Tổng thống Mỹ Joe Biden họp bàn về rủi ro AI với các CEO công nghệ

AI. MỸ
08:17 - 05/05/2023
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4/5 đã tổ chức họp mặt với các CEO từ các công ty công nghệ hàng đầu để thảo luận về các vấn đề xoay quanh AI và rủi ro của công nghệ này. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4/5 đã tổ chức họp mặt với các CEO từ các công ty công nghệ hàng đầu để thảo luận về các vấn đề xoay quanh AI và rủi ro của công nghệ này. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 4/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức một cuộc gặp mặt với CEO từ các công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft và Alphabet để thảo luận về AI và các vấn đề xoay quanh an toàn sản phẩm AI trước khi triển khai sử dụng.

AI tạo sinh đã trở thành một từ thông dụng trong năm 2023, đặc biệt là thông qua các ứng dụng như ChatGPT. Sức nóng của nó và sự yêu thích của công chúng khiến các công ty lần lượt tung ra các sản phẩm tương tự.

Về mặt bản chất, AI tạo sinh là các công cụ cho phép người sử dụng tạo ra nhiều nội dung mới dựa trên dữ liệu đầu vào khác nhau. Bằng cách sử dụng các sản phẩm như ChatGPT, người sử dụng có thể chẩn đoán y học, viết kịch bản, tạo bản tóm tắt pháp lý và phần mềm gỡ lỗi cùng nhiều ứng dụng khác.

Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến mối lo ngại ngày càng tăng về cách công nghệ này có thể vi phạm quyền riêng tư, đưa ra quyết định sai lệch về việc làm, lừa đảo quyền lực và tạo ra thông tin sai lệch về các chiến dịch.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden - một người đã trải nghiệm ứng dụng ChatGPT - trong cuộc họp ngày 4/5 với CEO các tập đoàn công nghệ đã nhấn mạnh vào việc giảm thiểu rủi ro gây ra bởi AI.

Cụ thể, Reuters cho biết cuộc họp kéo dài 2 giờ này có sự tham gia của không chỉ Tổng thống Mỹ mà còn các quan chức khác trong chính phủ nước này như Phó Tổng thống Kamala Harris, Tham mưu trưởng Jeff Zients của ông Biden, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Lael Brainard và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo.

Nội dung cuộc họp xoay quanh một "cuộc thảo luận thẳng thắn và mang tính xây dựng" với các CEO Sundar Pichai của Google, Satya Nadella của Microsoft, Sam Altman của OpenAI và Dario Amodei của Anthropic về sự cần thiết của các công ty phải minh bạch hơn với các nhà hoạch định chính sách về hệ thống AI của mình. Ngoài ra, một trọng tâm khác là về tầm quan trọng của việc đánh giá sự an toàn của các sản phẩm này cũng sự cần thiết phải bảo vệ chúng khỏi các cuộc tấn công ác ý.

Tòa nhà BV100 tại Khuôn viên Bay View mới của Google ở Mountain View, California, Mỹ. Ảnh: Reuters

Tòa nhà BV100 tại Khuôn viên Bay View mới của Google ở Mountain View, California, Mỹ. Ảnh: Reuters

Thông báo của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden muốn các quan chức này hạn chế nguy cơ tiềm ẩn của AI đối với các cá nhân, xã hội và an ninh quốc gia. Phó Tổng thống Kalama Harris cũng đồng tình rằng công nghệ này có khả năng cải thiện cuộc sống, nhưng cũng có thể gây ra những lo ngại về an toàn, quyền riêng tư và quyền công dân.

Do đó, bà khẳng định các CEO có "trách nhiệm pháp lý" để đảm bảo an toàn cho các sản phẩm AI của mình. Đồng thời, bà cũng khẳng định chính phủ sẵn sàng thúc đẩy các quy định mới và hỗ trợ luật mới về trí tuệ nhân tạo.

Chính phủ Mỹ trong khuôn khổ cuộc họp sau đó đã công bố khoản đầu tư 140 triệu USD từ Quỹ Khoa học Quốc gia để thành lập 7 viện nghiên cứu AI mới. Việc đưa ra hướng dẫn chính sách về việc sử dụng AI của chính phủ sẽ thuộc về trách nhiệm của Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng. Đặc biệt, các nhà phát triển AI hàng đầu bao gồm Anthropic, Google, Hugging Face, NVIDIA Corp, OpenAI và Stability AI đều sẽ tham gia đánh giá công khai hệ thống AI của mình.

Trước đó vào tháng 2, ông Joe Biden cũng đã ký một sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan liên bang loại bỏ sự thiên vị trong việc sử dụng AI. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Biden cũng đã phát hành Dự luật về Quyền AI và khung quản lý rủi ro. Tuần trước, Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ phận Dân quyền của Bộ Tư pháp Mỹ cũng cho biết họ sẽ sử dụng các cơ quan pháp lý của mình để chống lại tác hại liên quan đến AI.

Về phía các CEO công ty công nghệ, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp này cũng chia sẻ chung tầm nhìn với chính phủ Mỹ. Cụ thể khi trả lời câu hỏi về việc liệu các công ty có cùng quan điểm về các quy định hay không, Reuters trích dẫn ông Sam Altman - CEO OpenAI cho biết: "Thật ngạc nhiên là chúng tôi có cùng quan điểm về những gì cần phải xảy ra”.

Trên thực tế, những gã khổng lồ công nghệ đã nhiều lần tuyên bố sẽ chống lại hoạt động tuyên truyền sai lệch xung quanh các cuộc bầu cử, tin tức giả mạo về vaccine COVID-19, nội dung khiêu dâm và bóc lột trẻ em cũng như nhắn tin thù địch nhắm vào các nhóm sắc tộc. Tuy nhiên, các nỗ lực này phần lớn vẫn chưa tạo được tác dụng đáng kể.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.