Top 6 ngân hàng lợi nhuận 9 tháng trên 10.000 tỷ, lãi đến từ đâu?

NGÂN HÀNG Việt nAM
11:30 - 02/11/2021
Vietcombank vẫn giữ vị trí "quán quân" với mức tăng trưởng 21% so với cùng kỳ
Vietcombank vẫn giữ vị trí "quán quân" với mức tăng trưởng 21% so với cùng kỳ
0:00 / 0:00
0:00
Mùa báo cáo tài chính quý 3 và 9 tháng đầu năm 2021 cho thấy hầu hết các ngân hàng đều báo lãi lớn. Đặc biệt, đạt mức lợi nhuận khủng trên 10.000 tỷ đồng là 6 ngân hàng, gồm Vietcombank, Techcombank, Vietinbank, MB, VPBank và BIDV.

Dẫn đầu lợi nhuận khủng vẫn là các "ông lớn" trong ngành

Vietcombank vẫn giữ vị trí "quán quân" với mức tăng trưởng 21% so với cùng kỳ, đạt 19.311 tỷ đồng.

Tiếp đến là Techcombank "á quân" lãi trước thuế ở mức 17.098 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm nay, Techcombank có sự bứt phá vô cùng ấn tượng khiến đã từng có dự đoán kỳ này ngân hàng sẽ vươn lên dẫn đầu.

Khoảng cách lợi nhuận giữa 2 ngân hàng đứng đầu đã được rút ngắn chỉ còn 2.213 tỷ đồng.

4 ngân hàng tiếp theo là VietinBank (13.911 tỷ đồng), MB (11.885 tỷ đồng), VPBank (11.736 tỷ đồng) và BIDV (10.733 tỷ đồng).

Trong bức tranh tài chính của hệ thống các ngân hàng Việt Nam, có 6 ngân hàng báo lãi trên 10.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 3 ngân hàng. So với cùng kỳ năm ngoái, thứ tự các ngân hàng cũng có sự thay đổi khi MB đã vượt qua VPBank để vươn lên vị trí thứ 4.

Lợi nhuận đến từ đâu?

Đại dịch Cobid-19 kéo dài suốt từ cuối năm 2019 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí đóng cửa, phá sản. Ngân hàng cũng là một loại hình doanh nghiệp, vậy lợi nhuận khủng nêu trên đến từ đâu?

Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ của 6 ngân hàng báo lãi lớn nhất 9 tháng đầu năm 2021

Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ của 6 ngân hàng báo lãi lớn nhất 9 tháng đầu năm 2021

Căn cứ vào Báo cáo tài chính vừa công bố của Vietcombank (VCB), ngân hàng có sự tăng trưởng tích cực ở hầu hết các mảng kinh doanh.

Tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,5% đạt 936.343 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 7,4% đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm 2020, thu nhập lãi thuần tăng 22,3%, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 41,1%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 8%.

Hoạt động mua bán chứng khoán có lãi 118 tỷ trong khi cùng kỳ bị lỗ 14,5 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi từ hoạt động khác giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank tăng 21% đạt hơn 41.800 tỷ thì chi phí hoạt động 9 tháng đầu năm là 14.518 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng thu nhập giảm từ 36,4% xuống 34,7%.

Techcombank (TCB) tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh doanh đều có kết quả tốt. Với mức lãi lũy kế 9 tháng 17.098 tỷ đồng, ngân hàng đã hoàn thành 86% kế hoạch kinh doanh cả năm 2021.

Đến 30/9, tổng tài sản ở mức 541.635 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng hơn 321.042 tỷ đồng, tăng 16%. Tiền gửi của khách hàng đạt 316.376 tỷ đồng, tăng 14%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức 120.464 tỷ đồng, chiếm 49% tổng tiền gửi, tăng so với mức 44% đầu năm.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm mạnh cuối quý III xuống còn 184% so với 259% cuối quý II. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng ở mức 49%, chủ yếu là nhờ lượng tiền gửi ký quỹ tăng mạnh.

Vietinbank kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, dư nợ cho vay khách hàng tại VietinBank đạt 1,084 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 6,8% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng đạt 1,073 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm. Tổng tài sản đạt tăng xấp xỉ 8% đạt gần 1,448 triệu tỷ đồng.

MB (MBB) Các mảng kinh doanh của MB đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm 2021 tăng 31,4%, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 21,6%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 76,6%, lãi từ mua bán chứng khoán tăng 64%, lãi từ hoạt động khác tăng tới 95%. Nhờ vậy, tổng thu nhập hoạt động 9 tháng của ngân hàng đạt 26.817 tỷ, tăng 36,5%. Chi phí hoạt động tăng 21,8% lên 8.914 tỷ đồng.

Tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của MB đạt 555.595 tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,8% lên 336.426 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 10,6% đạt 343.949 tỷ đồng. Sau 9 tháng, MB đã hoàn thành 90% mục tiêu lợi nhuận của cả năm.

VPBank (VPB) lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của VPBank đạt hơn 33.200 tỷ đồng, tăng 17% so với 9 tháng đầu năm 2020. Chi phí hoạt động 9 tháng ở mức 7.864 tỷ, giảm 8,8%. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 của VPBank đạt 11.736 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến 30/9/2021, tổng tài sản của VPBank hợp nhất là 479.432 tỷ đồng, tăng 14,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,1% đạt 317.290 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 2,5% đạt 239.357 tỷ đồng.

Tại BIDV, mặc dù lãi quý 3 giảm so với cùng kỳ nhưng số lãi lũy kế 9 tháng vẫn cho thấy sự tăng trưởng gấp rưỡi, hoàn thành 82,6% kế hoạch lợi nhuận năm nay (13.000 tỷ).

Theo báo cáo, hoạt động tín dụng 9 tháng qua ghi nhận lợi nhuận 35.964 tỷ đồng, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm trước, hoạt động dịch vụ tăng trưởng 30,1%. Mảng kinh doanh ngoại hối giảm nhẹ 1%. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lãi 570 tỷ đồng, tăng trưởng 19% trong khi hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lại báo lỗ 342 tỷ đồng, so với mức lãi hơn 1.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020. Lãi từ hoạt động khác lợi nhuận 9 tháng ở mức 4.786 tỷ đồng, tăng 70,1% so với cùng kỳ.

Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của BIDV tăng 11,2% lên hơn 1,68 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 9,4%, lên gần 1,33 triệu tỷ đồng. Huy động tiền gửi tăng 6,8%, đạt 1,3 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi của ngân hàng vẫn ở mức cao với 100%.

Nợ xấu tăng mạnh, ngân hàng hy sinh lợi nhuận đề phòng rủi ro

Nợ xấu và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại 6 ngân hàng báo lãi lớn 9 tháng đầu năm 2021

Nợ xấu và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại 6 ngân hàng báo lãi lớn 9 tháng đầu năm 2021

Đáng lưu ý, nợ xấu của Vietcombank tăng gấp đôi trong 9 tháng đầu năm 2021 lên 10.884 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,62% lên 1,16%. Trong đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh nhất, gấp 14 lần cùng kỳ lên 3.122 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 44,8% lên 6.279 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 122% lên 1.483 tỷ đồng.

Vietcombank tăng chi phí dự phòng lên 8.012 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 33% so với 9 tháng đầu năm 2020. Lãi sau thuế là 15.471 tỷ đồng.

Tại Techcombank, nợ xấu lũy kế 9 tháng tăng 41% so với đầu năm lên 1.828 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 0,47% lên 0,57%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng 170% cuối năm trước lên 184%.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng Techcombank cho biết, mặc dù nợ xấu tăng trong quý 3 nhưng chất lượng tài sản của Techcombank vẫn thuộc hàng đầu hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng nhẹ từ 0,4% (cuối quý 2) lên 0,6% (cuối quý 3) do các thành phố lớn thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội trong quý 3.

Lợi nhuận quý 3/2021 của MB giảm là do trong quý này ngân hàng tăng gấp đôi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, nâng mức dự phòng 9 tháng lên 6.018 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm nhẹ từ 1,09% xuống còn 0,95%.

Tại ngày 30/9/2021, nợ xấu của MB ở mức 3.186 tỷ đồng, tăng 26% so với 3 tháng trước đó. Nợ xấu tăng trở lại trong quý 3 của MB đến từ nợ nhóm 5 và nợ nhóm 4, lần lượt tăng 51,3% và 37,2%. Tuy nhiên, nhờ diễn biến tích cực 2 quý trước, nợ xấu của ngân hàng cuối tháng 9 vẫn thấp hơn 1,9% so với đầu năm. Đồng thời, nhờ tổng dư nợ cho vay tăng mạnh 12,8% nên tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm từ 1,09% (đầu năm) xuống còn 0,95% (cuối tháng 9).

Ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng trong quý 3 tăng 101,2%, lũy kế 9 tháng đầu năm là 6.018 tỷ đồng, tăng 43,5% so với cùng kỳ.

Nợ xấu của VPBank và công ty con cuối tháng 9/2021 ở mức 11.711 tỷ đồng, tăng 1.788 tỷ so với đầu năm, tương đương tăng 18%. Chi phí dự phòng là 13.631 tỷ, tăng 32,3%.

Tại BIDV, về chất lượng cho vay, tính đến cuối tháng 9/2021, BIDV đang có tổng cộng 21.433 tỷ đồng nợ xấu, gần như không đổi so với đầu năm. Do tăng trưởng tín dụng ở mức khá tốt nên đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu/cho vay giảm xuống còn 1,61%, so với mức 1,76% hồi đầu năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.