Trao giải Nobel y học 2023 cho các nhà nghiên cứu vaccine

Y học THẾ GIỚI
08:35 - 03/10/2023
Vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech. Ảnh: Reuters
Vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech. Ảnh: Reuters
Hôm 2/10, hai nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman đoạt giải Nobel y học vì những khám phá giúp tạo ra vaccine mRNA chống lại Covid-19, từ đó giúp làm chậm đại dịch và mở đường cho các nghiên cứu chống lại nhiều căn bệnh khác.

Theo hãng tin AP dẫn lời hội đồng trao giải ở Stockholm, các nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman đã vinh dự nhận được giải thưởng này vì đã góp phần vào thúc đẩy “tốc độ phát triển vaccine chưa từng có nhằm giải quyết một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người”.

Hội đồng nhận định “những phát hiện đột phá” của hai nhà khoa học đã “giúp thay đổi đáng kể hiểu biết về cách mRNA tương tác với hệ thống miễn dịch”. Trong khi đó, Tiến sĩ Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia của Anh, nhận định vaccine mRNA do BioNTech-Pfizer và Moderna sản xuất có vai trò “thay đổi cuộc chơi” khi giúp ngăn chặn đại dịch Covid-19 và cứu sống hàng triệu người.

Về phía ông John Tregoning, thuộc Đại học Hoàng gia London, ông miêu tả bà Karikó là “một trong những nhà khoa học truyền cảm hứng nhất mà tôi từng gặp”. Theo AP trích dẫn ông, nghiên cứu của bà cùng ông Weissman “cho thấy tầm quan trọng của nghiên cứu trong việc tìm ra giải pháp cho những nhu cầu xã hội cấp bách nhất”.

Theo truyền thống, việc tạo ra vaccine đòi hỏi việc phát triển virus hoặc các mảnh virus và sau đó tinh chế chúng trước khi thực hiện các bước tiếp theo. Tuy nhiên, phương pháp RNA bắt đầu bằng một đoạn mã di truyền mang theo hướng dẫn tạo ra protein. Nếu các nhà khoa học nhắm tới đúng loại protein của virus, cơ thể con người sẽ biến thành một nhà máy sản xuất vaccine mini.

Trong các thí nghiệm ban đầu với động vật, mRNA được tiêm vào sẽ bị phá hủy bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể ngay lập tức. Những thách thức này cũng chính là lý do nhiều người bị mất niềm tin và bỏ cuộc. Tuy nhiên, bà Karikó, giáo sư tại Đại học Szeged ở Hungary và giáo sư kiêm nhiệm tại Đại học Pennsylvania, Mỹ cùng ông Weissman thuộc Đại học Pennsylvania, đã tìm ra một sửa đổi nhỏ đối với các khối xây dựng của RNA khiến nó có thể lén vượt qua hệ thống phòng thủ miễn dịch.

Nghiên cứu mRNA quan trọng của bộ đôi nhà khoa học này đã được kết hợp với hai khám phá khoa học khác trước đó để tạo ra vaccine COVID-19. Cụ thể, các nhà nghiên cứu ở Canada đã phát triển một lớp phủ để giúp mRNA đi vào bên trong tế bào để thực hiện công việc của nó. Trong khi đó, các nghiên cứu với các loại vaccine trước đây tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã chỉ ra cách ổn định protein tăng đột biến của virus Corona.

Chia sẻ cảm xúc khi nhận được giải thưởng, bà cho biết cả bà và ông Weissman ban đầu đều nghĩ đây chỉ là một trò đùa cho tới khi đọc được thông báo chính thức. Bà bày tỏ: “Tôi rất ngạc nhiên nhưng tôi cũng rất hạnh phúc”. Về phía ông Weissman, ông bày tỏ sự trông đợi vào tương lại khi cho biết: “Chúng tôi đã suy nghĩ nhiều năm về mọi thứ chúng tôi có thể làm với RNA và bây giờ nó đã ở đây”.

Trước đại dịch Covid-19, vaccine mRNA đã được thử nghiệm đối với virus Zika, cúm và bệnh dại, nhưng đại dịch đã giúp lĩnh vực này thu hút nhiều sự chú ý hơn. Hiện các nhà khoa học đang thử nghiệm các phương pháp tiếp cận mRNA đối với bệnh ung thư, dị ứng và các liệu pháp gen khác, theo ông Weissman.

Ngoài các ứng dụng trên, Tiến sĩ Bharat Pankhania - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Exeter, Anh - dự đoán công nghệ được sử dụng trong vaccine còn có thể được sử dụng để cải tiến vaccine cho các bệnh khác như Ebola, sốt rét và sốt xuất huyết, đồng thời cũng có thể được sử dụng để tạo ra các mũi tiêm giúp con người chống lại một số loại bệnh ung thư nhất định hoặc các bệnh như lupus.

Giải Nobel vật lý sẽ được công bố vào 3/10, hóa học vào 4/10 và văn học vào 5/10. Tới ngày 6/10, giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố và giải thưởng kinh tế sẽ được công bố muộn nhất vào ngày 9/10.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.