Tiếp cận tư duy điện ảnh còn là một ngành công nghiệp văn hoá

QUỐC HỘI Việt nAM
23:22 - 28/10/2021
Chiều ngày 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Chiều ngày 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 28/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh sửa đổi.

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.

6 nội dung đã được các đại biểu tập trung thảo luận về chính sách quản lý Nhà nước phát triển điện ảnh; những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; sản xuất, phát hành và phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến, phát triển điện ảnh; phổ biến phim trên không gian mạng; Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh và các vấn đề khác…

Sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh là cần thiết

Đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh.

Tại điểm cầu Nhà Quốc hội, đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, với tư cách là một bộ phận nội dung của văn hóa, có ý nghĩa trong định hướng giá trị, định hướng tư tưởng, quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Vì vậy, theo đại biểu, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này đã tiếp cận tư duy điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật mà còn là ngành công nghiệp văn hóa.

Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, Dự thảo xây dựng 3 chính sách là: Đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động của điện ảnh; hỗ trợ các hoạt động điện ảnh và ưu đãi thuế, tín dụng, đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này đã tiếp cận tư duy điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật mà còn là ngành công nghiệp văn hóa.

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum

Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bao trùm cả phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, cần quan tâm chính sách xã hội hóa trong hoạt động điện ảnh để các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư tích cực của hoạt động điện ảnh.

Đồng thời, cần có quy định cụ thể về chính sách khuyến khích, cơ chế để tổ chức, cá nhân tham gia, trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia để chính sách này dễ thực hiện khi đi vào thực tiễn cuộc sống.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum

Từ điểm cầu Nhà Quốc hội, đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị phải tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư và những nội dung cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước đối với lĩnh vực điện ảnh như thực hiện nhiệm vụ chính trị, định hướng giá trị, định hướng công nghệ, kiểm định chất lượng.

Đại biểu Lan cũng nhấn mạnh, Luật phải đảm bảo tạo cơ chế thuận lợi để phát triển công nghiệp điện ảnh, phù hợp với quy luật thị trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị phải xác định đúng trọng tâm, trọng điểm những đề tài được Nhà nước ưu tiên đầu tư kinh phí từ ngân sách.

Luật phải đảm bảo tạo cơ chế thuận lợi để phát triển công nghiệp điện ảnh, phù hợp với quy luật thị trường

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi

Về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, các điều cấm là cần thiết nhưng cần làm rõ thêm 2 vấn đề: Thứ nhất, những hành vi định tính như hành vi xúc phạm nhân phẩm con người, xúc phạm uy tín, danh dự nhân phẩm, cá nhân, ở mức nào mới được xử lý?

Thứ hai, nếu bộ phim tuy nội dung không vi phạm nhưng lại cổ súy cho cho lối sống ích kỷ, buông thả, thực dụng, vô cảm, vô trách nhiệm với lịch sử, với xã hội thì sẽ như thế nào? Đại biểu đề nghị cần bổ sung vào điều cấm những bộ phim thể hiện nội dung này.

Phổ biến phim trên không gian mạng: Kiểm soát nội dung như thế nào?

Phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 22) là một trong những nội dung thu hút nhiều đại biểu tham gia thảo luận.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cho rằng, trong bối cảnh thế giới đối diện với những chuyển biến khó lường của thiên tai và dịch bệnh, các hệ giá trị cũng thay đổi, do đó đại biểu đồng tình với quan điểm hoàn thiện các tiêu chí làm công cụ quản lý, định hướng gắn với hậu kiểm, ứng dụng công nghệ trong kiểm định minh bạch, xã hội cùng tham gia kiểm định thường xuyên, liên tục cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, cũng đồng tình ưu tiên hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng khi số lượng phim quá nhiều.

Tuy nhiên, kiểm soát trẻ em xem phim trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi của mình còn là một vấn đề khó. Quyền lợi đi liền với trách nhiệm, theo đại biểu Cảnh, nếu tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng cần thiết lập hệ thống kiểm soát trẻ em, để người lớn quản lý trẻ em được quyền xem phim nào phù hợp với lứa tuổi thì được áp dụng ưu tiên hậu kiểm. Tổ chức nào chưa có hệ thống kiểm soát trẻ em thì có thể ưu tiên hậu kiểm và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Có nên áp dụng đấu thầu với những bộ phim sử dụng Ngân sách Nhà nước?

Về quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước, Chính phủ trình Quốc hội 02 phương án: Phương án 1: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; Phương án 2: Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất phim. Trong đó, đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với phương án 1.

Nhiều đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước. Đa số ý kiến lựa chọn phương án 2 (giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu), đề xuất giữ nguyên quy định của Luật hiện hành.

Về vấn đề này, từ điểm cầu Quảng Nam, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, lựa chọn phương án 2 và cho rằng, sản xuất phim phải chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu và phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng cho mọi nhà sản xuất, mọi đối tượng.

Tuy nhiên, thủ tục đấu thầu cần điều chỉnh đơn giản hơn về thủ tục hành chính, phù hợp với thực tế, với các quy trình, công đoạn sản xuất phim.

Đặc biệt, đối với những sản phẩm phim mang tính đặc thù cao như dòng phim phục vụ mang mục đích chính trị, quốc phòng, an ninh thì phải thực hiện theo hình thức Nhà nước đặt hàng chứ không nên tổ chức đấu thầu rộng rãi.

Không đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị không nên sử dụng phương thức đấu thầu trong trường hợp này với 2 lí do: Vì quy định này đã được quy định trong Luật Điện ảnh 2006 về phương án đấu thầu nhưng qua 14 năm triển khai thì chúng ta vẫn chưa thực hiện được và gặp nhiều vướng mắc.

Theo đại biểu Nga, phương án 2 quy định hình thức giao nhiệm vụ đặt hàng, đấu thầu với các phim có nội dung khác thì không đúng, không thống nhất với nhau giữa khoản 1 Điều 5 và khoản 2 Điều 15. Vì khoản 1 Điều 5 quy định Nhà nước chỉ đầu tư sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch, phục vụ nhiệm vụ chính trị chứ không đầu tư cho các phim có nội dung khác.

Băn khoăn Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh

Nhiều ý kiến đại biểu cũng băn khoăn về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Các đại biểu cho rằng, Luật Điện ảnh 2006 đã có quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Trên thực tế cho đến nay, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh chưa được triển khai. Cơ chế hiện hành chưa quy định về mô hình, cũng như nguồn thu ổn định lâu dài để Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tồn tại, phát triển và hoạt động hiệu quả.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, đề nghị không đưa vào dự án Luật nội dung này. Vì trong thực tiễn, có rất nhiều luật quy định thành lập các quỹ phát triển nhưng do điều kiện về ngân sách không đảm bảo cho nên không thành lập được. Như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Huế nhận thấy, nội dung này khó khả thi trong thực tiễn mặc dù mục đích, ý nghĩa rất tốt.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Nhìn chung, các ý kiến đề nghị cần nghiên cứu thêm về các quy định liên quan đến xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, minh bạch để các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim có căn cứ tự kiểm duyệt và phân loại phim; vấn đề tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra giám sát; cơ chế huy động các tổ chức xã hội hỗ trợ cơ quan Nhà nước thẩm định, kiểm soát phổ biến phim.

Kết luận phiên thảo luận trực tuyến, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc hoàn thiện Hồ sơ theo quy định để trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, với yêu cầu việc sửa đổi Luật Điện ảnh phải tạo ra hành lang pháp lý và chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn để phát triển điện ảnh Việt Nam với tư cách vừa là một ngành văn hóa, nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế và hội nhập quốc tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.