Tiến độ giải ngân: 'Con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định'

GIẢI NGÂN VỐN QUỐC HỘI
11:25 - 28/10/2022
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên).
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên).
0:00 / 0:00
0:00
Thảo luận trên nghị trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 sáng 28/10, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm đến tiến độ giải ngân của các chương trình mục tiêu.

Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) nhận định, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được tập trung chỉ đạo bước đầu thực hiện hiệu quả. Quốc hội, Chính phủ đã mạnh dạn phân cấp cho các địa phương, từ đó tập trung tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt tiến độ đề ra; việc phân bổ, triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; các văn bản hướng dẫn của một số bộ, ngành còn chưa rõ... Từ đó làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Lý Thị Lan đề nghị Chính phủ tiếp tục điều hành quyết liệt, thận trọng, linh hoạt như trong giai đoạn vừa qua, trong đó quyết liệt triển khai tháo gỡ, giải ngân vốn đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế.

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn sang năm 2023. Đồng thời cũng đề nghị không vì việc kéo dài này mà giảm đi số vốn cho các địa phương để đảm bảo đúng tiến độ mục tiêu của chương trình.

Đại biểu Lý Thị Lan.

Đại biểu Lý Thị Lan.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) nêu ý kiến, kết quả thực hiện của nghị quyết của Quốc hội về tài chính ngân sách Nhà nước 9 tháng 2022, một số lĩnh vực chưa đạt mục tiêu.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 46,7%, vốn đầu tư phát triển của 3 chương trình đầu tư quốc gia đạt 3,86%, các chính sách tài khoá tiền tệ thực hiện nghị quyết số 43 của Quốc hội mới đạt 20%. Có thể nói là chậm trễ, gây ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và 2023.

Theo đại biểu, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công, các chính sách tài khoá tiền tệ... chậm một phần là do việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện còn chậm, chưa đồng bộ, còn vướng mắc. Một số cơ chế phân cấp cho các địa phương khó cụ thể, phải trải qua quy trình, quyết định của hội đồng nhân dân nên mất nhiều thời gian.

Công tác phân bổ vốn, giao vốn còn chậm dẫn, hết tháng 9/2022 mới hoàn thành giao vốn cho các địa phương. Công tác tổ chức thực hiện còn hạn chế dẫn đến độ trễ của chính sách kéo dài.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục, đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu, rút ngắn thời gian phân bổ vốn giao vốn.

Đại biểu Đỗ Thị Lan.

Đại biểu Đỗ Thị Lan.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho rằng, việc giải ngân chậm cho đầu tư phát triển, các chương trình mục tiêu quốc gia, các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội do vướng mắc về quy trình, thủ tục khi triển khai các kế hoạch, chương trình. Tuy nhiên, yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả công việc cụ thể. Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện không hiệu quả thì cần xem xét thuyên chuyển, bố trí công việc khác phù hợp hơn với năng lực sở trường.

Bàn về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) nhìn nhận tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 47%, ước thực hiện đến cuối năm đạt 96% là "con số rất ấn tượng", cho thấy Chính phủ, ngành, địa phương rất tích cực thúc đẩy. Đây là tín hiệu đáng mừng cho những năm sau có vốn đầu tư công lớn, cần giải ngân nhanh.

Con số giải ngân tuyệt đối rất cao, tuy nhiên đại biểu đề nghị Chính phủ lưu ý các bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp, tìm ra nguyên nhân do đâu để khắc phục. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý đến công tác kế hoạch vốn trung hạn.

Một trong những nguyên nhân giải ngân chậm theo báo cáo thẩm tra là tình trạng vốn chờ dự án, dự kiến vốn trước rồi mới làm các bước tiếp theo hồ sơ, đặc biệt là vốn ODA. Từ đó có thực trạng có bộ, ngành xin trả lại hồ sơ và vốn vì chưa đầy đủ. Việc này gây áp lực lớn cho ngân sách, phải trả lãi trần nợ công mà chưa giải ngân được. Cũng có tình trạng lập hồ sơ sơ sài để được phê duyệt vốn, sau đó mới hoàn thiện hồ sơ. Đại biểu Phạm Văn Hoà

Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các nơi giải ngân chậm, cương quyết điều chuyển vốn những nơi giải ngân chậm sang các nơi giải ngân nhanh, thiếu vốn hoặc có hồ sơ đầy đủ chất lượng để kích thích cho các địa phương, bộ ngành thực hiện tốt công tác giải ngân, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Ngoài ra, theo đại biểu, một trong những nguyên nhân khiến giải ngân chậm là do công tác giải phóng mặt bằng. Trong thời gian chờ đợi sửa đổi luật, đại biểu đề xuất có thể thí điểm tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án xây lắp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.