Thương vụ mua lại 900 triệu USD giữa Hybe và SM gây lo ngại độc quyền

M&A HÀN QUỐC
21:15 - 16/02/2023
Trụ sở của Hybe tại Yongsan, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Soompi
Trụ sở của Hybe tại Yongsan, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Soompi
0:00 / 0:00
0:00
Ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đang trải qua nhiều biến động khi tập đoàn giải trí Hybe thông báo kế hoạch mua lại 40% cổ phần của đối thủ SM Entertainment với mức giá gần 900 triệu USD, gây ra nhiều lo ngại về vấn đề độc quyền.

Hồi đầu tháng 2/2023, biến động trong thị trường âm nhạc Hàn Quốc xuất hiện khi Hybe đồng ý mua lại 14,8% cổ phần từ người sáng lập tập đoàn SM Entertainment Lee Soo Man - chỉ 3 ngày sau khi tập đoàn này đạt được thỏa thuận bán 9,05% cổ phần cho gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Kakao Corp. Không dừng lại ở đó, hãng tin Reuters cho biết công ty này cũng đang muốn tìm cách mua thêm 25% cổ phần của SM thông qua một đề nghị đấu thầu.

Hybe là một tập đoàn giải trí có giá trị thị trường rơi vào mức 6 tỷ USD và là công ty đứng sau các thần tượng hàng đầu Kpop hiện tại như nhóm nhạc toàn cầu BTS hay nhóm nhạc nữ NewJeans. Trong khi đó, SM Entertainment là công ty tiên phong trong ngành công nghiệp âm nhạc của Hàn Quốc và là một trong các yếu tố giúp thị trường này mở rộng ra thế giới nhờ các nhóm nhạc huyền thoại như Girls Generation, Super Junior hay TVXQ.

Cùng với nhau, 2 công ty này tạo nên một lực lượng thống trị ngành kinh doanh âm nhạc của Hàn Quốc vốn đang phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới. Theo giám đốc điều hành Quỹ Align Partners Lee Chang Hwan - một cổ đông của SM – dữ liệu từ Circle Chart cho biết Hybe và SM đang chiếm tới 52% tổng doanh thu toàn ngành trong năm 2022.

Do đó, việc Hybe lên kế hoạch thâu tóm 40% cổ phần của SM Entertainment với mức giá 884 triệu USD đang vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia trong ngành do các lo ngại về vấn đề độc quyền và tính minh bạch của giao dịch.

Đồng thời, ông Lee Chang Hwan nhận định nó cũng đặt ra những vấn đề mới lên tính đa dạng của ngành công nghiệp Kpop mà Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc cần phải cân nhắc kỹ khi phê duyệt các giao dịch mua lại.

Nhận định về thương vụ này, Hybe ngày 16/2 cho biết tập đoàn "có kế hoạch nỗ lực hết sức để thúc đẩy cơ cấu quản trị của SM Entertainment" và hoạt động hiệu quả để tăng lợi nhuận cho các cổ đông thiểu số. Đồng thời, tập đoàn cũng khẳng định sẽ phối hợp hết sức với cơ quan giám sát chống độc quyền của Hàn Quốc trong công tác đánh giá giao dịch mua lại này.

Ngoài ra, tập đoàn cũng khẳng định việc mua lại là một bước tiến quan trọng nhằm “kết hợp chuyên môn toàn cầu của cả 2 công ty”, từ đó tạo nên yếu tố thay đổi cuộc chơi của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu”.

Trên thực tế, việc mua lại 40% cổ phần của SM Entertainment không phải là động thái mở rộng gây bất ngờ duy nhất của Hybe trong khoảng thời gian gần đây. Ngày 9/10, công ty đã công bố một thỏa thuận lớn khác tại thị trường Mỹ khi mua lại chủ sở hữu của Quality Control, một công ty hip-hop đại diện cho các nghệ sĩ nổi tiếng bao gồm Migos và Lil Yachty.

Theo CNN trích dẫn Sunhwa Lee, nhà phân tích giải trí và internet tại KB Securities, thỏa thuận trên sẽ giúp Hybe xây dựng sự hiện diện mạnh mẽ hơn trên thị trường âm nhạc Mỹ. Đồng thời, nó cũng thể hiện tham vọng rộng lớn hơn của công ty trong việc vượt ra khỏi ranh giới Kpop phát triển các nghệ sĩ toàn cầu mới ở nhiều thể loại khác nhau.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.