Thị trường 'xanh vỏ đỏ lòng', cổ phiếu Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng hơn 10%

bsr VN INDEX
16:20 - 06/06/2022
VN-Index tăng điểm nhưng số mã giảm trên sàn HoSE nhiều gấp đôi mã tăng. Vietstock
VN-Index tăng điểm nhưng số mã giảm trên sàn HoSE nhiều gấp đôi mã tăng. Vietstock
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index có thời điểm đã vượt mốc 1.300 điểm, nhưng lực bán tung ra mạnh mẽ cuối phiên đã hủy bỏ thành quả. Nhóm dầu khí sau 2 phiên điều chỉnh tiếp tục trở lại đường đua, trong đó mã BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn trở thành tâm điểm của phiên.

Thị trường hôm nay vẫn giao dịch trong trạng thái giằng co nên khi kết phiên, VN-Index chỉ tăng 2 điểm. HNX giảm 3,6 điểm còn UPCoM cũng giảm 0,3 điểm. Tuy nhiên điểm tích cực là thanh khoản đã có sự cải thiện với dòng tiền “vợt hàng” đã gia nhập mạnh mẽ hơn. Thực tế, chỉ số VN-Index đã có lúc tăng hơn 10 điểm, vượt qua mốc 1.300. Nhưng lực bán vào những phút cuối đã kéo lùi thành quả. Dù vậy, dòng tiền mua hấp thụ gần hết hàng bán đã cho thấy tâm lý nhà đầu tư không còn dè dặt.

Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 20.651 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với các phiên vừa qua. Trong đó, giao dịch của khối ngoại chiếm hơn 4.000 tỷ đồng. Họ mua ròng nhẹ 52 tỷ đồng với 2 mã phân bón được mua nhiều nhất là DCM và DPM. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng được mua nhiều, tiếp theo là MSN, VHM, CTG, PNJ, HDB, HSG, HDG, FRT… Trong khi đó, HPG dẫn đầu chiều bị bán ròng, sau đó là STB, GMD, DXG, NVL, REE, SSI, VIC, TPB…

Triển vọng BSR

Các mã có đóng góp tích cực nhất trong phiên hôm nay là GAS, VCB, MSN, SAB, PLX, DPM, DCM… Với sự dẫn đầu của GAS, nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục thăng hoa sau hai phiên đảo chiều. Đa số các mã đều kết phiên trong sắc xanh với tỷ lệ tăng mạnh. Đáng chú ý là BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng 10,1%. Từ phiên 13/5 đến nay, mã dầu khí này liên tục leo dốc và tính hết phiên hôm nay đã tăng 64%, từ mức giá 18.500 đồng lên 30.400 đồng. Đây cũng là mức đỉnh cao nhất của cổ phiếu này.

Theo BSR, tính đến tháng 5, sản lượng sản xuất của công đạt 2,84 triệu tấn và bằng 44% kế hoạch cả năm; sản lượng tiêu thụ đạt 2,75 triệu tấn và bằng 42% kế hoạch năm. Doanh thu của BSR đạt trên 65.840 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 5 tháng đầu năm ước đạt 6.764 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch 1.295 tỷ đồng được giao.

Kết quả kinh doanh BSR khởi sắc trong bối cảnh giá dầu Brent biến động tăng từ vùng 102 USD/thùng lên 117 USD/thùng. Theo đó, giá xăng trong nước tăng tại kỳ điều hành ngày 1/6, giá xăng RON 95 lập kỷ lục mới khi tăng 921 đồng/lít lên 31.578 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 602 đồng lên mức 30.235 đồng/lít.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá triển vọng của BSR khá lạc quan với giá mục tiêu 35.400 đồng/cp. Các điểm nhấn đầu tư mà ABS đưa ra là: BSR đang dẫn đầu thị trường xăng dầu trong nước với 36% thị phần; doanh thu từ cung cấp xăng, dầu, LPG chiếm gần 90% cơ cấu doanh thu; tình hình tài chính lành mạnh với lượng tiền dồi dào và tỷ lệ đòn bẩy thấp; triển vọng tiêu thụ xăng dầu khả quan; giá dầu dự kiến tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới…

Cổ phiếu BSR bứt phá mạnh mẽ trong 3 tuần qua. TradingView

Cổ phiếu BSR bứt phá mạnh mẽ trong 3 tuần qua. TradingView

Ngoài nhóm xăng dầu, nhóm nhựa – hóa chất, bán lẻ, ngân hàng, vận tải – kho bãi, bán buôn cũng ghi nhận lực mua mạnh hơn bán. Tuy nhiên mức tăng không nhiều, dòng tiền phân bổ vào các cổ phiếu cũng có sự phân hóa. Như tại nhóm ngân hàng, VCB với tỷ lệ tăng 2,8% trở thành trụ cột của nhóm. BAB, KLB, MSB, NVB, VIB cũng ở chiều tăng, còn lại là giảm giá hoặc đứng ở mức tham chiếu.

Với chiều giảm, thủy sản là nhóm rơi mạnh nhất với tỷ lệ vốn hóa -4,05%. ANV sau chuỗi tăng nóng bị chốt lời, giảm hết biên độ. VHC cũng giảm 4,8%, IDI -3,4%...

Nhóm nông nghiệp, xây dựng, bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, công nghệ thông tin, thép cũng đều ở chiều giảm. Tại nhóm xây dựng và bất động sản, DIG, DXG, HBC, FLC, ROS đồng loạt nằm sàn. Các bluchip như VIC, VHM, NVL, BCM, KDH, REE, KSF, KBC, SJG, CEO, NLG, BCG… cũng ở chiều giảm.

Có thể thấy, mặc dù thị trường kết phiên trong sắc xanh nhưng trong trạng thái xanh vỏ đỏ lòng. Trên sàn HoSE, số mã giảm điểm chiếm áp đảo với 230 mã, hơn gấp đôi số mã tăng và đây là phiên thứ 4 liên tiếp VN-Index chưa thể chinh phục được mốc 1.300 điểm.

Bên cạnh sự thiếu tương đồng của thị trường, một điểm đáng chú ý khác chính là xu hướng kéo trụ để xả, khi các mã lớn, đặc biệt là GAS tiếp tục có những phiên tăng tốc mạnh trong bối cảnh thị trường thiếu sự đồng thuận, cho thấy xác suất rủi ro khá cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích thì việc điều chỉnh của thị trường là khá hiện hữu, nhưng khó giảm sâu và sốc như thời điểm trước đây.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.