangladesh chiếm 6%. Với diện tích khoảng 4 triệu km2 chiếm khoảng 10% diện tích châu Á, dân số gần 1,9 tỷ người, tập trung chủ yếu tại Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Khu vực này có vị trí quan trọng không chỉ về mặt địa chiến lược mà còn cả về mặt kinh tế.

Ấn Độ và Bangladesh là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á. Năm 2020, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 9,7 tỷ USD, chiếm 86% tổng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước khu vực Nam Á. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Bangladesh đạt 780 triệu USD.

Ấn Độ là quốc gia duy nhất trong khu vực Nam Á có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Những năm qua, kim ngạch song phương giữa Việt Nam với các nước Nam Á đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ. Kim ngạch thương mại hai nước đã tăng 3,5 lần từ, 2,7 tỷ USD lên 9,6 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2020.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại của Việt Nam với Ấn Độ và Bangladesh vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020-2021.

Tính lũy kế 10 tháng năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ đạt 11 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm 2020, kim ngạch thương mại Việt Nam – Bangladesh cũng tăng trưởng ấn tượng 74% so với cùng kỳ, đạt 1,1 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Ông Đỗ Trọng, Tham tán Việt Nam tại Bangladesh cho biết, Bangladesh có 166 triệu dân, đứng thứ 8 thế giới, diện tích gần 144.000 km2. Đất nước này có 4 cảng biển, trong đó có 2 cảng chính là cảng Dhaka và cảng Chittagon. Các đường bay đến Bangladesh gồm có 3 chặng bay cơ bản, chặng thứ nhất bay qua Singapore, chặng thứ 2 bay qua Thái Lan và chặng thứ ba bay qua Myanmar. Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao được 48 năm và có đại sứ quán ở lẫn nhau.

Thực phẩm chính ở Bangladesh là gạo, lúa mỳ, rau đậu, cá và thực vật ; cây trồng chính là đay, lúa, lúa mì, khoai tây, chè, thuốc lá và mía. Hàng hóa của Việt Nam chưa xuất hiện nhiều ở Bangladesh nhưng được ưa chuộng và khá đắt đỏ, thông thường giá mặt hàng của Việt Nam ở Bangladesh được bán đắt hơn từ 100 đến 200 nghìn đồng so với trong nước.

Có khoảng 180 doanh nghiệp (DN) Việt Nam hoạt động ở Bangladesh, trong đó, có khoảng 30 DN hoạt động thường xuyên, và có 3 DN sử dụng hoàn toàn nguồn vốn của Việt Nam.

Bangladesh hiện đang như một công trường lớn khi nước này đẩy mạnh xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông đa dạng, phát triển phương tiện giao thông, nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân cũng tăng lên. Tuy nhiên, ở Bangladesh hoàn toàn không có núi đá, chỉ khai thác các mỏ đá ngầm.

Theo Trung tâm thương mại Thế giới ITC, Bangladesh là thị trường nhập khẩu clinker lớn thứ 3 trong khu vực Nam Á, chiếm khoảng 1,1% thị phần nhập khẩu xi măng toàn thế giới.

Các loại vật liệu xây dựng có tiềm năng xuất khẩu sang Ấn Độ và Bangladesh. Ảnh minh họa

Các loại vật liệu xây dựng có tiềm năng xuất khẩu sang Ấn Độ và Bangladesh. Ảnh minh họa

Ngoài ra, Bangladesh còn có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm như: Phụ kiện điện tử, máy móc thiết bị, các sản phẩm của các thương hiệu lớn được sản xuất tại Việt Nam được người dân Bangladesh yêu thích; các loại hạt, các loại quả; các sản phẩm đóng hộp đóng chai; các loại gia vị như hành khô, ớt,…; giầy dép quần áo, chủ yếu là giày thể thao.

Bangladesh có nền công nghiệp đơn, giản phát triển mạnh nhất là đay, vì vậy các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của nước bạn là sợi đay và các sản phẩm sản xuất từ đay; nguyên phụ liệu ngành may và da giày; thịt bò; một số sản phẩm thuốc chữa bệnh,… Hiện nay, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại thuốc của Ấn Độ mà có nhà máy ở Bangladesh.

Thương vụ Việt Nam ở Ấn Độ cũng cho biết, Việt Nam còn nhiều cơ hội xuất khẩu đối với thị trường rộng lớn với gần 1,4 tỷ dân này. Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho hay, nền kinh tế nước này cơ bản đã phục hồi, tình trạng ổn định, tất cả nền kinh tế đã mở cửa, các nhà hàng, khách sạn, các chuyến bay thương mại đã mở cửa, ngành du lịch trở lại và thậm chí còn thu hút sự quan tâm của du khách hơn cả thời điểm trước đại dịch.

Bangladesh và Ấn Độ là hai quốc gia có độ tăng trưởng kinh tế lớn nhất trong khu vực Nam Á và thu nhập của người dân các quốc gia này đang ngày càng lên cao. ISCD dự báo rằng tầng lớp trung lưu của Ấn Độ sẽ đạt 1 tỷ người vào năm 2039, đạt 64,8% dân số.

Còn đối với Bangladesh, tầng lớp trung lưu sẽ chiếm khoảng 25% vào năm 2025, và tăng lên 33% vào năm 2030. Như vậy, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn đồng nghĩa với sức mua cũng càng tăng, gợi mở ra tiềm năng xuất khẩu ngày càng lớn đối với Việt Nam

Một số mặt hàng tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Nam Á có thể kể đến là vật liệu xây dựng. Nhu cầu xây dựng hạ tầng trong nước và xây dựng nhà ở của người dân tăng cao, nhu cầu về vật liệu xây dựng như xi măng, sắt, thép, clinker, đá núi, đá xây dựng tại các quốc gia này sẽ tăng theo.

Mặt hàng nông, thủy sản, các loại gia vị, như điều, hành, nghệ, gừng, quế hồi và thủy sản là những mặt hàng mà người dân khu vực Nam Á có nhu cầu cao trong tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu.

Trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tiêu sang Ấn Độ đạt 35,6 triệu USD, tăng 56%so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 11,9 triệu USD, tăng 65% . Kim ngạch xuất khẩu gạo sang Bangladesh cũng đạt 32 triệu USD, tăng 11.000% so với cùng kỳ năm trước.

Các hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng hàng ngày như đồ nhựa gia dụng, hóa mỹ phẩm, quạt, động cơ quạt, đồ gia dụng phục vụ đời sống hàng ngày của người dân hoặc các loại hóa chất công nghiệp phục vụ sản xuất cũng là những nhóm hàng mà DN các nước Ấn Độ và Bangladesh quan tâm.

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ. Ảnh chụp tại hội thảo

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ. Ảnh chụp tại hội thảo

Bên cạnh đó, đây là thị trường tương đối dễ tính, không có nhiều quy định khắt khe, có nhu cầu cao và đều đặn, nhu cầu cao đối với các sản phẩm trung bình với mức giá bình dân.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Khánh Linh, Ủy viên Ban chấp hành - Hội người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal, Ấn Độ hiện đang chấp nhận các giấy phép chứng nhận sản phẩm được cấp tại quốc gia sản xuất và chỉ xét nghiệm các tiêu chí về an toàn thực phẩm, các tiêu chí về chất lượng sản phẩm của Ấn Độ tại hải quan.

Các DN cũng có thể tận dụng các ưu đãi thuế quan của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ, AIFTA, để hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có tính cạnh tranh hơn trên thị trường Ấn Độ.

Cần tìm hiểu kỹ thông tin, chính sách của các nước sở tại

Ngoài Ấn Độ, các thị trường khác ở khu vực Nam Á vẫn được coi là mới mẻ với DN Việt Nam.

Hiện tại, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ vẫn đang gặp khó khăn do một số quy định của nước sở tại như giá nhập khẩu tối thiểu đối với hạt tiêu, hạt điều, giấy phép nhập khẩu đối với mặt hàng hương, nhang, ti vi màu.

Bà Mini Kuman, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam cho rằng hiện nay, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự trao đổi thông tin kịp thời về các chính sách, tiêu chí xuất nhập khẩu giữa hai nước, gây nên sự thiếu sót của DN đối với việc đáp ứng yêu cầu về mặt hàng khiến đơn hàng đó bị chặn lại ở cửa khẩu nước bạn và phải quay trở về nước.

Quy định mới về quản lý xuất xứ hàng hóa đặc biệt có thể khiến các mặt hàng bị điều tra hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại buộc các DN Việt Nam phải tìm hiểu và đáp ứng các yêu cầu và thích nghi để có thể thâm nhập vào thị trường Ấn Độ. Hạn chế về thông tin cũng là một khó khăn cho hoạt động thương mại giữa DN Việt Nam với DN Nam Á.

Hiện tại, Việt Nam mới có cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ và Pakistan, chưa có tại Bangladesh và các quốc gia Nam Á khác. Điều này cũng khiến cho hoạt động giới thiệu quảng bá hàng Việt Nam và hỗ trợ DN gặp nhiều hạn chế.

Việc thiếu thông tin cũng dẫn đến các rủi ro cho DN trong khâu thanh toán với các đối tác khi các đơn hàng thường diễn ra qua khâu trung gian nên không ít trường hợp DN Việt Nam gặp tình trạng lừa đảo, gian lận thương mại.

Để phát triển hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu với các thị trường Nam Á nói chung và Ấn Độ, Bangladesh nói riêng, DN Việt Nam cần lưu ý đến đặc điểm các thị trường Nam Á khi xuất khẩu.

Sự khác biệt về văn hóa được coi là trở ngại khá lớn đối với DN. Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này và tăng thị phần của hàng Việt Nam, các DN cần tìm hiểu thêm vài nét cơ bản về lịch sử, phong tục tập quán, khả năng kinh tế, thói quen tiêu dùng và sức mua của từng nhóm đối tượng khác nhau.

Bên cạnh đó, DN cần chú trọng phát triển ngành hàng xuất khẩu phù hợp để duy trì xuất khẩu ổn định sang thị trường Nam Á, chủ động phát triển ngành hàng xuất khẩu theo hướng: đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, nâng cao tính cạnh tranh của từng loại sản phẩm xuất khẩu về giá cả, mẫu mã, chất lượng.

Lưu ý, các nước Nam Á thường không đòi hỏi chất lượng sản phẩm quá cao nhưng phải có tính ổn định và giá rẻ. Tuy nhiên, khi tiếp cận với thị trường áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ, DN cần nhìn nhận theo hướng tích cực do nhu cầu trong nước cao, khách hàng dễ tính, hàng hóa nước ngoài dễ thâm nhập nên nhà nước sở tại áp dụng biện pháp bảo hộ và coi đây là cơ hội mạnh dạn làm ăn kinh doanh tại thị trường nước ngoài.

Tin liên quan

Đọc tiếp