Tôn Hoa Sen chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu, tăng vốn 1.000 tỷ đồng

HSG Hoa Sen
10:06 - 04/09/2022
Hoa Sen đang đẩy mạnh phát triển mô hình siêu thị vật liệu xây dựng & nội thất Hoa Sen Home.
Hoa Sen đang đẩy mạnh phát triển mô hình siêu thị vật liệu xây dựng & nội thất Hoa Sen Home.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 15/9 tới đây, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) sẽ chốt danh sách cổ đông để nhận cổ tức cho niên độ tài chính 2020-2021. Cổ tức được chi trả bằng cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền là 20%.

Hoa Sen hiện có hơn 498 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần phát hành xấp xỉ 100 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức đợt này, tương đương tăng thêm vốn điều lệ gần 1.000 tỷ đồng. Hiện HSG có quy mô vốn điều lệ 4.984 tỷ đồng, sau khi trả cổ tức dự kiến nâng lên thành 5.980 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6/2022, Hoa Sen có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 6.426 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất đợt cổ tức, khoản mục này sẽ giảm đi khoảng 1.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp của doanh nhân Lê Phước Vũ chia cổ tức tỷ lệ cao khi đạt kết quả kinh doanh vượt trội trong năm ngoái. Cụ thể, Hoa Sen trong niên độ tài chính 2021 (kết thúc 30/9/2021) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 76% lên mức 48.987 tỷ đồng và lãi ròng gấp 3,7 lần cùng kỳ, đạt 4.314 tỷ đồng.

Trong 9 tháng niên độ năm nay (tính đến 30/6), Hoa Sen ghi nhận doanh thu tăng 27% lên mức 41.771 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí đầu vào và chi phí hoạt động tăng cao, cùng giá bán liên tục giảm đã khiến tính hiệu quả thấp đi. Tập đoàn báo lãi giảm 66% xuống 1.138 tỷ đồng.

Dự báo triển vọng ngành xấu trong niên độ 2022 nên HSG đã đặt kế hoạch doanh thu giảm nhẹ về 46.399 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận ở mức thấp khoảng 1.500-2.500 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 90% kế hoạch doanh thu và 76% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong báo cáo triển vọng ngành thép trong nửa cuối năm 2022, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá Hoa Sen Group sẽ tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh tiêu cực trong nửa cuối năm 2022, nguyên nhân chủ yếu đến từ sản lượng tiêu thụ sụt giảm cũng như giá bán lao dốc. Bên cạnh đó, việc HSG tích trữ lượng lớn hàng tồn kho giá cao trong quý 2/2022 sẽ tạo áp lực rất lớn tới biên lợi nhuận trong những quý tới.

Trong nửa đầu năm 2022, Sản lượng tiêu thụ của HSG đạt 878.000 tấn (-27% so với cùng kỳ năm trước), trong đó sản lượng xuất khẩu có mức sụt giảm mạnh nhất chỉ đạt 427.000 tấn (-33%), sản lượng tiêu thụ nội địa đạt 451.000 tấn (-19%).

Trong nửa cuối 2022, VCBS dự báo, mức sản lượng sẽ tiếp tục cho thấy con số tiêu cực do sản lượng sụt giảm ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, triển vọng 2023 sẽ tốt hơn khi nhu cầu xây dựng hồi phục tại Việt Nam và HSG sẽ vươn lên với lợi thế cạnh tranh nội địa rất lớn của mình.

Hiện tỷ lệ Hàng tồn kho/Tài sản ngắn hạn của HSG trong quý 2/2022 lên tới 79%, mức cao nhất trong lịch sử và cao hơn mức 65% của NKG (Thép Nam Kim). Điều này cho thấy rủi ro lớn về biên lợi nhuận cho HSG khi giá thép đang giảm mạnh, doanh nghiệp sẽ phải trích lập giảm giá tồn kho lớn với lượng hàng nhập giá rất cao của quý 2/2022.

Cổ phiếu HSG từ phiên 21/6 đến nay đã có sự hồi phục, từ mức đáy 16.100 đồng – thấp nhất từ tháng 11/2020. Kết phiên 31/8, mã này đứng ở mốc 20.800 đồng, vẫn còn cách vùng đỉnh 47.000 đồng khá xa.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.