Top cổ phiếu rơi mạnh nhất tuần, 'họ Gelex' góp mặt cả loạt

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
22:23 - 09/04/2022
Cổ phiếu "họ Gelex" đồng loạt nằm sàn phiên thứ Sáu.
Cổ phiếu "họ Gelex" đồng loạt nằm sàn phiên thứ Sáu.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần không mấy vui vẻ khi chỉ số thị trường giảm sâu, do lực kéo từ các nhóm ngành chủ chốt là ngân hàng, bất động sản. Trong đó, “họ Gelex” của doanh nhân 8X Nguyễn Văn Tuấn bất ngờ bị xả mạnh.

Hai phiên giảm mạnh cuối tuần qua đã lấy đi gần hết số điểm mà VN-Index nỗ lực lấy lại trước đó. Chỉ số sàn HoSE phiên thứ Sáu kết ở 1.482 điểm, tương đương giảm 34,44 điểm (-2,27%) so với tuần trước đó. Khối lượng khớp lệnh trung bình đạt hơn 763 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 2,95%; tổng giá trị giao dịch đạt hơn 129.274 tỷ đồng, giảm 3,2%.

Chỉ số HNX-Index cũng giảm 22,08 điểm (-4,86%), xuống mốc 432.02 điểm. Khối lượng khớp lệnh đạt trung bình hơn 90 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 32% so với tuần trước; tổng giá trị giao dịch đạt hơn 15.559 tỷ đồng, giảm 22%.

Xét theo mức độ ảnh hưởng, BID, VNM, DIG và SHB là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Riêng cổ phiếu BID đã lấy đi hơn 3 điểm của chỉ số VN-Index với mức giảm 5,5%. Ở chiều ngược lại, NVL, HPG, MSN và GVR là những mã có tác động tích cực nhất.

Xét theo nhóm ngành thì ngân hàng và bất động sản là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm sâu. Tại nhóm bank, ngoài BID thì HDB cũng giảm 4,1%, EIB – 5,7%, VIB -6%, LPB -8,4%, SHB -9,5%, STB -3,7%, CTG -3%, TCB -2,9%, TPB -2,5%, SSB -1,8%, MSB -0,6%, MBB -0,3%.. Sắc xanh chỉ còn le lói tại các mã VCB +0,2%, OCB +0,5%, ACB +1,4%, VPB +0,5%. Trong đó, VPB là mã được nhà đầu tư cá nhân mua ròng mạnh nhất với 338,4 tỷ đồng.

Tại nhóm bất động sản, xây dựng, NVT, ROS, HQC, PTL, VGC là các mã giảm sâu nhất sàn. Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp như IDC, KBC, ITA cũng rơi khá mạnh, với tỷ lệ âm lần lượt là 19,5%, 9,7% và 9,9%. Nhiều mã quen thuộc khác cũng giảm sâu như VRC -14,9%, DIG -14,1%, DXG -14%, BCG -13,6%, GEX -13,4%, QCG -13,6%, CTD -12,4%, FLC -10,4%, IJC -5,7%, NTL -4,3%…

Nhóm thép chỉ còn giữ được sắc xanh ít ỏi ở HMC +8,9%, HPG +1,5%, còn lại HSG -8,1%, NKG -6,5%, SMC -5,7%, TLH -5,3%, POM -2,2%… Nhóm bán lẻ sau những tuần tăng mạnh trước đó cũng quay đầu giảm: MWG -3,9%, VGC -15.6%, FRT -3%…

Xét theo các nhóm nhỏ lẻ, cổ phiếu “họ Gelex” có tuần giao dịch tiêu cực trong khi các mã trước đó đều được đánh giá tiềm năng. So với phiên đầu tuần (4/4), cổ phiếu GEX giảm 17%, VGC (Viglacera) sụt 19%, IDC (Tổng Công ty IDICO) lao dốc 20%, VIX (Chứng khoán VIX) giảm 16% và PXL (CTCP Đầu tư Và phát triển KCN Dầu khí Long Sơn) lao dốc hơn 21%. Đây là các cổ phiếu nằm trong hệ sinh thái thuộc CTCP Tập đoàn Gelex (mã GEX) – doanh nghiệp dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch 8X Nguyễn Văn Tuấn.

“Họ FLC” sau phiên tím trần 4/4 cũng quay đầu giảm mạnh trong các phiên cuối tuần. Kết phiên 8/4, cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC giảm kịch sàn xuống 9.720 đồng/cp với gần 20,9 triệu đơn vị khớp lệnh. Đây là mức thấp nhất của FLC trong vòng một năm qua. Trong 3 tuần trở lại đây, thị giá FLC đã giảm khoảng 35%.

ROS cũng bị kê bán giá sàn vào những phút cuối của phiên thứ Sáu, đóng cửa giảm sàn 6,9% còn 5.660 đồng/cp. Mặc dù không chịu cảnh giảm sàn nhưng AMD, KLF, HAI và ART cũng chìm trong sắc đỏ liên tiếp.

Xét về cổ phiếu riêng lẻ, POT (sàn HNX) của Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện có mức tăng mạnh nhất. Với 5 phiên đều đóng cửa ở mức giá trần, mã này đã tăng tới gần 60% trong tuần qua. POT gây chú ý sau khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú, quận Ba Đình; đồng thời tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án này.

Dự án 61 Trần Phú là công xưởng của Nhà máy thiết bị bưu điện (thuộc Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam); quy mô hơn 9.000 m2. POT đang có liên doanh dự kiến xây dựng một công trình đa chức năng tại đây với quy mô 11 tầng nổi, 6 tầng hầm, tổng mức đầu tư gần 1.575 tỷ đồng. Trong đó, POT thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất, tương ứng 530 tỷ đồng (chiếm 51% tổng giá trị vốn góp), bên liên danh góp vốn bằng tiền với 509,2 tỷ đồng.

Còn cổ phiếu giảm đáng chú ý là NVT của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay. Đây là mã giảm mạnh nhất trên sàn HoSE với tỷ lệ -22,1%. Cùng với nhóm liên quan đến hệ sinh thái Nhựa Đồng Nai, NVT rơi mạnh từ đầu tháng 4 sau chuỗi tăng nóng lên mức đỉnh 32.500 đồng/cp. Kết phiên 8/4, mã về giá 21.850 đồng/cp.

DNP của Nhựa Đồng Nai cũng vào chuỗi giảm sâu từ mức đỉnh 34.500 đồng/cp về 24.800 đồng/cp. Các mã liên quan khác cũng trong tình trạng tương tự như HUT (CTCP Tasco) giảm từ 51.300 đồng/cp xuống còn 33.500 đồng/cp; VC9 (Vinaconex 9) giảm từ 27.500 đồng/cp xuống 18.400 đồng/cp; JVC (Công ty Thiết bị Y tế Việt Nhật) giảm từ 13.400 đồng/cp xuống 10.150 đồng/cp.

Bên cạnh áp lực bán trong nước, khối ngoại cũng là nhân tố khá tiêu cực khiến thị trường giảm điểm mạnh trong tuần qua khi quay ra bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng. VHM bị bán ròng mạnh nhất với giá trị đạt 291,5 tỷ đồng, tương đương khối lượng đạt 3,86 triệu đơn vị. Tiếp là HPG với giá trị bán ròng 223,2 tỷ đồng, tương đương khối lượng hơn 4,8 triệu đơn vị. Một số mã khác cũng bị bán mạnh là chứng chỉ quỹ E1VFVN30, NVB, ABI…

Ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất cổ phiếu NVL với giá trị đạt 135,5 tỷ đồng, tương đương khối lượng đạt 1,57 triệu đơn vị. Các mã được mua nhiều tiếp theo là chứng chỉ quỹ FUEVFVND, MSN, VNM, DXG...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.