Thúc đẩy phát triển liên kết vùng và tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế

KINH TẾ Việt nAM
16:20 - 23/10/2023
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ xác định đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Chiều 23/10, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau nửa nhiệm kỳ, cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nền tảng phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu giai đoạn 2021-2023 dự kiến có sự thay đổi tích cực hơn so với giai đoạn 2016-2018. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, dự báo kinh tế sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết.

Trong đó, nổi bật là nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Xuất siêu 8 năm liên tiếp, năm 2021 đạt 3,5 tỷ USD, năm 2022 đạt 12,1 tỷ USD, năm 2023 ước đạt 15 tỷ USD.

Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Theo giá hiện hành, GDP năm 2021 đạt 8.479,7 nghìn tỷ đồng (khoảng 366,1 tỷ USD); năm 2022 ước đạt 9.513,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 408,7 tỷ USD); năm 2023 ước đạt 10.286,8 - 10.384,6 nghìn tỷ đồng (khoảng 435,4 - 439,5 tỷ USD).

Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi. Tốc độ tăng GDP năm 2021 đạt 2,56%, được thế giới đánh giá là tích cực, trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm; năm 2022 tăng 8,02%; năm 2023 ước đạt khoảng trên 5%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra, nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.

Các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ Chính phủ 3 năm được kiểm soát thấp hơn giới hạn, ngưỡng cảnh báo. Đến hết năm 2023, ước dư nợ công là 39-40% GDP, dư nợ Chính phủ là 36-37% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 37-38% GDP, thấp hơn ngưỡng cảnh báo quy định của Quốc hội.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận, áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm (6,5-7%) rất lớn. Năm 2023, nhiều động lực tăng trưởng chính chậm lại, các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro.

"Sau đại dịch Covid-19, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn; hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng", Chính phủ nhìn nhận.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip, bán dẫn

Dự báo thời gian tới khó khăn, thách thức còn rất lớn, Chính phủ xác định sẽ tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh.

Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế; triển khai nhanh, hiệu quả Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, phát huy mạnh mẽ hiệu quả các Hội đồng điều phối vùng.

Một trong những giải pháp được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập là nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn, vật liệu mới; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong đó, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao (như chip, bán dẫn), tập trung đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip điện tử đến năm 2025 và 2030. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế để phát huy vai trò chủ đạo, động lực của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chính phủ cũng hướng đến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu vực tại TP HCM và Đà Nẵng. Huy động nguồn lực hợp tác công tư và nguồn lực xã hội cho phát triển.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh việc rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra.

Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5-7% vô cùng khó khăn

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề cơ cấu kinh tế chưa có nhiều thay đổi, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, năng suất lao động bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 4,36-4,69%, thấp hơn mức 6,26% của 3 năm 2016-2018.

Bên cạnh đó, chất lượng thu ngân sách Nhà nước còn yếu tố chưa bền vững, vượt thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, dầu thô. Thu hút FDI mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn. Giải ngân đầu tư công không đạt kế hoạch.

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2024-2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023, nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 6,5%-7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020 (6,25%) là "nhiệm vụ vô cùng khó khăn".

Thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số gắn với nâng cao năng lực nội tại.

Đồng thời, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, khuyến khích phát triển lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo và sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước…

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.