Trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 10 chỉ có 1 đợt phát hành riêng lẻ

TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP
10:25 - 09/11/2022
Trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 10 chỉ có 1 đợt phát hành riêng lẻ
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo tháng 10/2022 của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 10 chỉ có duy nhất 1 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được ghi nhận với giá trị 210 tỷ đồng, giảm 99% so với tháng trước.

Cụ thể, dữ liệu VBMA tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho thấy, tính đến ngày công bố thông tin 31/10/2022, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo là doanh nghiệp duy nhất phát hành trái phiếu trong tháng 10 với giá trị 210 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của Tập đoàn VinGroup (HoSE: VIC) trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng, chiếm 4% tổng giá trị phát hành và 413 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 240.761 tỷ đồng, chiếm 96% tổng giá trị phát hành.

Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 56% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 51% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.287 tỷ đồng, tương đương 54% tổng giá trị phát hành.

Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.699 tỷ đồng, chiếm khoảng 20%.

Mua lại trước hạn phần nào giúp giảm bớt áp lực đáo hạn TDPN

Cũng theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 147.484 tỷ đồng trái phiếu, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, vụ bê bối sai phạm tại "Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát là một cú hích mạnh làm gia tăng khủng hoảng niềm tin đối với thị trường TPDN", dẫn đến làn sóng tháo chạy khỏi kênh đầu tư này, kể cả rút tiền khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp. Do sự phát triển nhanh và mạnh thị trường TPDN các năm qua đã bám rễ vào hệ thống tài chính và tiếp cận một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam, niềm tin lung lay đang dẫn đến khá nhiều xáo trộn trên thị trường.

VDSC cho rằng, việc mua lại trước hạn phần nào giúp giảm bớt quy mô đáo hạn TDPN, tuy nhiên, áp lực thời gian và quy mô TPDN đáo hạn vẫn còn khá lớn. Giá trị TPDN đáo hạn từ quý 4/2022 đến quý 4/2024 ước khoảng 865.000 tỷ đồng, đỉnh điểm trước mắt sẽ rơi vào quý 2 và quý 3/2023.

130.000 tỷ đồng trái phiếu từ ngành bất động sản sẽ đáo hạn trong năm 2023

Theo VDSC, tổng giá trị đáo hạn năm 2023 ước tính ở mức 350.000 tỷ, tương đương gần bằng 1/4 dư nợ tăng thêm của hệ thống ngân hàng năm 2022 với giả định tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%. Mặc dù, trong số trái phiếu đáo hạn có khoảng 30% giá trị từ nhóm ngành ngân hàng mà VDSC cho rằng khả năng cao vẫn có thể tái phát hành, song tỷ lệ hấp thụ sẽ bị hạn chế trong bối cảnh lãi suất cao và thanh khoản yếu đang diễn ra trong hệ thống.

Nếu nhìn ở góc độ hẹp hơn, ngành bất động sản đang chịu nhiều áp lực trong thời gian gần đây. Trong năm 2023 ước tính có khoảng 130.000 tỷ đồng trái phiếu từ ngành bất động sản sẽ đáo hạn, sau khi loại trừ phần đã mua lại tính đến tháng 10/2022, chiếm khoảng 36% tỷ trọng giá trị đáo hạn năm 2023. Con số này tương đương với hơn 9% dư nợ tín dụng ngân hàng tăng thêm trong năm 2022.

VDSC cho rằng khả năng đảo nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này khá thấp do nhà đầu tư nắm giữ chủ yếu là cá nhân đang bị hạn chế rất nhiều do niềm tin đang bị xói mòn cũng như do các quy định chặt chẽ hơn của NĐ 65/2022 NĐ-CP và do các hạn chế trong việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng.

Đồng thời, dòng tiền từ hoạt động bán hàng đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh lãi suất tăng và tín dụng thắt chặt. Do đó, VDSC nhận thấy một số rủi ro đáng chú ý về nợ xấu và tăng lãi suất của thị trường từ khả năng đáo hạn TPDN các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới.

Ở một chiều hướng tích cực, hiệp hội trái phiếu doanh nghiệp đã có các buổi hội thảo cùng các quỹ trái phiếu, công ty chứng khoán và đã có một số đề xuất một số phương án để trình lên Bộ Công Thương. Tuy nhiên, VDSC cho rằng vấn đề này sẽ cần nhiều thời gian để các ban ngành có thể đưa ra hướng xử lý cuối cùng.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh.

Theo đó, đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp có quy mô lớn, có uy tín thương hiệu, công ty đại chúng, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán được xếp hạng tín nhiệm thì được phát hành riêng lẻ chào bán cho nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.