Thủ tướng dự lễ khởi công Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Sân Bay Hạ Tầng
22:43 - 24/12/2022
Lễ khởi công dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: VGP.
Lễ khởi công dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 24/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM), với tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng, dự kiến sẽ chạy thử vào cuối năm 2024.

Dồn lực cho hạ tầng vận tải hàng không

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, TP HCM, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp cùng tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn, nhất là các thủ tục về đất đai, đầu tư, vốn và hoàn thành các thủ tục theo quy định để khởi công dự án quan trọng này và có ý nghĩa này.

Cùng với đó là sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành giao thông, của cộng đồng doanh nghiệp, của các địa phương, người dân.

Khẳng định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược, Thủ tướng nhấn mạnh cần đa dạng hóa các phương thức vận tải nhằm chia sẻ, kết nối liên thông trong và ngoài nước, có ý nghĩa quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tập trung nhiều nguồn lực của Nhà nước và nhà đầu tư, nhất là vốn xã hội cho phát triển hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng kết nối chiến lược nói riêng. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng vận tải ngành hàng không vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng, phát triển của quốc gia và quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Lễ khởi công ngày hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu. Để hoàn thành, đưa nhà ga vào khai thác còn rất nhiều việc phải làm, nhiệm vụ còn rất nặng nề và đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện". Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Lễ khởi công ngày hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu. Để hoàn thành, đưa nhà ga vào khai thác còn rất nhiều việc phải làm, nhiệm vụ còn rất nặng nề và đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện". Ảnh: VGP.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP HCM, các Bộ, ngành liên quan, chỉ đạo chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, UBND TP HCM tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng đợt 2 theo tinh thần Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 28/7/2022 của Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện dự án Nhà ga hành khách T3 và Dự án đường giao thông kết nối với Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chủ động phối hợp với UBND TP HCM, các Bộ/ngành, các cơ quan liên quan để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

UBND TP HCM chủ động đẩy nhanh các dự án giao thông kết nối với nhà ga hành khách T3 để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả khi đưa Nhà ga hành khách T3 vào khai thác.

Trong quá trình xây dựng, triển khai dự án và kết nối giao thông, nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng, UBND TP HCM và các bộ, ngành cần quan tâm việc giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, nhanh chóng ổn định tình hình, đời sống người dân, cố gắng nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

Thủ tướng yêu cầu nhà thầu đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện, làm có hiệu quả bằng sản phẩm cụ thể, đúng chất lượng, đúng quy định, đúng thời gian, không lãng phí, tiêu cực.

Nhà ga có công suất 20 triệu hành khách/năm

Sân bay Tân Sơn Nhất là 1 trong 3 cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất của Việt Nam, đang khai thác một ga quốc tế và một ga quốc nội, trong đó ga quốc nội có công suất thiết kế 15 triệu hành khách/năm.

Tuy nhiên, lượng hành khách quốc nội hiện nay đang khai thác là hơn 26 triệu hành khách/năm, quá tải hơn 1,7 lần so với công suất thiết kế, xảy ra ùn tắc. Với tốc độ phát triển bình quân 14,5%/năm trong những năm qua, dự kiến ga quốc nội sẽ quá tải gấp hơn 2 lần vào năm 2024.

Cần tập trung phát triển hạ tầng hàng không. Ảnh: VGP.

Cần tập trung phát triển hạ tầng hàng không. Ảnh: VGP.

Do đó, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất được thi công nhằm tháo gỡ ùn tắc. Dự án dự kiến thi công trong 24 tháng, hoàn thành và chạy thử vào cuối năm 2024, với tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Dự án huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu của ACV (70%) và vốn vay thương mại (chiếm 30%).

Sau khi hoàn thành, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ khai thác 90% chuyến bay nội địa, 10% chuyến bay quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ khai thác 10% chuyến bay nội địa, 90% chuyến bay quốc tế.

Theo Quy hoạch chi tiết đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sân bay Tân Sơn Nhất có sản lượng hành khách đạt 50 triệu hành khách/năm, hàng hóa khoảng 0,8 đến 1 triệu tấn hàng hóa/năm.

Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ giảm bớt tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ TP HCM, ùn tắc tại nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tăng công suất phục vụ hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, phục vụ người dân.

Kiến trúc nhà ga hành khách T3 được thiết kế lấy cảm hứng từ tà áo dài truyền thống, có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500 m2.

Nhà ga có hình tuyến tính tương đồng với nhà ga hiện hữu, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động và 42 kiosk check in, 27 cửa ra tàu bay (trong đó 13 cửa bằng ống lồng và 14 cửa bằng xe bus), có 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách.

Ga T3 sau khi hoàn thành sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tàu bay Code C và Code E, được thực hiện đồng thời với các công trình mở rộng đường giao thông kết nối do TP HCM làm chủ đầu tư, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Trước đó, vào tháng 7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát hiện trường và có cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương nhằm quyết liệt thúc đẩy tiến độ các dự án nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất, giải quyết tình trạng quá tải, ùn tắc tại sân bay này.

Năm 2020, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, thời gian hoàn thành dự án sau 37 tháng kể từ ngày khởi công. Song dự án gặp một số vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai như việc bàn giao đất, giải phóng mặt bằng, các thủ tục liên quan tới quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong sân bay.

Cùng với đó, dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng hoàn thành hồi tháng 4/2022, nhưng do vướng 12 ụ bê tông thuộc công trình quốc phòng trong sân bay nên ảnh hưởng tới hoạt động khai thác các máy bay cỡ lớn.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo giải quyết các vướng mắc rất cụ thể, nhấn mạnh các công việc phải theo tinh thần "làm ngày làm đêm" để triển khai thủ tục nhanh nhất, tiết kiệm nhất, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, không vì thủ tục hành chính mà cản trở sự phát triển.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.